Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND, ngày 25/4/2022 triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, 7 Đề án/kế hoạch về cải cách hành chính quy mô cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và trên 65 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính hướng tới hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra. Các cấp ủy đảng, cơ quan chính quyền đã ban hành nhiều văn bản triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 61/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhiều giải pháp, hoạt động chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với chính quyền; 14 sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính được phát hiện và công nhận qua hội thi cải cách hành chính, trên 25 mô hình cải cách hành chính đang duy trì hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Người dân tra cứu thủ tục hành chính trên bảng niêm yết công khai các danh mục thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Theo đó, kết quả đạt được về cải cách thể chế, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành đều đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục ban hành theo quy định, kịp thời đáp ứng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, bám sát vào quy định pháp luật của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Trong 2 năm 2022 - 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 91 văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần định kỳ hàng năm. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được thực hiện thường xuyên. Tổ chức triển khai hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các chuyên mục pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng; chuyên trang trên Báo Sóc Trăng; Đài truyền thanh cấp huyện; Cổng Thông tin điện tử; xây dựng 368 đồ họa thông tin (Infographic) và cấp phát 50.874 văn bản luật miễn phí; tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật” năm 2022 và 2023.
Kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính, trên cơ sở các quyết định công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã thực hiện công bố 1.303 thủ tục hành chính. Tổ chức rà soát, đánh giá đối với 25 thủ tục hành chính thuộc 9 nhóm quy định thủ tục hành chính và ban hành 16 quyết định thông qua phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, 202 thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Toàn tỉnh có 862 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các sở, ngành tỉnh, Công an tỉnh và thủ tục hành chính áp dụng tại cấp huyện, cấp xã được phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, đạt tỷ lệ cắt giảm 20,27% chi phí trong năm 2023 so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỉnh đã hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp đã hoàn thành thống nhất sử dụng bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận Một cửa theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp và thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp 1.778 dịch vụ công, trong đó có 1.015 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 343 dịch vụ công trực tuyến một phần và 420 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Toàn tỉnh có 956/1.778 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 605.859 hồ sơ thủ tục hành chính, giảm 32,27% so với năm 2022. Kết quả đã giải quyết 596.864 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn và đúng hạn 595.634 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,79%, giảm 0,13% so với năm 2022; 1.230 hồ sơ giải quyết trễ hạn, tăng 1,94 lần so với năm 2022. Nguyên nhân giải quyết hồ sơ trễ hạn: 96,02% do công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chậm xử lý trên môi trường điện tử, một số trường hợp do lỗi kỹ thuật (tập trung nhiều ở cấp xã), thực tế hồ sơ đã giải quyết và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đúng hạn; 3,98% còn lại có trường hợp khách hàng nộp hồ sơ trực tuyến chưa đầy đủ, công chức liên hệ đề nghị bổ sung hồ sơ nhưng không liên lạc được, dẫn đến quá thời gian phải tiếp nhận theo quy định; một số hồ sơ cần nhiều thời gian xác minh, thẩm định, nên giải quyết chưa đúng hạn.
Về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, các cấp ủy, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác cải cách hành chính trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ, công việc chuyên môn tại cơ quan liên quan đến các lĩnh vực như công tác tổ chức đảng, đảng viên, công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chế độ chính sách cán bộ,... Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị được kịp thời, thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết so với trước đây. Đồng thời, việc gửi, nhận, trao đổi văn bản được thực hiện qua mạng nội bộ, mạng diện rộng của Đảng và trục liên thông.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tỉnh hoàn thành 100% việc quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức nhằm tránh sự chồng chéo, bỏ trống chức năng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan hành chính cấp tỉnh đã giảm 40 phòng, ban, đơn vị trực thuộc, 21 phòng thuộc cơ cấu tổ chức của Chi cục và tương đương thuộc sở, ngành; giảm 30 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thực hiện giảm 10 phòng chuyên môn; thực hiện hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với Đài Truyền thanh của 11/11 đơn vị cấp huyện. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành cấp tỉnh, kết quả đã giảm 50 tổ chức do thực hiện sáp nhập, hợp nhất và giải thể. Các cơ quan, đơn vị địa phương đẩy mạnh phân cấp quản lý ở một số lĩnh vực như quản lý đầu tư; đất đai; công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; giao thông; xây dựng; tài nguyên và môi trường và một số lĩnh vực khác; thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng biên chế theo đúng quy định, không xảy ra trường hợp sử dụng vượt số biên chế được giao. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ đúng quy định.
Về cải cách chế độ công vụ, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt; Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về công tác quy hoạch cán bộ, Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, điều động, chuyển công tác, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo thuộc thẩm quyền 46 trường hợp. Các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Việc rà soát, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý được tổ chức thực hiện theo quy định. Về phía sở, ban, ngành tỉnh đã tuyển dụng 1.359 công chức, viên chức, nâng ngạch, thăng hạng 32 công chức, viên chức.
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ về phát triển nguồn nhân lực, đến nay tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đào tạo theo Đề án đào tạo nhân lực ngành y tế đối với 250 trường hợp, với tổng kinh phí 4.141.711.500 đồng; hỗ trợ tốt nghiệp sau đại học đối với 39 trường hợp nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã cử 27.444 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, trong đó có 265 trường hợp đào tạo sau đại học. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 26.362 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trình độ sau đại học là 1.776 người, đạt tỷ lệ 6,74%.
Về cải cách tài chính công, toàn tỉnh có 165/165 sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Tất cả 109/109 các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, ngày 7/10/2013 của Chính phủ. 41/103 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được giao quyền tự chủ (đạt 26,21%); cấp huyện có 467/467 đơn vị được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ (đạt 100%).
Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Hoàn thành việc nâng cấp nền tảng chia sẽ tích hợp dữ liệu tỉnh (LGSP), nền tảng hệ thống Điều hành thông minh tỉnh (IOC), nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử. Triển khai số hóa, chuẩn hóa hệ thống các cơ sở dữ liệu của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu cho Cổng Thông tin du lịch thông minh; xây dựng kho cơ sở dữ liệu tỉnh và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh về an sinh xã hội; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Triển khai nâng cấp hệ thống quản lý văn bản điện tử, cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng dịch vụ công; triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Chuẩn hóa 8.810 hộp thư điện tử công vụ cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh dùng làm tài khoản đăng nhập để sử dụng các hệ thống do tỉnh cung cấp; 4.808 thiết bị chữ ký số chuyên dùng được cấp cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh phục vụ trao đổi liên thông văn bản điện tử. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã kết nối, liên thông đồng bộ 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, tỉnh đến xã; 92,38% hồ sơ công việc tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến Sóc Trăng. Người dân có thể tra cứu thông tin, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến thông qua máy tính và các thiết bị di động. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình đạt 55,18%, tăng 24,93% so với năm 2022; tỷ lệ thanh toán trực tuyến 0,92%.
Trung tâm Giám sát điều hành thông tin tỉnh (IOC) từng bước hoạt động hiệu quả, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. 11 phân hệ trên Trung tâm Giám sát điều hành thông tin tỉnh cơ bản đã tích hợp, kết nối được một số dữ liệu, giúp lãnh đạo trong việc giám sát, theo dõi toàn diện các lĩnh vực về an ninh trật tự, kinh tế xã hội, đời sống của người dân, cũng như cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các quyết định quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đang vận hành, áp dụng 100% hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001. Thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 bản điện tử tại 42 đơn vị.
Hồng Nhi