Một thực trạng đáng báo động hiện nay là nhiều người dùng mạng xã hội bằng những mục đích khác như câu "like", "câu view" hoặc tò mò, hóng hớt, quảng cáo sản phẩm hoặc livestream tổ chức đánh bạc trá hình thông qua hình thức lô tô ăn tiền... đã thường xuyên "livestream" một cách ngẫu nhiên, vô tư đến mức họ cũng không nhận thức được là chính bản thân mình đang vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, thậm chí bị xử lý hình sự.
Các lỗi vi phạm thường mắc phải khi “livestream” và hậu quả pháp lý
Vi phạm các quy định trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử”, có mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người dùng có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng nếu có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Công an Sóc Trăng phát hiện H và T nhiều lần live stream Facebook kêu lô tô ăn tiền.
Trước đó, ngày 18/9/2021 đối tượng N.T.T, sinh năm 1995, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vì mục đích câu like đã dùng tài khoản facebook cá nhân phát trực tiếp vụ án mạng xảy ra tại quán nhậu Su Su, nằm trên đường Dương Kỳ Hiệp, thuộc địa bàn Phường 2, thành phố Sóc Trăng làm 02 người chết và một người bị thương, gây bàng hoàng cho người xem, đã vi phạm lỗi "cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn lên mạng xã hội". Vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Vi phạm quy định về cung cấp, thu thập và sử dụng thông tin
Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có mức phạt cao nhất lên tới 20 triệu đồng.
Nổi bật nhất là trường hợp ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ), quê ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thường trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai, trong quá trình tu tập thường xuyên bị các youtuber, tiktoker... bám theo nhất cử nhất động để quay phát trực tiếp và đăng tải lên mạng xã hội nhằm câu view (lượt xem). Khi ông này ngừng việc của mình, nhiều người tiếp tục tìm ông, gia đình ông để quay phát trực tiếp, đăng tải với mục đích câu view, câu like (lượt thích), thậm chí là thông tin sai lệch, xuyên tạc ảnh hưởng đến bản thân ông Lê Anh Tú và gia đình, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận.
Đồng thời, có thể bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng nếu có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Bị xử phạt lên tới 100 triệu đồng nếu cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam theo quy định tại Khoản 6 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt đến 70 triệu đồng nếu có hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hay gần đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip Hoa hậu quý bà Phương Lê chế lời Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca) với giọng điệu đùa cợt trong lúc livestream khiến cư dân mạng vô cùng bức xúc. Sự việc gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc, lên tiếng chỉ trích Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới 2017 vì cho rằng cô đang có hành vi xúc phạm Quốc ca và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Hiện hành vi này mới được bổ sung, quy định trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Điều này là rất cần thiết. Cụ thể, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi phát tán thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi làm ra thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự
Một trong những hành vi phổ biến mới xuất hiện gần đây đó là tổ chức đánh bạc trên livestream; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vừa qua, ngày 12/01/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng đã mời làm việc với Đ.T.K.H, sinh năm 1990 và L.T.T, sinh năm 1996, cùng ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Tính đến thời điểm bị mời lên làm việc, 2 đối tượng này đã tổ chức 47 lượt livestream chơi lô tô ăn tiền, mỗi phiên livestream thu hút từ 10 đến 25 người tham gia, tổng số tiền đã giao dịch trên 500 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng xác định, các đối tượng còn công khai đăng tải các nội dung quảng cáo, mời gọi nhiều người tham gia đánh bạc trên trang cá nhân của mình. Vụ việc đã được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Thường thấy nhất là người vi phạm rất dễ mắc phải các lỗi vi phạm dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống (Điều 156 BLHS); làm nhục người khác (Điều 155 BLHS); đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS); xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca (Điều 351 BLHS).
Điển hình, ngày 31/7/2023, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố, bắt tạm giam D.M.Q, ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Q đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho bị hại
Người bị hại từ việc vi phạm của đối tượng livestream có quyền khởi kiện ra tòa và tòa án có thể áp dụng các quy định của Luật Dân sự để xử lý cá nhân/tổ chức vi phạm như buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện các nghĩa vụ dân sự và buộc bồi thường thiệt hại.
Làm thế nào để livestream hợp pháp?
Người sử dụng cần phải có sự hiểu biết tối thiểu các quy định để không đi quá giới hạn hoặc biết quyền của mình để tự bảo vệ hoặc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi chính mình bị xâm hại.
Ngôn từ trong quá trình livestream, mọi cá nhân có quyền tự do ngôn luận nhưng tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, không đồng nghĩa với tự do xúc phạm người khác, không được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Phải sử dụng ngôn từ một cách văn minh, lịch sự, phù hợp với mục đích buổi livestream trò chuyện. Livestream cũng phải tôn trọng người khác và tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình, không thể chửi bới trên mạng xã hội xong lại chối bỏ trách nhiệm.
Nội dung livestream trực tiếp là gì, có ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức nào hay không, có vi phạm pháp luật không. Mục đích việc livestream trực tuyến phải xác định rõ ràng và mục đích phải chắc chắn rằng không ảnh hưởng người khác, hay cản trở một vấn đề nào đó là điều tối thiểu chủ thể tiến hành livestream cần chú ý, nếu tuyên truyền vấn đề tốt thì được tuyên dương nhưng nếu tuyên truyền những vấn đề xấu thì đó lại là một mối hiểm họa. Hình thức thể hiện cuộc livestream đó như thế nào phải cân nhắc và hết sức cẩn trọng trước khi livestream.
Nếu phát hiện những hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, người bị xúc phạm nên bình tĩnh lựa chọn phương cách ứng xử phù hợp, hạn chế đôi co, chửi bới trên không gian mạng dễ dẫn tới mất kiểm soát, thậm chí phạm pháp. Cần ý thức là hành xử trên không gian mạng không còn là “ảo” vì trách nhiệm pháp lý là thật.
Hoàng Long