Lượt xem: 751

Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng

 Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-NQ/TW (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta đã xác định, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh cho con người Việt Nam.

 


Trao Giải A cho các tác giả có tác phẩm đạt giải. Ảnh Hoàng Phúc

 

    Nhận thức được vai trò của văn học, nghệ thuật, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh Sóc Trăng. Thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư “về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Thông báo kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư về “Đề án đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật” và Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Theo đó, các cấp ủy đảng và chính quyền đã đưa các chỉ tiêu phát triển văn học, nghệ thuật vào nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp. Quá trình thực hiện Nghị quyết có quan tâm chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, từng bước gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy; chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật từ tỉnh đến cơ sở...

    Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật ngày càng được quan tâm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều kế hoạch, đề án, chính sách về phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 51 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 43 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2013 Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ tại Sóc Trăng được Chính phủ cho phép nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014 “Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Sóc Trăng” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có thể khẳng định, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần của nhân dân; qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, bảo vệ và phát huy những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

    Cùng với đó, đội ngũ văn, nghệ sĩ được các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước. Từ đó, đội ngũ văn, nghệ sĩ của tỉnh ngày càng trưởng thành, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, vùng đất và con người Sóc Trăng đến bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình hoạt động, đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; nhiều cá nhân vinh dự được nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước về văn học, nghệ thuật, trong đó có 8 nghệ sĩ ưu tú, 6 nghệ nhân nhân dân và 12 nghệ nhân ưu tú.

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh vẫn còn những khó khăn. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật được công bố, phổ biến trên báo, đài, biểu diễn sân khấu còn ít; phong trào đọc sách, tìm hiểu và hưởng thụ văn học, nghệ thuật trong cán bộ và quần chúng nhân dân chưa cao.

    Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà trong thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật và hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thật sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp các văn, nghệ sĩ, hội viên tích cực tham gia sáng tác nhiều tác phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, nội dung, hình thức, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin, thưởng thức của nhân dân; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Sóc Trăng đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tổ chức các phong trào thi đua sáng tác, giới thiệu, tìm hiểu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính thẩm mỹ, gần gũi với đời sống của người dân, đặc biệt là những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các giá trị truyền thống văn hóa dân gian, văn hóa cách mạng… Bên cạnh đó, xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; định hướng, khuyến khích quần chúng tích cực tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội dành cho văn học, nghệ thuật. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc… Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật; qua đó phát động các phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục duy trì và thực hiện công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong hoạt động văn học, nghệ thuật của địa phương.

Thùy Dương 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 1300
  • Trong tuần: 84,706
  • Tất cả: 11,540,499