Lượt xem: 471

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2022 đạt 8,02%, vượt mục tiêu đề ra

Ngày 3/1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

 


Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.Lan

 

    Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

    Năm 2022, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức vây quanh rất lớn nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

    Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả nước tăng 3,15%, đạt mục tiêu kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt mục tiêu đề ra từ 6-6,5%; các cân đối lớn nền kinh tế được đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng), đảm bảo đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, đồng thời tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 371,85% tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm đạt khoảng 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, bằng 33,8% GDP; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 10 năm qua cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào Việt Nam.

    Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông nghiệp đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo 7,12 triệu tấn. Năm 2022 cả nước có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%; an ninh năng lượng được đảm bảo. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp. Làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân.

    Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, Chính phủ cần quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế… Đặc biệt, phải đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

H.Lan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 1936
  • Trong tuần: 87,236
  • Tất cả: 11,554,292