Lượt xem: 127

Về miền Tây ăn bánh phồng mì

Về ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, hỏi thăm nhà chị Bảy Thấy, những người yêu thích các món bánh miền Tây sẽ được thưởng thức món quà quê độc đáo: Bánh phồng mì. Câu chuyện về nghề bánh nơi miền quê này cũng được kể lại đầy sinh động qua từng công đoạn làm bánh của người thợ, qua mùi bánh thơm dịu ngọt ngào.

 


Phơi bánh phồng mì

 

    Nguyên liệu làm nên chiếc bánh phồng mì chính là khoai mì - loại khoai ngon, được chọn lựa cẩn thận, sau đó đem hấp chín, cùng với đó là đường, nước cốt dừa và mè rang. Tất cả được cho vào cối giã nhuyễn mịn thành khối bột. Đây là công đoạn nặng nhọc nhất và người đảm nhận là chị Lê Thị Thấy, bà con quanh đây hay gọi là chị Bảy Thấy.

    Chị Lê Thị Thấy chia sẻ: “Cái này đàn ông cũng chưa chắc làm được đâu, không biết cách là giã văng ra ngoài hết, phải mạnh và phải khéo nữa. Lựa khoai mì làm bánh phải là khoai mì bột thì bánh mới ngon”.

    Những ngày gần Tết, khi lượng bánh đặt làm nhiều, có ngày chị Bảy Thấy giã liên tục 4 cối, mỗi cối là khối bột hơn 2 kg. Cứ 3 kg rưỡi khoai mì thì cho ra 2 kg bột. Khoai được mua từ bà con ở địa phương, cũng có khi tìm mua ở các tỉnh lân cận khi nguồn khoai khan hiếm.

    Khoai mì sau khi giã nhuyễn thành khối được nhồi nhiều lần bằng tay cho dẻo mịn. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, người thợ bánh biết cần phải nhồi đến khi nào thì khối bột đạt yêu cầu, sau đó là đến công đoạn cán bánh. Từ khối bột lớn, người thợ bánh chia thành từng khối nhỏ, mỗi khối bột là 1 chiếc bánh. Không cần đến dụng cụ cân đong, những khối bột được chia bằng tay vẫn đều tăm tắp. Phần cán bánh này là công đoạn cần rất nhiều sự khéo léo, bởi phải cán sao cho chiếc bánh tròn và mỏng đều. Thường những tay thợ có kinh nghiệm mới được giao cho phần cán bánh. Những chiếc bánh phồng mì từ đôi tay chị Bảy Thấy vẫn thường bị nhầm tưởng là làm bằng máy, vì cái nào cũng đều tăm tắp, dù chẳng hề có khuôn bánh hay dụng cụ hỗ trợ nào. Gần 50 năm kinh nghiệm của chị Bảy gói trong từng chiếc bánh. Mang theo đó là bao tâm huyết, tình yêu dành cho nghề truyền thống của gia đình.

    Vừa thoăn thoắt đôi tay cán bánh, chị Bảy vừa hoài niệm: “Chị làm nghề này mấy chục năm rồi, nhà chị đã ba đời làm nghề. Lúc trước cả xóm này đều làm bánh phồng mì, gần Tết là vui lắm, 3 giờ sáng là thức làm bánh, nhộn nhịp lắm”. Hiện chỉ còn mỗi gia đình chị Bảy Thấy là vẫn tha thiết với nghề và lượng bánh làm ra cũng sụt giảm nhiều. Từ vài ngàn chiếc bánh, giờ chỉ còn vài trăm chiếc mỗi ngày. Dù vậy, chị Bảy vẫn giữ nghề bởi chẳng nỡ phụ lòng khách phương xa. Người đặt mua dành biếu tặng, người sống nhiều năm ở nước ngoài vì nhung nhớ vị bánh quê nhà mà tìm đến mua.

    Một chục bánh giá 30 ngàn đồng, nhưng công sức và tấm lòng của người thợ thì chẳng thể nào đong đếm. Nghề làm bánh phồng mì đã qua thời rực rỡ, thu nhập từ nghề chẳng đủ sức níu chân những người trẻ, chỉ những ai trót thương, nặng lòng với nghề gia truyền như chị Bảy mới còn gắn bó. Và cũng nhờ đó, những chiếc bánh lại có dịp đi khắp nơi gần xa, níu giữ ký ức cho những người con xa quê, mong tìm lại hương vị quê nhà.

Hà Phương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 260
  • Hôm nay: 5358
  • Trong tuần: 84,345
  • Tất cả: 11,610,441