Lượt xem: 93

Nông nghiệp Sóc Trăng đổi thay từ Nghị quyết số 13-NQ/TW

Với điều kiện thuận lợi về đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng cùng hệ sinh thái tự nhiên phong phú, Sóc Trăng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng trên cả cây trồng và vật nuôi. Dù vậy, một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp của tỉnh liên tục phải đối mặt với những áp lực lớn về giá thành nông sản hay tác động tiêu cực từ biến đối khí hậu. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa định hình được các mô hình kinh tế hiệu quả cũng là nguyên nhân chính khiến người nông dân tỉnh nhà "đơn độc" trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình để tìm lời giải cho bài toán sinh kế lâu dài trong nông nghiệp.


UBND tỉnh trao Bằng khen cho các hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

 

    Trước thực trạng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nghị quyết được xem như “kim chỉ nam” quan trọng, có ý nghĩa định hướng phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp Sóc Trăng nói riêng và nền nông nghiệp cả nước nói chung. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc tích cực từ các sở, ban, ngành liên quan, nông dân Sóc Trăng đã dần thay đổi nhận thức, xóa dần phương thức canh tác lạc hậu; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, liên kết nhau trong sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Loại hình kinh tế hợp tác đã khẳng định vai trò nòng cốt của mình, đặc biệt là trong thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

    Sóc Trăng là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, cơ cấu kinh tế khu vực I chiếm khoảng 45% tổng cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Theo đó, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau, trong các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế tập thể thời điểm bấy giờ còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại hạn chế, số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn ít, lợi ích đem lại cho các thành viên chưa nhiều, kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm vai trò cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Từ thực tế này, ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành chương trình hành động nhằm quán triệt sâu rộng các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, như: Chương trình hành động số 26-CTr/TU, ngày 10/7/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 07/11/2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn,… nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn thông qua việc tổ chức lại các hợp tác xã...

    Thống nhất nhận thức về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ hàng đầu, sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, thông qua các chương trình hành động, thông tri, kết luận... Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể đến từng cán bộ, đảng viên. Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền có sự chuyển biến tích cực. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, lĩnh vực kinh tế tập thể mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có bước đổi mới, có sự chuyển biến khá rõ nét, nhiều loại hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển đa dạng.

    Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 208 hợp tác xã, 1.224 tổ hợp tác và 01 liên hiệp hợp tác xã artemia. Nhìn chung, nội dung hoạt động của các hợp tác xã ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hỗ trợ cho thành viên tham gia như: Sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, ASC… Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, thành viên hợp tác xã đã nhận thức và hiểu được quy định của Luật Hợp tác xã, nghị định và thông tư hướng dẫn, tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, phương thức hoạt động có hiệu quả, xã viên, thành viên tham gia tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 04 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, 27 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (tiêu chuẩn VietGAP, ASC) vào sản xuất, trong đó 18 hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP); 09 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có doanh nghiệp bao tiêu cho thành viên, điển hình trên các lĩnh vực lúa, chăn nuôi, cây ăn trái, thủy sản... đều cho hiệu quả kinh tế nhất định.

    Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể thì việc tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu và luôn được tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Đến nay, trên địa bàn có 54 hợp tác xã và 371 tổ hợp tác trong nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty... Hiện đã có 02 công ty đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng làm nơi sơ chế, tiêu thụ cây ăn trái sau thu hoạch là cơ sở thu mua bưởi của Công ty Vina Greenco và cơ sở sơ chế trái cây xuất khẩu của Công ty cổ phần Vina T&T.

    Tính riêng trong năm 2024, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng, phát triển. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã được nâng lên. Số lượng thành lập mới mặc dù còn hạn chế nhưng quy mô thành viên và nguồn vốn tăng rõ rệt. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, như: Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú; Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu… Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn với doanh nghiệp ở một hoặc nhiều khâu/công đoạn trong chuỗi liên kết, mang lại giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập ổn định cho bà con thành viên.

    Có thể thấy, với những giải pháp trọng tâm cùng các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể từ hợp tác xã, tổ hợp tác đã hình thành nên nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực với sản lượng lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Không phải là tỉnh đầu tiên khởi phát nghề nuôi tôm nước lợ, nhưng Sóc Trăng hiện đã vượt qua nhiều tỉnh, thành để trở thành một trong những “thủ phủ” tôm của cả nước với sản lượng hàng năm đạt trên 180.000 tấn; nhiều năm liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD/năm. Từ sự “chật vật” trong thời gian đầu đưa nông sản xuất khẩu, Sóc Trăng hiện đã trở thành địa phương có vùng trồng vú sữa tím xuất khẩu lớn nhất, nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng trên 200 tấn trái/năm, sản lượng trái bưởi xuất khẩu của tỉnh cũng đạt từ 100 tấn/năm. Hiện nay, sản lượng lúa hằng năm tại tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, là một trong những vùng trồng lúa chất lượng cao lớn nhất, nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn sản lượng xuất khẩu là từ 3 đối tượng chủ lực: Con tôm, hạt gạo và trái cây - đều là sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác với quy trình canh tác sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.


Sóc Trăng ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với các công ty, doanh nghiệp

 

    Cùng với Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành Nông nghiệp cả nước đạt bình quân từ 2,5 - 3,0%/năm, tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 - 8,0%/năm; giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Từ chủ trương này, Đảng ta khẳng định vai trò kinh tế tập thể mà hợp tác xã là nòng cốt luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với tình hình mới thông qua biện pháp tập hợp nông dân, liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp dựa vào loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã là một hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị nông sản, và một khi hình thành được liên kết chuỗi trong sản xuất, nông dân sẽ tự nguyện tham gia khi lợi nhuận của thành viên nâng lên.

    Để mô hình kinh tế tập thể tại tỉnh phát triển thực chất, hiệu quả, bên cạnh nêu cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng xác định rõ: “Sản xuất có thể nhỏ lẻ nhưng không manh mún. Hợp tác xã, tổ hợp tác có thể hạn chế về số lượng nhưng phải đảm bảo được chất lượng”. Cùng với việc quán triệt các nghị quyết về kinh tế tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bằng nhiều hình thức; sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua các chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ là nền tảng quan trọng để nông nghiệp Sóc Trăng phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, là bài toán mang tính căn cơ để nông dân không còn “lạc lõng” khi quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1169
  • Trong tuần: 88,292
  • Tất cả: 14,130,561