Lượt xem: 629

Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”

Sáng ngày 18/9, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đến dự có các đồng chí: Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Cục Việc làm; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo trường đại học các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phía Nam.

 


UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết bản ghi nhớ thiết lập hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai. Ảnh: Ngọc Hải

 

      Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Lâu nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng khi công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không những trước mắt mà còn lâu dài. Trước những định hướng phát triển, tỉnh cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực ngay từ bây giờ. Để đáp ứng quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì việc nâng cao chất lượng nguồn lao động được xem là nhiệm vụ trọng tâm đột phá, là giải pháp đặt ra hàng đầu cả về trước mắt và lâu dài.

    Theo quy hoạch, từ đây đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch nhiều khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp, cùng với các dự án, các công trình trọng điểm, vì thế nhu cầu thu hút nguồn lao động có chất lượng cao là rất lớn. Dự báo giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh cần khoảng 66.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 lao động, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistic, năng lượng tái tạo, cảng biển.

    Theo báo cáo, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 62% lao động qua đào tạo, trong đó, có văn bằng chứng chỉ chiếm gần 29%. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với lao động trong độ tuổi chiếm trên 83%. Lao động của tỉnh hiện đang chuyển dịch mạnh mẽ, gia tăng lao động làm việc ở khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là chất lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao còn khá khiêm tốn. Trong tổng số lao động qua đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm gần 9%, còn lại là đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và dưới 3 tháng. Công tác phân luồng học sinh chưa đạt yêu cầu chỉ mới đạt 10%  trong khi chỉ tiêu đề ra là 30%.

    Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh có nhiều tham luận tập trung phân tích, đánh giá, đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh.

    Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Hồ Thị Cẩm Đào đề nghị, cần thường xuyên rà soát đánh giá thực trạng lao động; đồng thời, chú trọng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Lực lượng lao động là nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động của tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu số 16 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đến cuối nhiệm kỳ có 65% lao động qua đào tạo, 30% lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, 85% lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi.

    Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Lê Văn Thanh đánh giá cao Hội thảo, những vấn đề đặt ra sẽ là tiền đề phục vụ cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Trước tình hình chung của thị trường lao động của cả nước, của vùng và của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn những hạn chế chưa khắc phục, như chất lượng lao động chưa cao, đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động… Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần rà soát và chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào ba nội dung: về kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững; trong đó, lưu ý các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Tại Hội thảo, Ủy ban nhân dân tỉnh và Trường Đại học Cần Thơ, Công ty Esuhai tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một cột mốc quan trọng mở ra nhiều cơ hội để người lao động tỉnh được tiếp cận lựa chọn ngành nghề học tập và làm việc; còn với tỉnh, đây là cơ hội góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

    Với chủ đề Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, hội thảo đã tổ chức thành công. Nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, chia sẻ rất tâm huyết đã được trình bày thẳng thắn; qua đó, giúp tỉnh nghiên cứu tham vấn để từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Kim Sang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 7246
  • Trong tuần: 91,838
  • Tất cả: 12,558,492