Lượt xem: 949

Cù Lao Dung - Tiềm năng, động lực phát triển du lịch và dịch vụ biển

Trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định định hướng phát triển Cù Lao Dung chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và là nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Theo đó, Đảng bộ huyện Cù Lao Dung phát huy lợi thế của mình đưa vào quy hoạch vùng, tương xứng là vùng trọng điểm của tỉnh với nhiều dự án, tuyến, điểm du lịch, dịch vụ, trong đó có cả du lịch, dịch vụ biển.

    * Tiềm năng du lịch

    Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng nằm trong khu vực hạ lưu sông Cửu Long, phía cuối sông Hậu. Đoạn sông nằm trên Cù Lao khi xưa chia dòng nước làm ba cửa sông đổ ra Biển Đông đó là: Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Ngày nay, cửa sông Ba Thắc nằm giữa đã bị dòng chảy cùng phù sa bồi lắng làm biến dạng, chỉ còn là con rạch nhỏ chảy ra sông Hậu cách cửa biển Trần Đề không xa có tên mới là sông Cồn Tròn chảy từ Vàm Hồ ra đến Khém Sâu. Cù Lao Dung với địa hình độc đáo “vùng đất nằm giữa sông lại vừa giáp biển, có vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn”. Đây cũng là miền đất có nhiều tên cùng những địa danh gắn liền trong công cuộc khai mở đất phương Nam. Với những câu chuyện huyền thoại mang đậm chất tôn giáo, lịch sử ly kỳ, thú vị của chúa Nguyễn Ánh trong hành trình bị quan binh Tây Sơn truy bắt đã đến đây ẩn nấp an toàn một thời gian khá dài. Hay trong thời cận đại với nhiều chiến công hiển hách của quân, dân địa phương kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


Khách du lịch vui chơi tại bãi bồi xã An Thạnh Nam. 

 

    Cù Lao Dung vốn có vị trí địa lý cách biệt với đất liền, luôn trong tình trạng nhiễm mặn, triều cường, bão lũ đe dọa làm ảnh hưởng đến giao thương, trao đổi hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội thấp kém nên những năm đầu sau ngày 30/4/1975, Cù Lao Dung gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ sau ngày 11/01/2002, huyện Cù Lao Dung được thành lập đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng với việc ban hành các nghị quyết, chương trình hành động nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển địa phương. Ưu thế lớn trong quy hoạch của tỉnh đã xác định Cù Lao Dung là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn rộng, khoa học, Cù Lao Dung sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Do vậy, ngành du lịch sẽ được ưu tiên đầu tư, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hơn thế, dự án cầu Đại Ngãi đã khởi công sẽ hoàn thành đầu năm 2026. Từ đây, Cù Lao Dung sẽ xóa đi sự “cô lập” với đất liền. Là động lực quan trọng thúc đẩy những định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giúp huyện Cù Lao Dung đạt được nhiều thành tựu.

    Hiện nay, Cù Lao Dung đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, nên bộ mặt nông thôn tiến bộ rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam sông Hậu là huyết mạch kết nối giữa Cù Lao Dung với các khu công nghiệp của tỉnh như: Trần Đề, Đại Ngãi, Cái Côn và khu công nghiệp Hưng Phú của thành phố Cần Thơ, cùng với hệ thống giao thông sông, biển rất thuận lợi với hai cửa sông lớn ra biển Đông là Định An và Trần Đề, đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển với những phương tiện vận tải lớn, giúp giảm bớt chi phí và đảm bảo an toàn.

    Bên cạnh đó, với đất đai màu mỡ, nhiều khoáng chất, thường xuyên được phù sa bồi đắp, diện tích đất tăng dần và lấn dần ra Biển Đông, công trình ngăn mặn đê Tả - Hữu giúp cho nguồn nước ngọt thuận lợi... đã tạo cho Cù Lao Dung tiềm năng phát triển nền nông nghiệp có chất lượng cao. Được thiên nhiên ưu đãi, có diện tích mặt nước rộng lớn, môi trường sinh thái sạch rất phù hợp cho nuôi trồng nhiều loại thủy - hải sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nơi đây sẽ là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, không khí trong lành kết hợp với các điểm di tích lịch sử văn hóa… là điểm mạnh và ưu thế cho phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du khảo…

    * Động lực phát triển du lịch và dịch vụ biển

    Theo quy hoạch vùng của tỉnh và huyện Cù Lao Dung, để xứng tầm là huyện trọng điểm du lịch, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Cù Lao Dung tập trung phát triển theo hướng sinh thái, du lịch xanh; xây dựng tuyến cáp treo đi đến Cù Lao Dung, phục vụ du lịch, ngắm cảng biển Trần Đề. Bởi huyện Cù Lao Dung có bờ biển dài 17km, cảnh quan thiên nhiên phong phú, có khí hậu ôn hòa, có hệ sinh thái đa dạng mang đặc thù của vùng sông nước ven biển, thuận lợi phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và dịch vụ biển với các loại hình như: Du lịch sinh thái; duy trì, phát triển nâng tầm các lễ hội truyền thống; khai thác các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer, Hoa; phát triển mô hình du lịch cộng đồng…

    Song song đó, huyện Cù Lao Dung còn nhiều lợi thế như: Có nguồn lợi thủy sản phong phú của 3 hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn, thích hợp cho nghiên cứu, lai tạo các giống loại thủy sản để kêu gọi các viện nghiên cứu tổ chức trại thực nghiệm, làm dịch vụ giống cung cấp ra các tỉnh lân cận như: Nghêu, sò huyết và một số loài thủy sản đặc sản ven biển và hạ lưu sông Hậu… Từ đó, hình thành vùng du lịch gắn với rừng ngập mặn ven biển, đẩy mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế - gắn với biển như: hàng hải, thương mại đường biển, các dịch vụ gắn với biển, du lịch biển, kinh tế thủy - hải sản.


Ði cầu tre xuyên rừng tại Khu Du lịch xã An Thạnh Ba.

 

    Theo quy hoạch vùng của huyện Cù Lao Dung, định hướng chức năng phát triển các khu du lịch như: Trước tiên là khu “cửa sổ Đồng bằng sông Cửu Long”, vị trí phía Nam cầu Đại Ngãi, xã An Thạnh Tây bao bọc bởi các nhánh sông Khém Sâu và rạch Khém Bà Mành; khu nghỉ dưỡng An Thạnh Tây; khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp nghỉ dưỡng xã An Thạnh Ba và An Thạnh Nam; khu du lịch Ốc Đảo Vàm Hồ (thuộc vùng 3, xã An Thạnh Nam); khu du lịch nông nghiệp - làng du lịch Long Ẩn (thuộc vùng 2, xã An Thạnh Nhất). Ngoài ra, phát triển tuyến du lịch như: Điểm dừng chân kết hợp dịch vụ, du lịch đường sông ở xã An Thạnh Nam đi đò máy dọc sông Cồn Tròn, Đài tưởng niệm chiến thắng Rạch Già và các điểm du lịch mới hình thành khu vực này. Cơ chế phát triển các khu du lịch thì vận dụng tính liên kết giữa 3 chủ thể trong hoạt động du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương.

    Huyện Cù Lao Dung có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, trong đó kinh tế du lịch, dịch vụ nói chung và dịch vụ biển nói riêng có nhiều thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, hiện nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, không gian vùng còn nhiều bất cập. Huyện đã xây dựng nhiều đề án nghiên cứu với phương pháp luận mới, tích hợp các chiến lược phát triển đa ngành, trong đó ngành du lịch có nhiều khả thi.

    Với tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong hoạch định, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế, tin chắc Cù Lao Dung sẽ nâng tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trở thành NƠI ĐÁNG SỐNG!

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 79
  • Hôm nay: 4608
  • Trong tuần: 90,255
  • Tất cả: 11,567,462