Lượt xem: 1880

Vận dụng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh vào quá trình giảng dạy tại Trung tâm Chính trị huyện Mỹ Xuyên

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người chân chính, bình thường, gần gũi, ai cũng có thể học theo, làm theo, để trở thành một người công dân tốt hơn trong xã hội.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) ngày 19-5-1955. Ảnh tư liệu.

 

    Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh.

    Trong đó, chúng ta có thể nhắc đến một trong những nội dung quan trọng đó chính là phong cách của Người. Phong cách của Bác là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta bao gồm: Phong cách tư duy; phong cách làm việc; phong cách lãnh đạo; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Phong cách của Người là bài học, là chuẩn mực cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và làm theo. Trong đó, phong cách diễn đạt là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện phương pháp diễn đạt (nói và viết) của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, giảng viên của Trung tâm Chính trị huyện Mỹ Xuyên nói riêng.

    Việc nghiên cứu học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết để không ngừng nâng cao hiệu quả giảng dạy và trong giao tiếp hiện nay. Đặc biệt, đối với ngành giáo dục lý luận chính trị là một ngành đóng vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm bồi dưỡng về lý luận chính trị, truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và quản lý Nhà nước cho cán bộ, đảng viên..., góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng để đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Diễn đạt (gồm nói và viết) là hoạt động hằng ngày của mỗi người chúng ta. Đây là hai kỹ năng quan trọng của con người. Muốn làm chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải trau dồi khả năng nói và viết. Đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn bao giờ hết. Vì mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân nên rất cần có kỹ năng diễn đạt để công tác này đạt hiệu quả. Hơn thế, người lãnh đạo, quản lý nếu có ý tưởng tốt mà không làm cho quần chúng nhân dân hiểu được thì sẽ gặp khó khăn trong điều hành, quản lý, không triển khai được kế hoạch và không tạo được sức mạnh tập thể thực hiện kế hoạch trong thực tiễn. Điều này cho chúng ta thấy, việc học tập, rèn luyện phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết và hết sức quan trọng trong quá trình giảng dạy. Qua học tập, cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác và cuộc sống.

    Diễn đạt được thể hiện trong cách nói và cách viết. Theo Hồ Chí Minh, muốn nói và viết đạt hiệu quả, trước hết phải xác định chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết. Phải nắm được nội dung nói và viết, tức là nói và viết cái gì, nói và viết cho ai, nói và viết để làm gì. Trên cơ sở đó, xác định cách nói và viết phù hợp với đối tượng, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất.

    Trong quá trình diễn giảng bằng ngôn ngữ nói, cần phải thể hiện ngữ điệu phong phú, biến hóa, lúc bổng, khi trầm, có sự tác động của âm thanh, cường độ nói vừa phải. Nghệ thuật giảng bài là tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa, ấm áp truyền cảm, thuyết phục. Nói đủ, không dài dòng “lời ít, ý nhiều”, quá thời gian. Giọng nói, âm lượng thay đổi theo nội dung, nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, tránh lối nói đều đều. Tư thế tự nhiên, linh hoạt, ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác… phù hợp với nội dung và giọng nói có tác dụng kích thích sự chú ý của học viên. Trong một ý, một câu cần có từ, cụm từ, nội dung cần được nhấn; giảng viên diễn giảng cần thay đổi theo diễn biến nội dung, đưa số liệu cụ thể, sự kiện chính xác phù hợp để minh hoạ, nên đặt câu hỏi để tăng sự chú ý của học viên; cần biết phát huy vai trò thông tin truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mức thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ bình dân. Việc sử dụng hợp lý, chính xác ý từ, hình ảnh trong kinh điển, thơ văn, ví von, so sánh, ca dao, tục ngữ, kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các phương tiện trực quan… vào bài giảng cũng làm tăng tính hấp dẫn.

    Nói và viết phải chân thực, không được bịa đặt, không nói ẩu, không có căn cứ. Tức là nói và viết phải đúng sự thật, phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi nói và viết. Nói đúng sự thật là nói cả ưu và khuyết điểm, không chỉ ca ngợi thành tích mà che giấu khuyết điểm. Nói và viết phải có đầu, có cuối, đồng thời phải ngắn gọn, cô đọng, hàm súc. Mỗi câu nói đều có mục đích, ý nghĩa, phải đạt được tối đa về ý, tối thiểu về lời; không nói ba hoa, sáo rỗng. Điều quan trọng là phải làm rõ được nội dung của vấn đề cần nói, vấn đề mà quần chúng quan tâm. Sử dụng ngôn ngữ nói và viết phải giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, không lạm dụng chữ nước ngoài, tránh bệnh nói chữ, hay dùng chữ. Người giảng viên muốn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền thì phải học cách nói của quần chúng, theo tinh thần “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nghĩa là, học cách nói của quần chúng để tùy đối tượng mà dùng chữ, dùng lời cho hợp, để người nghe, người đọc có thể hiểu được.

    Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị, làm cho bài giảng lý luận chính trị thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó cũng là yêu cầu quan trọng để người học nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua đó góp phần nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn, tránh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về “tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

    Có thể thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, việc giáo dục học tập lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng. Học tập lý luận chính trị sẽ giúp cán bộ, đảng viên được trang bị đầy đủ, toàn diện hơn, được hiểu biết sâu sắc hơn tri thức lý luận chính trị; giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin vào tương lai của dân tộc, của cách mạng, lý tưởng cộng sản; làm cho cán bộ, đảng viên tự tin hơn trong công tác và là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Chúng ta cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói và viết trong suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình để thực hiện tốt lời dạy của Người:“Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sdđ, t5, tr345).

Nguyễn Thị Kim Ngọc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 2083
  • Trong tuần: 89,937
  • Tất cả: 11,577,384