
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng
* Từ ngày 1/7/2024, Quốc hội cho phép tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết ngày 31/12/2024. Theo ông, việc này sẽ có tác động như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Sóc Trăng, thưa ông?
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Theo tôi được biết, để phục hồi và kích cầu phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2022 đến nay, nước ta đã có 4 lần giảm thuế giá trị gia tăng. 3 lần trước, chính sách này đã phát huy hiệu quả, đã góp phần giúp nền kinh tế phục hồi sau khi gặp quá nhiều khó khăn từ đợt COVID-19 và suy thoái kinh tế. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục một cách tích cực. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ hồi phục kinh tế sau suy thoái khá tốt. Vì thế, Nghị định số 72/2024, ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 142 của Quốc hội giảm 2% thuế VAT với một số nhóm mặt hàng có hiệu lực từ 1/7 đến 31/12/2024 là vô cùng cần thiết và kịp thời.
Tôi đánh giá, chính sách này sẽ đem đến nhiều động lực tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc này sẽ kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Vì khi chúng ta giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người tiêu dùng, kích thích được người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sẽ bán được hàng và có nguồn tiền để quay vòng đầu tư, sản xuất. Đối với các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến…, nên việc giảm 2% thuế VAT mang ý nghĩa rất tích cực. Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị cũng giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào; doanh nghiệp có dư địa để giảm giá, vừa chia sẻ được với người tiêu dùng, vừa tăng sức cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và quốc tế.
* Ông nhận định như thế nào về cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long trước bối cảnh có nhiều chính sách thuận lợi và nền kinh tế đang phục hồi như hiện nay, thưa ông?
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Tôi cho rằng, từ thời điểm “Zero COVID” và kinh tế bắt đầu phục hồi sau dịch bệnh đến nay, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từ việc giãn thuế, tiền thuê đất, đến chính sách cấp vốn ưu đãi, giảm thuế phí… Điều này thể hiện, Đảng, Nhà nước luôn đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Chính những chính sách phục hồi đó giúp nhiều doanh nghiệp có động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều là “tế bào” của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển bền vững thì cộng đồng doanh nghiệp phải phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong thời điểm nền kinh tế đang phục hồi như hiện nay, đây là thời điểm rất nhạy cảm, mỗi một chính sách đưa ra đều có tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Những chính sách thuận lợi sẽ tác động tích cực lên khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, không chỉ doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp Sóc Trăng mà cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đều được hưởng lợi từ các chính sách đó. Tôi tin rằng, với việc Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7 sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thêm động lực, cơ hội để “hồi sức” sau thời gian dài “gồng mình” đối mặt với khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Tại khu vực này, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy - hải sản, nên các chính sách sẽ tác động trực tiếp đến những mặt hàng mà họ đang sản xuất, kinh doanh.
* Để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, theo ông, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng cần sớm có chủ trương, chính sách ra sao. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh quan tâm điều gì nhất thưa ông?
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Tôi cho rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì đầu tiên, chính quyền địa phương phải đưa ra những chủ trương, chính sách mang tính chất bền vững, tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, chúng ta cũng đã có quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng cũng đã đưa ra phương hướng phát triển tỉnh một cách bền vững, lâu dài. Thậm chí, tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện sự cầu thị khi đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã ký ban hành Kết luận về việc sửa đổi Khoản 7, Mục IV Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030. Chấp nhận sửa Nghị quyết để thu hút nhà đầu tư, tôi cho rằng đây là quyết định rất đáng hoan nghênh của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Với việc này, tỉnh đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp luôn ghi nhận.
Không chỉ sửa nghị quyết để thu hút nhà đầu tư, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh còn liên tục có những hành động quyết liệt, thiết thực để kết nối giao thương. Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã chủ trì buổi gặp mặt, kết nối giao thương tại Sóc Trăng với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam Ngụy Hoa Tường và 50 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Tại đây, các doanh nghiệp Sóc Trăng và Trung Quốc đã có cơ hội để trao đổi thông tin hướng đến hợp tác sau này. Và mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cùng các doanh nghiệp Sóc Trăng đã có chuyến đi kết nối giao thương tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Chuyến đi này cũng mở ra những dư địa trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp 2 tỉnh và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Sóc Trăng.
Hiện nay, điều doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng quan tâm nhất đó chính là nguồn vốn để có thể phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong các buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã rất nhiều lần đề nghị các ngân hàng quan tâm, xem xét đến vấn đề này. Bên cạnh đó là vấn đề thủ tục hành chính. Những năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thủ tục hành chính tại Sóc Trăng cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, khi UBND tỉnh tổ chức buổi “Cà phê doanh nghiệp”, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Đây là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp đưa ra những ý kiến, vướng mắc, khó khăn của mình và được lãnh đạo tỉnh giải đáp.
Thanh Khiết