Lượt xem: 195

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống. 

 


Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Nguồn baochinhphu.vn

 

    Từ đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống được phát triển trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và đạt được một số kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm nông sản; tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân; thúc đẩy sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống còn chậm, gặp nhiều khó khăn; số lượng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học chưa nhiều.

    Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: Đặc thù kinh tế - xã hội, trình độ phát triển kinh tế của tỉnh chưa cao nên hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói chung và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học nói riêng có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu tập trung ở hoạt động chuyển giao và ứng dụng. Nguồn nhân lực của tỉnh hiện tại chưa đồng đều, hạn chế về số lượng và chất lượng; một số lĩnh vực chưa có chuyên gia giỏi để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu. Chính sách thu hút nhân lực có trình độ sau đại học đối với một số chuyên ngành cần thiết chưa hiệu quả, chưa thu hút được nhiều nhân lực có trình độ sau đại học về công tác tại tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Sự quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa cao.

    Quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 14/12/2023 thực hiện Nghị quyết, với các mục tiêu sau:

    Về mục tiêu tổng quát: Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; tăng dần tỷ lệ đóng góp của khoa học và công nghệ, trong đó có đóng góp của công nghệ sinh học vào GRDP của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

    Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

    (1) Xây dựng và phát triển công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, ưu tiên nhóm sản phẩm trong nông nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản; phấn đấu có trên 50% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân ứng dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hoá; công nghiệp sinh học đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

    (2) Tăng cường đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học cho các doanh nghiệp công nghệ sinh học, tổ chức khoa học và công nghệ.

    (3) Đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ; tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

    Tầm nhìn đến năm 2045: Phấn đấu có trên 80% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân ứng dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hoá. Công nghiệp sinh học đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh.

    Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

    Thứ nhất, Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

    Tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

    Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, xem đây là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Chú trọng giới thiệu thành tựu công nghệ sinh học; chủ động tuyên truyền đến các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả và có thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học.

    Thứ hai, Triển khai thực hiện các chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

    Triển khai thực hiện phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 553/QĐ-TTg, ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030; Quyết định số 429/QĐ-TTg, ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học.

    Triển khai các chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh. Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách để phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp tình hình thực tế của tỉnh.

    Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; triển khai hoặc đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, cấp tỉnh, về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

    Thứ ba, Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

    Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp để lai tạo giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao, thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu dịch bệnh. Ứng dụng các loại vắc - xin, các phương pháp thử, xét nghiệm mới để chẩn đoán nhanh và phòng trị các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; ứng dụng các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh; góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm.

    Phát triển, ứng dụng, hiện đại hóa công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hóa sinh; ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thực phẩm; khôi phục, hoàn thiện và phát triển các quy trình lên men truyền thống trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến các loại nấm dược liệu để sản xuất thực phẩm dưới dạng thực phẩm chức năng.

    Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng thuốc, vắc - xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ y sinh học vào chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh, y tế dự phòng.

    Chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường. Khuyến khích nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học sản xuất, sử dụng năng lượng sạch có khả năng tái tạo, sản xuất nhiên liệu sinh học và thân thiện với môi trường; sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát huy tiềm năng kinh tế biển.

    Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô phù hợp; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.

    Ứng dụng rộng rãi các sản phẩm công nghệ sinh học, các quy trình để phát hiện nhanh, chính xác, đối phó hiệu quả các tác nhân sinh học được sử dụng trong phòng chống tội phạm, bảo quản vũ khí, trang bị, kho tàng và các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

    Thứ tư, Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

    Xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ sinh học đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường đào tạo chuyên môn và tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, kỹ thuật viên về công nghệ sinh học, trong đó cần chú ý tăng cường đào tạo tại chỗ để tạo được tiềm lực đủ mạnh cho phát triển lâu dài trong tương lai. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học.

    Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; trong đó, ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà Việt Nam có lợi thế. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh từ các thành phần kinh tế, góp phần xã hội hóa nguồn vốn đầu tư.

    Nâng cao năng lực của các trung tâm, các phòng thí nghiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp để có đủ khả năng tiếp cận, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới phục vụ phát triển công nghiệp sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

    Thứ năm, Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sinh học

    Tăng cường liên kết, hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học phù hợp với điều kiện của tỉnh để ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Tiếp tục hợp tác trong đào tạo chuyên gia về công nghệ sinh học.

    Tạo điều kiện để các doanh naghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức trong và ngoài nước để ứng dụng vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 104
  • Hôm nay: 7559
  • Trong tuần: 93,206
  • Tất cả: 11,570,413