Lượt xem: 1737

Một số vấn đề mới về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định 03 khâu đột phá chiến lược nhằm khơi thông, liên kết, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới của tỉnh. Đột phá đầu tiên là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý), chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngày 11/7/2021 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với 03 quan điểm, mục tiêu chung, 08 mục tiêu cụ thể và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện.

 


Hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng. Ảnh H.P

 

    Nghị quyết đánh giá, thời gian qua việc phát triển nguồn nhân lực tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng trong công nghiệp, dịch vụ tăng lên. Chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác khám và chữa bệnh được nâng cao; cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tăng từ 1,34% vào năm 2012 lên 19,3% vào năm 2020… đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động; lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao còn ít. Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; trình độ, năng lực của cán bộ y tế cơ sở một số nơi còn hạn chế.

    Nghị quyết Tỉnh ủy nêu 03 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và lâu dài phát triển nguồn nhân lực tỉnh. Nhấn mạnh, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương; phát triển nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu của xã hội, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số…; lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng; đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật cao làm khâu đột phá. Mục tiêu là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đầy đủ các yếu tố về thể lực, trí lực và tâm lực, có tri thức, kỹ năng, phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có khả năng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có đội ngũ chuyên gia giỏi trong các ngành, các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực tỉnh thể hiện tính toàn diện, khả thi; bao quát trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của tỉnh; gồm có: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. (2) Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng dân số, sức khỏe nguồn nhân lực. (3) Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách. (4) Mở rộng, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực. (5) Sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực. (6) Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. Trong các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, có một số nội dung, vấn đề mới, quan trọng đáng chú ý.

    Một là, tạo đột phá về giáo dục và đào tạo, đây là nhiệm vụ then chốt, giải pháp chủ yếu để phát triển nguồn nhân lực tỉnh. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng loại hình trường, phát triển các trường ngoài công lập; xây dựng trường chất lượng cao ở các bậc học. Nâng cao chất lượng đào tạo đối với các trường: Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Nghề, Trường Chính trị tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (đến năm 2025, 70% Ủy viên Ban Chấp Hành Đảng bộ tỉnh, 50% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 40% ủy viên Ban Chấp Hành Đảng bộ huyện và tương đương, 30% cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương có trình độ sau đại học), cán bộ các ngành kinh tế mũi nhọn như: Nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện, du lịch; chú trọng đào tạo lao động các ngành nghề phù hợp với sự phát triển của địa phương, đơn vị và thị trường lao động.

    Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực tài chính. Ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và học sinh có năng khiếu đặc biệt đi học tập ở nước ngoài; rà soát, bổ sung chính sách, tạo điều kiện thu hút người có trình độ chuyên môn cao, các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia đến làm việc tại tỉnh; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho học sinh có năng khiếu, hoàn cảnh khó khăn được theo học ở các bậc học cao; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các bác sỹ chuyên khoa I, II công tác tại tỉnh (đến năm 2025, tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa I chiếm 40%, chuyên khoa II chiếm 6% trong tổng số bác sỹ). Tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân về kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận thị trường. Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng khó khăn, đáp ứng yêu cầu lao động tại các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực xã hội để tập trung đào tạo lao động các ngành kinh tế, giáo dục và y tế.

    Ba là, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực. Kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng tuyển dụng, lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công việc. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sát với thực tế, phản ánh đúng kết quả mang lại. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tay nghề của người lao động, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn được đào tạo. Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo nghề, học sinh, sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại tỉnh./.

Lâm Tấn Hòa – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 98
  • Hôm nay: 6634
  • Trong tuần: 90,040
  • Tất cả: 11,545,833