Lượt xem: 600

Doanh nghiệp Sóc Trăng - Đồng hành “số hóa” chính quyền

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã huy động mọi nguồn lực xã hội để từng bước “số hóa” chính quyền. Đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cung ứng các giải pháp chuyển đổi số; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ tiện ích, hướng đến phục vụ, nâng chất cuộc sống của người dân.

 


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Diễm Ngọc trải nghiệm kính thực tế ảo 3D trên nền tảng mạng 5G do Viettel Sóc Trăng phủ sóng. Ảnh: M.Linh

 

    Viettel Sóc Trăng - Cung cấp các giải pháp xây dựng chính quyền số

    Không chỉ chủ động chuyển đổi số trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, Viettel Sóc Trăng còn ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy kinh doanh, chăm sóc khách hàng trên các nền tảng số. Đặc biệt, với sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel Sóc Trăng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ tỉnh xây dựng chính quyền số.

    Thượng tá Phạm Trí Dũng - Giám đốc Viettel Sóc Trăng nhấn mạnh, bám sát các mục tiêu trong Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Viettel Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng số, hiện mạng internet di động của Viettel Sóc Trăng đã phủ sóng 4G đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh với tốc độ trên 10Mbps; mạng truyền dẫn cáp quang với tốc độ truyền ghép bước sóng DWDM lên đến hơn 10Gbps, góp phần giúp 75% hộ dân trong tỉnh được tiếp cận mạng internet.

    Đồng hành cùng tỉnh trong số hóa chính quyền, Viettel Sóc Trăng đã cung cấp, triển khai nhiều sản phẩm cho địa phương, nổi bật là Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố Sóc Trăng ứng dụng IoT, có chức năng tích hợp, phân tích các thông tin dữ liệu vào các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển IOC, qua đó hỗ trợ chính quyền trong công tác điều hành, giám sát các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chiếu sáng… Đặc biệt, IOC còn có chức năng tương tác giữa người dân với chính quyền qua phản ánh hiện trường thông qua app có tên gọi “Thành phố Sóc Trăng trên smartphone”, nhờ đó nhiều thông tin phản ánh của người dân đã được IOC tiếp nhận và được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tạo được lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của chính quyền thành phố Sóc Trăng.

    Bên cạnh đó, Viettel Sóc Trăng còn tham gia vào lĩnh vực kinh tế số, xã hội số bằng cách xây dựng các giải pháp về nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, y tế số, giáo dục số, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel money, triển khai chợ 4.0 tại thành phố Sóc Trăng và huyện Trần Đề); cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp (chữ ký số, hóa đơn điện tử…), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

    Thượng tá Phạm Trí Dũng cho biết thêm, với sứ mệnh tiên phong, kiến tạo xã hội số, Viettel Sóc Trăng hỗ trợ và đặt tổng đài tự động 1022 tại IOC của tỉnh, giải đáp trên 500 ý kiến thắc mắc của người dân về các thủ tục hành chính. Trong tháng 4/2022, Viettel Sóc Trăng cũng đã khai trương mạng 5G đầu tiên tại Sóc Trăng, góp phần làm tăng chỉ số DTI của tỉnh cũng như từng bước thực hiện “số hóa” chính quyền.

    Agribank Sóc Trăng - Chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp

    Nhằm hướng đến ngân hàng số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho ra mắt và gia tăng cải tiến nhiều sản phẩm số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của tỉnh và của Chính phủ.

    Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng - Vũ Đình Ty cho biết, để phục tốt người dân, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành và mọi hoạt động của Agribank, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại; chú trọng phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán các dịch vụ có liên quan.


Agribank E-Mobile Banking được khách hàng sử dụng ngày càng nhiều bởi có nhiều tiện ích. Ảnh: M.Linh

 

    Nếu khách hàng không muốn giao dịch trực tiếp tại Agribank Sóc Trăng hay sử dụng dịch vụ ngân hàng tự động (CDM) thì có thể chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh như: Internet Banking, E-Mobile Banking, Bankplus, Agribank E-Mobile Banking, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử... vừa thuận tiện, nhanh gọn, chính xác và bảo mật trong giao dịch. Trong đó Agribank E-Mobile Banking là một trong những ứng dụng ưu việt phải kể đến vì mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị, nhiều tiện ích, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch bất kỳ thời điểm nào trong ngày trên điện thoại của mình, từ chuyển khoản, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, Internet, nạp tiền điện thoại, nộp phí giao thông, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, trả nợ tiền vay… Chỉ cần chạm tay, ứng dụng sẽ xử lý giao dịch trong một vài giây.

    Chị Hạnh (thành phố Sóc Trăng) vui vẻ cho biết, từ ngày cài ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, chị thường xuyên chuyển khoản khi mua hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng hay trên mạng xã hội, thậm chí học phí của con chị cũng không cần phải trả tiền mặt. Với ứng dụng này, chị Hạnh còn có thể gửi tiền online và được miễn phí mở, đóng tài khoản tiền gửi trực tuyến cũng như chi trả phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chính những tiện ích mà ứng dụng mang lại, đến nay có khoảng 20.000 lượt khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử của Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng.

    Bên cạnh phát triển ngân hàng số, Agribank Sóc Trăng còn tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới giao dịch được phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, với 19 chi nhánh và phòng giao dịch. Toàn tỉnh hiện có 36 ATM và CDM, trong đó 21 ATM đặt tại khu vực nông thôn; khoảng 55 POS và trên 40 đơn vị chấp nhận thanh toán trong toàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, Agribank Sóc Trăng còn triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QRViet đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến nay, Agribank Sóc Trăng đã phát hành trên 30.000 thẻ ATM cho khách hàng, với số tiền giao dịch trên ATM bình quân hàng tháng trên 400 tỷ đồng, góp phần dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt của người dân trong tỉnh, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu ngân hàng số.

    Viettel Sóc Trăng và Agribank Sóc Trăng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong số hóa trong hoạt động, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh. Những đóng góp của 2 doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ đắc lực để Sóc Trăng hoàn thành sớm, toàn diện cả 3 trụ cột về chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bởi chính họ là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số.

M.Linh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 959
  • Trong tuần: 82,004
  • Tất cả: 11,456,752