Lượt xem: 77

Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspéro của tỉnh Sóc Trăng

Du lịch văn hóa lễ hội là loại hình du lịch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều nội dung, hình thức, sắc màu phong phú như ở Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan… Tại Việt Nam, lễ hội văn hoá truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh của nhiều địa phương và ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hằng năm, mỗi tỉnh có từ vài chục đến vài trăm lễ hội, tuy nhiên, ngoài du lịch biển, thế mạnh của khá nhiều tỉnh, đối với sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông nước không phải tỉnh nào cũng có và hấp dẫn du khách, do tùy thuộc vào địa hình, dòng chảy của nước, quang cảnh chung quanh và 2 bên bờ sông, tính chất lễ hội, thị hiếu của du khách…. Một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, ở thành phố Huế và một số tỉnh Tây Nguyên phát triển khá tốt sản phẩm du lịch sông nước, nhưng vẫn còn đơn điệu, chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách, có khi một năm chỉ tổ chức vài ngày.

    Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vị trí địa lý và hệ thống kênh rạch chằng chịt là môi trường thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội gắn liền với sông nước. Tuy nhiên, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.230 lễ hội; nhưng rất ít lễ hội gắn với sông nước, trừ một vài tỉnh có lễ hội gắn với sông nước nhưng chưa nhiều như Lễ hội Sông nước miệt vườn của Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… Mặt khác, loại hình du lịch văn hóa lễ hội gắn với sông nước chưa được phát huy đúng mức. Hơn mười năm trước, loại hình du lịch Chợ nổi thu hút đông du khách quốc tế và trong nước, sôi nổi nhất ở Vĩnh Long, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ... Tất cả còn thuần túy là giới thiệu các sản phẩm trái cây, các loại bánh miệt vườn, cù lao cùng một số loại hình ẩm thực, văn nghệ, thể thao truyền thống. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, chợ nổi gần như kết thúc vai trò thu hút hấp dẫn du khách.

    Với bối cảnh chung như trên, cần có sự nghiên cứu trao đổi để tìm ra hướng đi khai thác sản phẩm du lịch mới về văn hóa lễ hội gắn với sông nước Nam Bộ nói chung và sông nước Sóc Trăng nói riêng.

    Những năm vừa qua, một số tỉnh đã tổ chức Lễ hội trên sông nước khá hoành tráng như Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang,… nhưng kinh phí khá tốn kém và hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhìn về Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, 2024 đã tổ chức Lễ hội sông nước lần đầu tiên đạt kết quả rất khả quan với nhiều hoạt động sôi nổi, nêu bật được giá trị của sông nước Nam bộ cùng với nhiều dịch vụ du lịch mới hiện đại.


Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng tổ chức hằng năm trên sông Maspéro thành phố Sóc Trăng. Ảnh minh họa

 

    Có rất nhiều yếu tố và yêu cầu để có thể triển khai thực hiện tốt sản phẩm du lịch mới này tại Sóc Trăng. Trước hết, nói về các con sông chảy qua trung tâm hay ven trung tâm thành phố, tỉnh, thị xã, khá nhiều tỉnh đều có, không chỉ riêng Sóc Trăng. Cho nên, con sông chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa là yếu tố đủ để phát triển sản phẩm du lịch mới. Do đó, cần kết hợp một cách khoa học với hoạt động văn hóa, lễ hội, với thể dục thể thao, với công nghiệp, thương nghiệp, các doanh nghiệp du lịch, với địa phương, cả sự đồng thuận của người dân.

    Thành phố Sóc Trăng có lợi thế của con sông Maspéro, là địa điểm tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo cấp tỉnh và cấp khu vực hằng năm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Óoc-Om-Bóc - Đua ghe Ngo mỗi năm, được công nhận là loại hình văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố Sóc Trăng là địa bàn tập trung nhiều cơ sở thờ tự của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, có các chùa nổi tiếng của dân tộc Khmer, Hoa, Kinh; nhiều chùa là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, không tỉnh nào có được như chùa Kh’Leang, Chùa Som Rong, chùa Đất Sét, Chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Ông Bổn, Đình thần Năm Ông... Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nhiều sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như bún nước lèo, bún gỏi dà, bánh pía, bánh cống, bánh bầu; nhiều môn thể thao nổi tiếng, nhất là đua ghe Ngo, bi sắt, bóng rổ…; nhiều loại trái cây Nam bộ, có đào hồng nhung ở một số chùa Khmer, nhãn tím, nhãn da bò, vú sữa tím, vú sữa bơ hồng, sầu riêng, các sản phẩm OCOP đa dạng, hấp dẫn. Đặc biệt hơn là các loại hình nghệ thuật Khmer như sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê, múa Rom vong . . .

    Như vậy, kết hợp hài hòa các thế mạnh nêu trên để tổ chức sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội trên sông Maspéro sẽ có thể thành hiện thực, xin được đề xuất một số vấn đề như sau:

    Một là, tạo cảnh quan mới lạ, gần gũi 2 bên bờ sông. Đó là những căn nhà, những hàng cây ven sông, hoa kiểng. Sự đơn điệu quang cảnh sẽ khó tạo sự hấp dẫn cho du khách. So với các tỉnh bạn, quang cảnh hai bên bờ sông Maspéro không có nhiều căn nhà phố đông đúc, cao tầng như ở thành phố Long Xuyên, Vĩnh Long, Mỹ Tho… bề ngang sông không rộng bằng các tỉnh trên nhưng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh tự nhiên là thế mạnh cần được phát huy. Đó là những cây cau, dừa, xoài, mận… cùng một số loại cây ngắn ngày khác. Ngoài ra, nghiên cứu để xây dựng thí điểm một số homestay dọc theo tuyến sông du lịch để phục vụ theo nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Việc xây dựng các ngôi nhà, tòa nhà dọc theo 2 bên bờ sông cần đúng theo quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa, cân đối trong kiến trúc đô thị sông nước. Ngoài ra, cần có giải pháp chống xói lở 2 bên bờ. Có thể kết hợp làm bờ kè với trồng cây bảo vệ bờ sông. Nhưng lưu ý quá trình bê tông hóa có thể làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên của vùng sông nước.

    Hai là, có các trạm dừng chân, điểm tham quan khác với tỉnh bạn. Đối với Sóc Trăng, đó là những ngôi chùa Khmer cùng với hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống, do lợi thế của thành phố Sóc Trăng, ở gần Ngã Tư Cột Lồng Đèn là ngôi chùa Paem Buôl Thmây được xây dựng mới, giống như dát vàng với kiến trúc theo phong cách Thái Lan, được du khách khen ngợi đẹp như cung điện Hoàng Gia. Ngoài ra, cần xây dựng thêm các trạm dừng chân khác trên tuyến đường thủy đến cầu Tân Thạnh hoặc về thị trấn Mỹ Xuyên. Các điểm dừng chân này để du khách thư giãn, thưởng thức trái cây, món ngon dân dã vùng quê Sóc Trăng, khám phá các căn nhà cổ, những vườn cây đặc sản dọc theo tuyến đường thủy.

    Có thể liên kết các điểm tham quan trên bờ, gần sông là di tích cấp quốc gia hay cấp tỉnh để kéo dài thêm thời gian, tạo điều kiện cho du khách khám phá, trải nghiệm và mua sắm. Các điểm đó có thể là Khu di tích đón đoàn tù Chính trị Côn Đảo, Chùa Kh’Leang, chùa Ông Bổn, Đình Năm Ông. Có thể kết hợp tour du lịch đường sông với tổ chức chợ đêm dọc bên bờ sông, kết hợp giới thiệu ẩm thực, bán các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm (đến nay toàn tỉnh có 235 sản phẩm OCOP được chứng nhận gồm: 01 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao; 21 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao; 213 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao) của 132 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh),…

    Ba là, cho du khách trải nghiệm sông nước như có khu vực tập bơi xuồng, chèo xuồng. Nếu đoàn đông có thể hướng dẫn du khách tập bơi trên 1 chiếc ghe Ngo thu nhỏ. Sẽ hết sức thú vị, nếu tạo điều kiện cho du khách thưởng thức đèn nước ban đêm. Ngoài ra, có thể đề nghị cấp có thẩm quyền, cho phép thực hiện thả đèn gió theo truyền thống khi tổ chức các lễ hội. Về lâu dài, cần nghiên cứu thí điểm các trò chơi sông nước hấp dẫn như lướt ván, chèo SUP, đua ghe Ngo thu nhỏ, mô tô nước, đua thuyền composite,… Ban đêm cần có các hoạt động dịch vụ ẩm thực, ca nhạc, các trò chơi sông nước theo định kỳ. Đặc biệt, tổ chức Lễ hội hoa đăng cầu bình an, hạnh phúc, hòa bình hàng tháng vào ngày rằm sẽ là điểm nhấn hấp dẫn du khách.

    Bốn là, đóng ghe tàu du lịch theo đặc điểm kiến trúc của dân tộc Khmer, tàu có sức chứa khoảng 20-30 người, có thể làm nơi phục vụ khách ăn trưa, chiều, tối trên tàu. Số cán bộ, nhân viên phục vụ phải đảm bảo tiêu chuẩn chung. Ẩm thực phải giới thiệu được các món ăn ngon của Sóc Trăng, như gạo ST 25, cá kèo, cá thòi lòi kho tộ hay nướng muối ớt, tôm, cua biển; các loại bánh như bánh xèo, bánh cống… Tàu thuyền du lịch phải được đăng kiểm theo đúng quy định, có độ an toàn cao cho du khách như có áo phao, lan can, tay vịn,… Trên tàu có thể có các chương trình, tiết mục văn nghệ như ca cổ, các làn điệu dân ca Khmer, Hoa (theo yêu cầu từng đoàn khách).

    Năm là, môi trường là một trong những tiêu chí quyết định cho hoạt động du lịch, nhất là du lịch trên sông. Cần có giải pháp xử lý nước thải từ các cống thoát nước ra 2 bên bờ kè, bộ phận thu gom rác thải trên sông và từ các hoạt động phục vụ du khách trên tàu, thuyền. Không chỉ riêng môi trường trên sông và hoạt dộng dịch vụ kèm theo, môi trường khách sạn, đường phố, vỉa hè, nhà hàng, nơi bán quà lưu niệm,… đều phải bảo đảm sạch sẽ, thoáng, mát, thành phố Sóc Trăng phải thật sự là thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn, hấp dẫn và hiếu khách.

    Sáu là, yếu tố con người là quyết định. Cần có kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong chuỗi dịch vụ phục vụ đường sông, vừa có ngoại hình vừa có chuyên môn tốt. Khi có khách quốc tế, cần đạt chuẩn giao tiếp với du khách nước ngoài theo quy định. Như vậy, cần phát huy vai trò đầu tư và đào tạo của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Cơ chế, chính sách đầu tư cần nhanh chóng, đảm bảo quy trình và đúng quy định của pháp luật.

    Người dân địa phương luôn đóng vai trò quan trọng, là sứ giả, là cầu nối gián tiếp của hoạt động du lịch với du khách. Thái độ cử xử, giao tiếp tốt, sẽ là điểm cộng của du khách cho điểm đến. Giới thiệu điểm đến tốt là một trong những yêu cầu cần thiết, giúp du khách hiểu rõ giá trị văn hóa, lịch sử của điểm đến.

    Bảy là, đây là nội dung quan trọng nhất trong đề xuất, đó là thị trường khách du lịch đến Sóc Trăng. Sẽ có những đoàn khách nước ngoài đến Sóc Trăng tham quan, trải nghiệm. Công ty du lịch nào sẽ đưa khách đến theo tour. Vừa qua, thống kê cho thấy khách du lịch đến Sóc Trăng có tăng sau khi COVID-19 kết thúc, đạt từ 2,4 triệu đến 2,9 triệu, doanh thu từ 1.200 tỷ trở lên. Số tiền chi tiêu của du khách đến Sóc Trăng thấp. Điều này cho thấy, các dịch vụ của Sóc Trăng còn hạn chế, thiếu tính đa dạng, khách không có điều kiện để tiêu tiền. Vì vậy, cần phải tính toán và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của dự án, các dịch vụ phải mới, mang bản sắc văn hóa riêng của Sóc Trăng, có chất lượng cao. Du khách nước ngoài đến Sóc Trăng còn ít, chỉ vài nước có đầu tư các dự án tại Sóc Trăng hoặc khách đi lẻ. Hiện nay, Sóc Trăng chỉ là điểm dừng, chưa là điểm đến của các công ty du lịch lựa chọn khi tổ chức tour du lịch cho du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến hết sức quan trọng cũng như công tác nối kết chặt chẽ với các nhà lữ hành. Một tín hiệu đáng mừng là Homestay Chợ Nổi Ngã Năm đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, nhất là từ năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 như du khách Pháp, Canada, Ý,. . .

    Văn hóa lễ hội sông nước là sản phẩm khá mới đối với Sóc Trăng và đa số các tỉnh ĐBSCL, do đó cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm ở nước bạn, gần đây nhất là của Thành phố Hồ Chí Minh. Cần đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Nếu tổ chức tốt, cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspéro, sẽ là bước tiến mới của du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện các tỉnh cũng đang tìm lối ra cho ngành du lịch. Đề tài Nghiên cứu xây dựng sản phảm du lịch lễ hội văn hoá sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng, do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh chủ trì đã được Hội đồng khoa học Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu vào giữa năm 2024, hy vọng sẽ mang lại những sản phẩm mới về du lịch sông nước cho tỉnh nhà.

    Phát huy tốt sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspéro vừa tạo ra những hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn là cơ sở để tăng cường sự kết nối chặt chẽ, phát huy sức mạnh trong cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, cùng chung tay làm du lịch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh và thành phố Sóc Trăng.

Trịnh Công Lý



Phim tư liệu
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 75
  • Hôm nay: 6037
  • Trong tuần: 90,774
  • Tất cả: 15,292,630