Lượt xem: 51

Tìm hiểu nghề quết cốm dẹp của đồng bào Khmer xã Phú Tân, huyện Châu Thành

Làng nghề làm cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là làng nghề truyền thống có trên 100 năm tuổi của đồng bào Khmer. Trước kia, bà con nơi đây chủ yếu làm cốm theo mùa dịp Lễ hội Óoc-Om-Bóc, nhưng hiện nay do nhu cầu của thị trường nên trên dưới 40 hộ dân nơi đây vẫn giữ nghề quết cốm dẹp và có 4 cơ sở sản xuất cốm dẹp quanh năm cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Cốm dẹp bán được quanh năm bởi không chỉ là món ngon để cả nhà thưởng thức hay tiếp đãi bạn bè, mà còn là món quà ẩm thực độc đáo, làm quà biếu tặng người thân, bè bạn. 


Câu lạc bộ quết cốm dẹp trình diễn tại Lễ ra mắt mô hình văn hóa truyền thống dân tộc thuộc Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”

 

    Theo các cơ sở sản xuất cốm dẹp, việc sản xuất cốm dẹp bằng máy đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nhất là khâu quết cốm sẽ đỡ cực hơn, không mệt nhọc bằng việc 2 người luân phiên dùng chày quết cốm như trước. Với cách này, các cơ sở không chỉ nâng cao năng suất mà cốm được quết bằng máy còn dẹp hơn, hạt nếp cũng đều hơn.

    Theo bà con cho biết, muốn cốm dẹp ngon, nếp mới phải được chọn kỹ có màu phớt xanh, sau đó đem ngâm, rửa sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Sau khi để ráo nước mới đem rang với lửa nhỏ vừa, đến lúc có hạt nếp nổ là vừa chín tới, phải đem đi quết ngay. Quết thủ công sẽ cần có hai người thay phiên nhau giã trong một chiếc cối lớn thường bằng gỗ. Với cách này, cốm quết xong sẽ dẻo, có mùi thơm; hạt cốm bảo quản được lâu và không bị mốc. Khi ăn, bà con thường cho thêm vào cốm dẹp nước dừa tươi hoặc nước cốt dừa, đậu xanh, đường và dừa nạo. Sau đó trộn kỹ để cho cốm dẹp thấm đều các gia vị sẽ có độ dẻo, bùi và thơm ngon đậm đà.

    Cốm dẹp đã có từ lâu đời, gắn bó với đồng bào Khmer qua các phong tục truyền thống. Tương truyền, cốm dẹp là vật phẩm chính để bà con dâng cúng thần Mặt Trăng tại Lễ hội Óoc-Om-Bóc. Từ món ăn mang ý nghĩa tâm linh đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer, thì hiện nay cốm dẹp đã trở thành đặc sản nổi tiếng của người Khmer ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành nói riêng, tỉnh Sóc Trăng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.

    Được biết, năm 2024 UBND xã Phú Tân đã thành lập Câu lạc bộ giới thiệu nghề truyền thống quết cốm dẹp của đồng bào Khmer thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, năm 2024.

    Tìm hiểu về nghề quết cốm dẹp, xem các nghệ nhân biểu diễn quết cốm dẹp để thấy sự công phu, tỉ mỉ cho ra đời một món đặc sản đậm đà hương vị. Hoạt động này cũng sẽ được tổ chức tại Tuần lễ Hoa kèn hồng lần thứ I, năm 2025, trên tuyến đường Hùng Vương, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, từ ngày 15 đến ngày 19/3/2025./.

Tuyết Hằng Nghi



Phim tư liệu
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 102
  • Hôm nay: 6164
  • Trong tuần: 90,901
  • Tất cả: 15,292,757