Lượt xem: 1919

Sơn Ton – người du kích anh hùng vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ

Trong cuộc đời của mỗi người không phải ai cũng may mắn và vinh dự được một lần gặp Bác Hồ kính yêu, nhất là đối với người dân miền Nam. Riêng đối với Sơn Ton, du kích Long Phú anh hùng, người con ưu tú của dân tộc Khmer được gặp Bác Hồ 7 lần. Niềm vinh dự, tự hào ấy cùng lòng kính yêu Bác Hồ đã tiếp thêm nguồn sức mạnh, giúp anh hùng Sơn Ton vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù bất cứ ở cương vị nào, xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.

 


Anh hùng Lực lượng vũ trang - Sơn Ton

 

    Sơn Ton sinh năm 1933 tại làng Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình tá điền Khmer nghèo khó. Lên 8 tuổi, Sơn Ton đi ở đợ, trông em cho một gia đình giàu có trong vùng. Năm lên 11 tuổi, vì không chịu nổi với cuộc sống cùng cực ở quê nhà, Sơn Ton theo gia đình về rạch Bà Kẹo, làng An Thạnh Nhì, Cù Lao Dung để tìm cách mưu sinh.

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, gia đình Sơn Ton thoát khỏi cảnh lầm than, cơ cực nhưng niềm vui đó không được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Được tổ chức cách mạng tuyên truyền, giáo dục, Sơn Ton vừa phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng, vừa tích cực tham gia những công việc do cách mạng giao như: Canh gác, làm liên lạc, phá đường ngăn cản địch càn quét, đánh phá xóm làng… Tuy mới 12 tuổi nhưng cậu bé Sơn Ton sớm ý thức được công việc mình làm và luôn hoàn thành thật tốt. Tháng 2 năm 1949, Sơn Ton tham gia Đội Du kích xã An Thạnh Nhì, đến tháng 1 năm 1953 được điều lên Đội Du kích tập trung của huyện Long Phú.

    Với tinh thần chủ động, mưu trí, dũng cảm, lòng căm thù giặc sâu sắc, du kích Sơn Ton lập được rất nhiều chiến công. Đặc biệt, nhờ được tập huấn cách gài địa lôi và lựu đạn, cộng thêm sự mưu trí, gan dạ, Sơn Ton đã nhiều lần làm “bẫy lựu đạn” dụ địch đến gần để tiêu diệt. Từ buồng dừa tươi, cây mía, con gà, cái mõ, chiếc nóp... dưới bàn tay của du kích Sơn Ton đều trở thành những cái bẫy giết giặc rất hiệu quả.

    Sau những trận thắng lẫy lừng nhờ gài lựu đạn, Đội Du kích Long Phú được cấp trên khen thưởng, nhân dân tin yêu và biệt danh “Vua lựu đạn gài” đã được người dân đặt cho Sơn Ton. Đội Du kích Long Phú bấy giờ trở thành nỗi ám ảnh của giặc Pháp ở Sóc Trăng và là nguồn cảm hứng cho cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương sáng tác "Bài ca du kích Long Phú". Với những chiến công đạt được, đồng chí Sơn Ton được tặng thưởng Huân Chương Chiến công hạng Nhì, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Chiến sĩ Thi đua giết giặc lập công của Phân Liên khu miền Tây Nam bộ, 4 lần được huyện, tỉnh và Khu 9 biểu dương, khen thưởng.

    Sau Hiệp định Giơnevơ, Sơn Ton được phân công tập kết ra Bắc. Sau đó đồng chí được tổ chức phân công đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Ngày 5/5/1955, Sơn Ton được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần II được tổ chức vào tháng 8/1955 ở Hà Nội, Sơn Ton vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Sơn Ton là người dận tộc Khmer đầu tiên của nước ta được phong tặng danh hiệu cao quý này và được phong tặng cùng đợt với anh hùng Đinh Núp (thường được gọi là anh hùng Núp, người dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên) và các liệt sĩ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…

    Nhưng có lẽ niềm vinh dự và tự hào nhất trong cuộc đời đồng chí Sơn Ton là được gặp Bác Hồ 7 lần. Trong 7 lần được gặp Bác, đồng chí nhớ nhất và xúc động nhất là lần tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 9/1955 ở Thủ đô Hà Nội. Vào một buổi thảo luận tổ, Bác Hồ đến thăm tổ anh hùng, chiến sĩ thi đua, trong đó có anh hùng Sơn Ton, anh hùng Đinh Núp, anh hùng La Văn Cầu. Bác hỏi thăm từng cái ăn, cái mặc cho đến việc sinh hoạt, học tập rồi quay sang hỏi các anh em dân tộc thiểu số trong tổ có hiểu hết những từ ngữ của những vấn đề đang thảo luận không… Đồng chí Sơn Ton xúc động kể lại: “Khi nghe Bác hỏi, trong đợt tuyên dương anh hùng vừa rồi có một cháu là người Khmer Nam bộ ở Nam bộ, thì tôi đứng nghiêm và nói: Dạ thưa Bác, chính cháu là người dân tộc Khmer ở Nam bộ”. Bác hỏi thăm chuyện đánh giặc của Sơn Ton khi còn ở miền Nam và khuyên Sơn Ton nên học cho giỏi chữ Pali và tiếng Khmer để về miền Nam tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chống Mỹ, cứu nước. Sơn Ton càng bất ngờ hơn khi Bác nói bằng tiếng Khmer với nội dung: “Nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp” và hỏi Sơn Ton có hiểu không. Sơn Ton trả lời: Thưa Bác, cháu hiểu ạ! Dù được gặp Bác trong khoảng thời gian ngắn nhưng Sơn Ton cảm thấy rất vinh dự, tự hào, cảm thấy gần gũi và càng thêm kính yêu Bác Hồ, vị cha già của dân tộc. Qua những lần gặp Bác đã tiếp thêm nguồn sức mạnh, giúp anh hùng Sơn Ton vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù bất cứ ở cương vị nào, xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thanh Hà



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 126
  • Hôm nay: 9578
  • Trong tuần: 80,167
  • Tất cả: 13,107,541