Lượt xem: 221

Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao - trợ lực nâng tầm ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng ngày 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm theo chuỗi giá trị lúa chất lượng cao, phát thải cacbon thấp”. Dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các viện, trường; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham gia Đề án.


Quang cảnh hội thảo 

 

    Theo đó, mỗi mô hình thí điểm có quy mô khoảng 50 ha, với sự tham gia của nhiều nông hộ, trong đó vai trò nòng cốt là hợp tác xã. Xác định đây là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam vươn tầm chất lượng, Đề án nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Ở những mô hình thí điểm, các hợp tác xã đã được công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tối đa, đặc biệt là việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng. Theo đánh giá, sau vụ lúa Hè Thu 2024 - 2025, hầu hết các mô hình đều đáp ứng được mục tiêu Đề án đặt ra là áp dụng cơ giới hóa trong sạ hàng, sạ cụm, sạ drone kết hợp vùi phân; giảm lượng giống gieo sạ còn 60 - 70 kg/ha; giảm 30% lượng phân đạm; giảm 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới khoảng 30 - 40%; lúa không đổ ngã, giảm thất thoát sau thu hoạch ít nhất 3% so với đối chứng. Như vậy, từ những mô hình đã và đang triển khai ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, góp phần giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính đã cơ bản đạt được.

    Đánh giá chung của lãnh đạo tại nhiều tỉnh, thành tham gia Đề án cùng các công ty, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa đã được nông dân thực hiện từ rất lâu, nhưng đạt mức độ tối ưu chi phí như Đề án đã mang lại thì đây là lần đầu. Tại Hội thảo, nhiều vấn đề trọng tâm đã được tập trung thảo luận nhằm nhân rộng mô hình hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung bàn luận sâu về vấn đề áp dụng cơ giới hóa trong các khâu, việc xử lý triệt để rơm rạ sau thu hoạch và các chính sách hỗ trợ có liên quan.

    Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải cacbon thấp gắn với tăng trưởng xanh sẽ góp phần hiện thực hóa theo những gì đã cam kết. Đồng thời, được xem là trợ lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển lâu dài và bền vững cho ngành hàng có nhiều lợi thế của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án đã đạt được những thành công ban đầu khi nông dân đã tin và tuân thủ tốt quy trình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải CO2, tiết kiệm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị lợi nhuận. Điều quan trọng là phát huy tốt vai trò trung gian của hợp tác xã trong liên kết từ đầu vào đến đầu ra.

    Tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương nhằm duy trì tốt kết quả đã đạt được, phấn đấu mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải CO2 trong giai đoạn tới. Theo đó, đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp cùng các địa phương rà soát, mở rộng diện tích tham gia mô hình tại các hợp tác xã có điều kiện theo hướng liền ô, liên khoảnh. Viện Môi trường phối hợp cùng Cục Trồng trọt tiếp tục triển khai mô hình đo đếm giảm phát thải CO2 tại từng mô hình; giao trung tâm khuyến nông các địa phương tiếp tục tổng kết mô hình, xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ khuyến nông để tham gia hỗ trợ nông dân các quy trình kỹ thuật. Cục Kinh tế hợp tác phối hợp với Trường Chính sách công tiếp tục tham mưu chỉ đạo nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án về quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính, phối hợp ngành hàng lúa gạo xây dựng cơ chế thí điểm cho mô hình tín dụng trong liên kết sản xuất.


Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam trao giấy chứng nhận cho Hợp tác xã Hưng Lợi, thuộc ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

 

    Nhân Hội thảo, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam trao giấy chứng nhận thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải cacbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có sự liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa cho Hợp tác xã Hưng Lợi, thuộc ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng với diện tích 50 ha. Cục Trồng trọt tặng quy trình và sổ tay hướng dẫn sử dụng quy trình trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải CO2 cho các tỉnh, thành tham gia Đề án nhằm tiếp tục khuyến khích, huy động sự đồng tình, hưởng ứng của các địa phương trong việc triển khai Đề án trong thời gian tới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 9116
  • Trong tuần: 79,705
  • Tất cả: 13,107,079