TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN, TIẾN BỘ
Năm 2024 là năm kỷ niệm tròn 204 năm Ngày sinh của Phriđơrich Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2024) (Friedrich Engels) - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ông là người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất của Các Mác; đã cùng Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bốc lột, xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Ph.Ăngghen (1820 - 1895)
V.I.Lênin cho rằng: “Không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ph.Ăngghen”. Ph.Ăngghen đã để lại cho giai cấp vô sản thế giới một di sản to lớn, trong đó tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Ph.Ăngghen đã nghiên cứu tiến trình phát triển của gia đình và vai trò, vị thế của người phụ nữ qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên cơ sở đó, Ph.Ăngghen đã nêu và phân tích nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới, chỉ ra những giải pháp thực hiện sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Ph.Ăngghen cho rằng, sự bất bình đẳng giới bắt nguồn từ vấn đề kinh tế. Chính vì vậy, trong xã hội lúc bấy giờ, địa vị xã hội của người phụ nữ luôn bị đánh giá thấp kém hơn so với nam giới. Do đó, cơ sở kinh tế là yếu tố quyết định về sự bình đẳng giữa nam và nữ và phụ nữ có địa vị thấp kém hơn nam giới, phải phụ thuộc vào nam giới như là lẽ đương nhiên. Ngoài yếu tố kinh tế, theo Ph.Ăngghen, yếu tố về nhận thức, sự tác động của văn hóa, xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới tính giữa nam giới và nữ giới. Trình độ, nhận thức và các phong tục, tập quán phản ánh rõ nét sự bất bình đẳng kinh tế giữa phụ nữ và nam giới đã ăn sâu, bám chắc vào đầu óc con người, thành tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và tác động đến thói ứng xử thô bạo của người đàn ông đối với đàn bà.
Vì vậy, theo Ph.Ăngghen, để giải phóng phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, tiến tới nam nữ bình quyền thì phải hướng đến xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, gia đình một vợ một chồng. Để thực hiện sự bình đẳng đó cần tổ chức lại cách phân công lao động trong xã hội và gia đình theo hướng phụ nữ tham gia ngày càng bình đẳng với nam giới trên các lĩnh vực của xã hội, đồng thời giảm bớt lao động gia đình của họ. Việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội chính là điều kiện căn bản để thực hiện sự bình đẳng trong gia đình. Ph.Ăngghen khẳng định: “Điều kiện để giải phóng phụ nữ là làm cho toàn bộ nữ giới trở lại tham gia nền sản xuất xã hội, và điều kiện đó lại đòi hỏi phải làm cho cả gia đình cá thể không còn là đơn vị kinh tế của xã hội nữa”.
BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI VIỆT NAM
Quan điểm của Ph.Ăngghen về giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền là những tư tưởng nhân văn cao cả; là cơ sở để Đảng ta đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn đấu tranh giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Vận dụng tư tưởng tiến bộ của Ph. Ăngghen về giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức đúng đắn và đánh giá cao vai trò của phụ nữ - lực lượng quan trọng của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, ngay từ khi ra đời Đảng ta luôn đề cao và coi trọng việc thực hiện bình đẳng giới. Và vấn đề “Thực hiện nam nữ bình quyền” lần đầu tiên được Đảng ta đưa vào Luận cương Chính trị năm 1930. Có thể coi đây là bản “Tuyên ngôn” đầu tiên về bình đẳng giới của Việt Nam, trong đó nam, nữ được công nhận ngang hàng nhau về mọi mặt. Vì vậy, trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, vấn đề bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ luôn được Đảng ta nhấn mạnh và đề cao. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp”. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình”. Đại hội XII xác định phương hướng thực hiện bình đẳng giới: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 xác định: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. Để thực hiện mục tiêu và phương hướng đề ra, Đại hội yêu cầu thực hiện tốt ba nội dung cơ bản là:
Thứ nhất, việc phát huy vai trò của phụ nữ, trong đó đề cập vấn đề xây dựng người phụ nữ hiện đại, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Để xây dựng người phụ nữ hiện đại trước hết cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ của các tầng lớp phụ nữ. Chú trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là điều kiện đem lại giá trị đích thực cho người phụ nữ, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Và một trong những khâu đột phá chiến lược được nêu ra chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, định hướng thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, là sự kế thừa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các kỳ đại hội trước, bao gồm thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Nghị quyết số 28/NQ-CP “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2040” đã xác định mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, Chiến lược đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2040 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, chỉ tiêu đề ra là tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2040; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2040…
Thứ ba, bên cạnh “Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục được chú trọng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em… Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ Trung ương tới địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng”. Chính vì vậy, hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ là cơ sở quan trọng để hệ thống pháp luật tiếp tục hoàn thiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tế tại cơ sở nhằm làm tốt công tác phụ nữ, phấn đấu để có bình đẳng giới thực sự.
Có thể khẳng định, 94 năm qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, Đảng ta luôn nhận thức đầy đủ, đúng đắn và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt những quan điểm của Ph.Ăngghen về bình đẳng giới, bình đẳng nam, nữ vào việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà đại hội đảng các cấp đề ra thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.
ThS. Trần Văn Toàn