Lượt xem: 211

Đẩy mạnh Phong trào Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của thi đua yêu nước Việt Nam, từ mục đích, nội dung, lực lượng đến phương châm, cách thức tổ chức thi đua… nhằm động viên, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực và của cải phục vụ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhất là những thắng lợi của hơn 35 năm đổi mới đã chứng tỏ giá trị thực tiễn của việc nghiên cứu và vận dụng sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 1/1967. Nguồn dangcongsan.vn

 

    Có thể khẳng định, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cần có những nguồn lực vừa mạnh cả về chất lương, quy mô và bền vững. Phong trào thi đua yêu nước, theo sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó, đóng vai trò cực kỳ quan trọng; là biện pháp chiến lược để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

    Góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam

    Cách đây 76 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”.

    Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, đất nước và dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước.

    Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, để động viên lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua không ngừng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, vận động “Đời sống mới”… Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ này đã động viên được tinh thần yêu nước của toàn dân để giết giặc và sản xuất với một đà mới, một đà thi đua sôi nổi. Từ đó, tiếp thêm sức mạnh cho toàn bộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân và dân ta.

    Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), dưới ánh sáng tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chủ tịch, các phong trào thi đua yêu nước phát triển liên tục, rầm rộ từ Bắc chí Nam, từ hậu phương ra đến tiền tuyến. Điển hình như phong trào thi đua “Ba nhất” trong quân đội; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ; phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” của thanh niên; các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba nhất”… ở miền Bắc; các phong trào “Thi đua ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”… ở miền Nam. Khí thế hăng hái, sôi nổi của các phong trào thi đua ấy lại một lần nữa được khơi dậy; biến trí tuệ, tinh thần, của cải của nhân dân thành sức mạnh, thành lực lượng vật chất để xây dựng chế độ xã hội mới ở miền Bắc; đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Phát huy những kết quả đạt được, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong 38 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo, phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua, ngày càng đi vào thực chất, trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, tự giác của các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua yêu nước luôn bám sát việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Thời kỳ đổi mới với nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Dạy tốt, học tốt”; “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện”; phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Ngày Vì người nghèo”, “Dân vận khéo”. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng COVID-19” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân và bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao… và nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong đời sống xã hội, học tập, lao động sản xuất, chiến đấu, vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Tập thể lao động xuất sắc… Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước đem hết tâm, tài, lực thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

    Động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước

    Sau 38 năm đổi mới, nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “ ...từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng; khối đai đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh và độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế… Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

    Những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 38 năm đổi mới có được là “kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hy sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội”. Phong trào thi đua yêu nước đã dần hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước và các bộ, ban, ngành, địa phương. Các phong trào thi đua với nội dung phong phú, hình thức sinh động, có mục tiêu rõ ràng, tiêu chí cụ thể, triển khai hiệu quả. Việc xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân được kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, góp phần tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển.

    Thẳng thắn nhìn nhận, phong trào thi đua yêu nước những năm qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, cần được quan tâm, giải quyết như: quá trình tổ chức các phong trào thi đua ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích; nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến chưa được phát hiện kịp thời và nhân rộng hiệu quả. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả những thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu chiến lược vào năm 2025, 2030 và 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra và từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước, để mỗi một người dân Việt Nam, ai ai cũng vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của các phong trào thi đua. Muốn đạt được điều này thì việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước có vị trí và vai trò hết sức quan trọng, trong đó chú trọng một số nội dung cụ thể sau:

    Một là, tăng cường tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

    Hai là, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú, đa đạng; bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh phong trào thi đua thường xuyên, cần tổ chức thi đua theo đợt, theo chuyên đề, các nội dung thi đua tập trung theo chủ đề thi đua giai đoạn 2021 - 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh - xã hội 5 năm (2021 - 2025), phấn đấu “đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

    Ba là, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Khen thưởng phải kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng việc, thực hiện dân chủ, công khai, công bằng. Chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; khen thưởng theo chuyên đề; khen thưởng đột xuất. Quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thi đua - khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Lựa chọn cán bộ có tâm, có tài, hết mình vì công việc làm công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

    Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác thi đua, khen thưởng. Xây dựng, ban hành và từng bước hoàn thiện các quy chế, quy định về kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác thi đi đua, khen thưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, khen thưởng kịp thời; bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

    Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua yêu nước với phương châm “một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Rà soát, lựa chọn các mô hình thực sự hiệu quả để nhân rộng. Duy trì thường xuyên, có nền nếp phong trào học tập noi theo gương người tốt, việc tốt, phong trào học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến nhằm tạo khí thi đua thế sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy khả năng và phẩm chất tốt đẹp thực hiện xuất sắc các nội dung, mục tiêu thi đua; đồng thời góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng, xây dựng con người mới phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

    Thi đua yêu nước là một nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho mọi phong trào thi đua trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và sự lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, đưa đất nước ta, nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Song, cũng tồn tại nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục. Vì vậy, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trở thành một động lực, một biện pháp quan trọng để chúng ta thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

ThS. Trần Văn Toàn - ThS. Hoàng Thị Thu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 225
  • Hôm nay: 4608
  • Trong tuần: 89,200
  • Tất cả: 12,555,854