Lượt xem: 604

Chị Trương Thị Bạch Thủy - Người khơi dậy sức sống mới cho làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân

Chị Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu Thành là chủ nhân của Dự án khởi nghiệp được chọn vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức vào tháng 9/2023 tại tỉnh Bến Tre. Nhiều năm qua, chị Thủy đã gắn bó, truyền cảm hứng và khơi dậy sức sống mới cho làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân. Những sản phẩm tiêu dùng truyền thống lâu đời nay dưới sự hướng dẫn của chị Thủy đã trở thành sản phẩm du lịch, trang trí, nâng cao giá trị kinh tế và vươn ra thị trường trong và ngoài khu vực.

 


Chị Trương Thị Bạch Thủy (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu Thành 

 

    Đến với làng nghề đan đát truyền thống xã Phú Tân, chúng tôi được chị Dương Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã dẫn đến HTX Mây tre đan Thủy Tuyết cũng là nơi gia đình chị Trương Thị Bạch Thủy đang sinh sống. Gọi là nhà nhưng nơi đây được thiết kế rộng rãi và chủ yếu là kho nguyên liệu, trưng bày các sản phẩm được làm từ mây tre đan, từ hàng tiêu dùng đến trang trí, tặng phẩm để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đưa chúng tôi tham quan 3 căn phòng của gia đình được thiết kế hoàn toàn bằng tre với những vật dụng từ tủ quần áo, đồng hồ, đèn chiếu sáng, đèn trang trí cũng được cách điệu từ thân tre, gốc tre khá bắt mắt, chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc HTX Mây tre đan Thủy Tuyết chia sẻ: “3 căn phòng được làm từ tre là thiết kế riêng cho gia đình mình, mình muốn tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên, mộc mạc để dành tặng riêng cho các con. Còn với những khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort hay homestay thì mô hình thiết kế thế này cũng đa dạng, nhiều kiểu dáng, đậm chất thôn quê, kích thước lớn nhỏ tùy theo yêu cầu của khách hàng, người dùng hay chủ cơ sở, doanh nghiệp. Hiện, mình đi thiết kế chủ yếu là ở các tỉnh phát triển mạnh về du lịch, như: Bình Dương, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu…”.

    Là nghề cha truyền - con nối từ bao đời, chị Trương Thị Bạch Thủy biết đan đát từ khi còn rất nhỏ, sản phẩm được tạo ra lúc bấy giờ chủ yếu là cần xé, rổ, nia, vật dụng gia đình. Lớn lên được tiếp xúc, học hỏi, nhìn thấy được giá trị thực sự của từng sản phẩm được tạo ra từ cây tre, cây trúc đã khiến chị Trương Thị Bạch Thủy càng thêm gắn bó, yêu nghề. Với con mắt của nhà nghề, chị không chỉ thấy được giá trị về mặt tiêu dùng, mang nét văn hóa truyền thống mà từng sản phẩm chỉ cần được sáng tạo, cách điệu và thổi hồn vào sẽ là những kiệt tác trong đời sống tinh thần, tạo cảm giác gần gũi, mộc mạc, gắn bó với thiên nhiên, môi trường. Đồng chí Dương Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Tân cho biết: “Quê quán tại tỉnh Bạc Liêu nên thời điểm đến với vùng đất Châu Thành, Sóc Trăng, chị Thủy đã phải mất nhiều thời gian, công sức để có thể thay đổi được thói quen sản xuất sản phẩm truyền thống của bà con trong HTX. Cùng có chung xuất phát điểm là niềm yêu nghề, mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhưng với tay nghề, sự nhạy bén trong nắm bắt, chị Thủy đã từng bước chuyển từ việc thu mua sản phẩm từ làng nghề cho bà con sang việc hướng dẫn, gợi mở và trực tiếp chỉ dạy những cách thức làm ra sản phẩm thiên về du lịch, trang trí, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con trong làng nghề. Đây cũng là nội dung chính trong dự án khôi phục làng nghề truyền thống của chị Thủy được chọn vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023...”.

    Từ việc sản xuất sản phẩm truyền thống dùng trong sinh hoạt, phải tốn nhiều nguyên liệu, giá trị lợi nhuận chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng. Nay, bà con làng nghề đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm tặng phẩm, du lịch vừa ít tốn nguyên liệu, lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Định hướng về nhu cầu thị trường và đồng hành cùng bà con đó là nữ Giám đốc HTX với tình yêu đặc biệt dành cho nghề đan đát - chị Trương Thị Bạch Thủy. Được chị Thủy hướng dẫn nhiều sản phẩm du lịch, cô Lâm Thị Phên, ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành chia sẻ: “Từ khi vợ chồng cô Thủy về Phú Tân, rồi xây dựng lại HTX Mây tre đan để hướng dẫn bà con làm sản phẩm đan đát theo nhu cầu thị trường thì đời sống của bà con làng nghề cũng có phần cải thiện hơn trước vì giá trị mỗi sản phẩm có phần tăng lên. Trước làm hàng tiêu dùng thì nay mình làm sản phẩm thu nhỏ, ít tốn tre mà lại có giá hơn, từ đó, lợi nhuận cũng cao hơn…”.


Chị Trương Thị Bạch Thủy (ngồi ngoài bên phải) gắn bó, truyền cảm hứng và khơi dậy sức sống mới cho làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân

 

    Hiện tại, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết của chị Thủy có hơn 500 mặt hàng các loại. Từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Ngoài thu mua sản phẩm cho bà con trong làng nghề, chị Thủy còn kết nối, thu mua sản phẩm ở các địa bàn lân cận, trực tiếp hướng dẫn nhiều lớp dạy nghề về đan đát cho các địa phương trong tỉnh. Với lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, cơ sở của chị đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động từ bà con trong làng nghề cho đến lao động tại cơ sở, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Và hơn hết là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn đang dần mai một theo năm tháng.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 515
  • Trong tuần: 86,162
  • Tất cả: 11,563,369