Lượt xem: 2753

Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn dành một phần lớn nói về chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

 


Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng.Nguồn dangcongsan.vn

 

    Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ - những người mang trong mình bầu nhiệt huyết, sức sống tràn trề, năng lực sáng tạo, có vai trò quan trọng đối với sự tồn vong dân tộc, của đất nước. Vì vậy, Người chỉ rõ: “Thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Theo Người, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình. Do đó, nhất định thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc; phải là những người không chỉ gánh vác mà phải còn vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn nhưng chưa thực hiện được do những hạn chế, những điều kiện lịch sử quy định…

    Luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên, vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”, và Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó không chỉ là sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, vun trồng cái gốc để sự nghiệp của cha anh luôn được phát triển mà còn là tầm nhìn sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với hiện tại và tương lai bền vững của nước nhà.

    Để hoàn thành sứ mệnh đó, muốn trở thành những con người đủ đức, đủ tài, có thể gánh vác được những trọng trách mà cách mạng giao phó và làm chủ tương lai vận mệnh của dân tộc, mỗi thanh niên Việt Nam phải ra sức học tập trau dồi tri thức, khắc phục khó khăn, hạn chế với phương châm học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.

    Thực tiễn 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu xứng đáng với niềm tin yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của cha anh. Điều đó, đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là rường cột, đội hậu bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng mọc trưởng thành từ những Đội Cứu quốc, Tổng hội sinh viên, Hội truyền bá quốc ngữ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đoàn quân Nam tiến đến phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Năm xung phong”,... đã góp sức mình vào chiến thắng chung của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

    Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thời kỳ đổi mới, tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, từ khắp mọi miền Tổ quốc, trên khắp các lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đã xuất hiện những tấm gương, điển hình tiên tiến, xung kích, đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác… đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Trên cơ sở quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã không ngừng nỗ lực học tập, lao động để trau dồi, nâng cao tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các chương trình hành động góp phần xây dựng đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,” như mong ước Bác đã dặn lại trong Di chúc.

    Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, do thiếu bản lĩnh và không nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận thanh niên đã “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thậm chí có người đã vi phạm pháp luật,... Thực trạng này, một mặt ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, bền vững của đất nước; mặt khác dễ bị các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng để tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, hòng chống phá và ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

    Hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân càng phải thấm nhuần lời căn dặn đầy tâm huyết của Người trong Di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

    Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

    Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đoàn và để xứng đáng với truyền thống của cha anh, sự kỳ vọng của cả dân tộc, với vai trò không chỉ là “rường cột nước nhà” mà phải là những “rường cột vững chắc”, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII đề ra là: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; sức khỏe; văn hóa; kiến thức khoa học, công nghệ; kỹ năng sống, nghề nghiệp; ý chí lập thân, lập nghiệp; năng động, sáng tạo”, các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường giáo dục, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ. Đồng thời, phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - Đoàn Thanh niên - xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt; trong đó, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành.

    Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động thiết thực như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”... và các phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 04-NQ/TW, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đón Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ” để làm cơ sở cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành. Đồng thời, tập trung xây dựng, củng cố cơ sở đoàn vững mạnh về mọi mặt, đổi mới phong trào hoạt động, tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên, giúp đoàn viên rèn luyện, thử thách và tự khẳng định mình; không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, nâng cao nhận thức đoàn viên, thanh niên về vai trò trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng.

    Mỗi cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Trong đó, phải gắn học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế trong đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ…; thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể cho thế hệ trẻ phù hợp với từng cấp học, ngành học, để “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều thành phần trong xã hội, trong đó thanh niên là lực lượng quan trọng với trí tuệ và sự năng động, sáng tạo, nhanh nhạy tiếp cận công nghệ mới. Hơn lúc nào hết, thanh niên cần phải được trang bị đầy đủ tri thức, kỹ năng để làm chủ và khẳng định mình trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ số.

    Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải phát huy hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, khích lệ thanh niên, mà trước hết là đội ngũ cán bộ đoàn, để họ tiếp cận nhanh với tri thức khoa học - công nghệ và vận dụng hiệu quả trong công tác, học tập, giải trí nhằm mang lại những giá trị khác biệt cho cuộc sống; tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động là mục tiêu mà Đoàn hướng đến trong thời gian tới để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, nhất là tiếp tục triển khai hiệu quả ba phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng và duy trì các phong trào đặc thù. Từ đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong cha mẹ, thầy cô, nhân dân và trong chính thế hệ trẻ để “làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Đồng thời, bản thân mỗi người trẻ cũng phải tự học tập, tự tu dưỡng, phấn đấu ở mọi nơi, mọi lúc và suốt đời, để xây dựng tương lai cho chính mình và đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, bền vững.

    Các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời đối với Đoàn Thanh niên, nhất là tăng cường sự lãnh đạo đối với Đoàn. Qua đó, nhằm xây dựng đội được đội ngũ cán bộ Đoàn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phát triển, phấn đấu đến 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

    Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Tư tưởng về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền. Ở đây, quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển mà Người tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo: tương lai đang ở ngay trong hiện tại. Theo Người, thanh niên chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc nên bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là một việc làm rất cần thiết.

ThS. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 90
  • Hôm nay: 7135
  • Trong tuần: 88,739
  • Tất cả: 11,474,191