21/03/2025
Lượt xem: 269
Trồng tỏi hữu cơ - Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế bền vững
Đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến nền nông nghiệp sạch là mục tiêu được thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng triển khai tích cực trong nhiều năm qua. Trong đó, mô hình “Trồng tỏi hữu cơ định hướng xây dựng mã số vùng trồng” tại Phường 2 đã và đang mang lại những kết quả đáng ghi nhận, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương. Đây cũng là bước đi quan trọng để xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển bền vững.

Tỏi hữu cơ có chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Q.L
Với diện tích 1ha, mô hình “Trồng tỏi hữu cơ định hướng xây dựng mã số vùng trồng” có sự tham gia của 9 hộ nông dân tại Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, được Nhà nước hỗ trợ 50% giống và vật tư nông nghiệp. Sau khoảng từ 110 - 115 ngày canh tác, tỏi sẽ cho thu hoạch và mô hình này có năng suất đạt khoảng 6,5 tấn/ha, giá bán trung bình 85.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ha. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp tỏi có chất lượng vượt trội hơn so với cách trồng cũ trước đây của nông dân. Bà Lâm Muỗi Múa, ở Khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, cho biết: “Chất lượng tỏi năm nay tốt hơn rõ rệt, không bị xốp hay hư như trước. Những năm trước, bà con không sử dụng phân hữu cơ bón lót nên tỏi thường bị hư hại nhiều. Năm nay, nhờ dự án hỗ trợ phân hữu cơ mà tỏi phát triển tốt, củ to và chắc hơn. Bên cạnh đó, việc trồng thưa cũng giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn. Thấy tỏi đạt chất lượng tốt, bà con rất an tâm”.
Mô hình trồng tỏi hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của bà con nông dân. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp giảm đáng kể lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ông Lâm Văn Hổ, ở Khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, chia sẻ: “Trước đây, bà con chủ yếu sử dụng phân hóa học. Nhưng sau khi chuyển sang phân hữu cơ, tỏi phát triển tốt hơn, môi trường cũng được cải thiện, đất đai canh tác dần được phục hồi, màu mỡ hơn. Từ nay về sau, tôi và bà con sẽ cố gắng duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Bà Thạch Thu Hiền, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Bước đầu, mô hình trồng tỏi hữu cơ cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp giảm chi phí phòng trừ dịch hại, đồng thời thay đổi tập quán canh tác cũ, cải tạo độ phì nhiêu của đất. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng mã số vùng trồng. Khi có mã số, việc liên kết tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn, góp phần nâng cao giá trị tỏi Vĩnh Châu”.
Với những kết quả khả quan, mô hình cũng mở ra hướng đi bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, đất đai cần được bảo vệ và phục hồi; đồng thời, thị trường tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, sạch. Vì vậy, với tiềm năng có thể trở thành vùng nguyên liệu lớn, việc hướng đến mở rộng quy mô sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu tỏi Vĩnh Châu sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và từng bước khẳng định vị thế nông sản của địa phương.
Quỳnh Liên