Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện các sở, ngành bấm nút khánh thành Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng.
Việc chuyển đổi số trở nên đặc biệt cần thiết trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành Du lịch. Để ngành du lịch Sóc Trăng, cũng như du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hơn nữa sau thời gian ảnh hưởng của COVID-19 thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nói riêng và hoạt động du lịch nói chung là yếu tố then chốt, từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cùng với xu thế chung, ngành Du lịch Sóc Trăng đang hưởng ứng và triển khai phát triển du lịch thông minh, du lịch số. Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án số 03/ĐA-UBND về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó, có xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ngành Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, ngành Du lịch Sóc Trăng đã tham mưu triển khai từng bước thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch của tỉnh. Trong đó, xây dựng Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng nhằm từng bước số hóa cơ sở dữ liệu chung cho ngành Du lịch của tỉnh Sóc Trăng, xây dựng phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo tăng cường (AR), xây dựng các tour ảo, ảnh và video 306, ảnh 3D, hướng dẫn viên ảo để phát triển, mở rộng và hỗ trợ cho công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Đồng thời, thông qua đó tăng cường sự tương tác, kết nối giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch.
Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng được khánh thành ngày 29/12/2022 bao gồm Cổng thông tin du lịch thông minh (https://soctrangtourism.vn) và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (Soc Trang Tourism) có tích hợp bản đồ số du lịch các điểm đến và sản phẩm du lịch của tỉnh trên thiết bị di động. Ứng dụng phần mềm du lịch thông minh sử dụng 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh mang lại nhiều trải nghiệm mới, thú vị và hấp dẫn cho du khách; đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động du lịch của tỉnh. Thích ứng linh hoạt và giúp doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế dễ dàng tiếp cận và tra cứu đa dạng các thông tin du lịch Sóc Trăng.
Ngoài ra, Cổng thông tin du lịch thông minh đã được tối ưu chuẩn SEO, ứng dụng công nghệ thiết kế web đa nền tảng, tích hợp nhiều tính năng hữu ích (video clip, youtube, fanpage, đường dây nóng tư vấn trực tuyến chuyên nghiệp hơn với giao diện website thân thiện với người dùng và tương thích với hầu hết các thiết bị di động, giúp cho người dùng có thể tìm kiếm trang web dễ dàng hơn trên công cụ tìm kiếm Google. Nội dung và hình thức thông tin quảng bá du lịch phong phú, hình ảnh bắt mắt, kết nối với hơn 40 đơn vị trong, ngoài tỉnh, tiêu biểu như trang fanpage Du lịch Sóc Trăng, kênh youtube Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sóc Trăng, trang zalo official Soc Trang Tourism thường xuyên cập nhật tin bài về du lịch, tập hợp nhiều hình ảnh liên quan đến tỉnh Sóc Trăng giúp du khách thuận lợi tiếp cận được với du dịch Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực tham gia chuyển đổi số kết nối vào hệ thống du lịch thông minh của ngành; ngành Du lịch sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để sẵn sàng ứng dụng chuyển đổi số; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các thông tin tổng hợp về du lịch như: Tình hình khách du lịch, doanh thu qua các năm; các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch, các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh và hệ thống du lịch thông minh cũng đã được liên kết với Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng (IOC Sóc Trăng).
Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ ưu tiên xây dựng phần mềm số hóa cơ sở dữ liệu của ngành văn hóa, thể thao, du lịch nhằm lồng ghép, cụ thể hóa vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều này sẽ từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về du lịch của tỉnh nhằm hỗ trợ du khách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh. Từ hệ thống thông tin giúp cơ quan chức năng có thể tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; hiện đại hóa công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị về du lịch với các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ, thông tin chào mua, chào bán sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh du lịch thông qua Internet, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với du khách (B2C), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), thúc đẩy sự phát triển cho du lịch của tỉnh Sóc Trăng trong bối cảnh phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam, từng bước đưa du lịch tỉnh Sóc Trăng tiếp cận gần hơn với khách du lịch trong nước, quốc tế; qua đó, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu tại Sóc Trăng, góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu của Nghị quyết 05-NQ-TU, ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như tham gia các sự kiện về du lịch, các triển lãm thực tế ảo được các tỉnh, thành tổ chức trên nền tảng trực tuyến (gian hàng 3D, 2D, triển lãm thực tế ảo…), số hóa các ấn phẩm du lịch xúc tiến, quảng bá du lịch cũng là điều hết sức cần thiết phải thực hiện nhằm giới thiệu và cung cấp các thông tin về du lịch, sản phẩm, tour du lịch một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất cho du khách khi đến tham quan Sóc Trăng.
Triển khai xây dựng ứng dụng App Bảo tàng thông minh giúp khách du lịch được tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, các cổ vật, hiện vật trưng bày bằng hình thức thực tế ảo, thỏa sức tương tác trực tiếp trên phần mềm như xoay, phóng to, thu nhỏ tùy ý, mang lại cảm giác đặc biệt mà thật khó có thể trải nghiệm trong thực tế. Ngoài ra, phần mềm còn cho phép tích hợp các thông tin đa phương tiện như text, video, nhạc… đảm bảo tiếp cận được các thông tin cần thiết và các bài thuyết minh của di sản, cổ vật, hiện vật được trưng bày như đang tham quan thực tế. Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được ngành tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số nhằm phục vụ ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh và thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động kinh doanh.
Phấn đấu đến năm 2030 sẽ cơ bản triển khai hoàn thiện số hóa "Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch" (cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển), bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, để tích hợp và phát triển đồng bộ với mô hình đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… Phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng, góp phần điều chỉnh hành vi của khách du lịch, doanh nghiệp và các điểm đến du lịch cũng như hướng họ đến một góc nhìn cá nhân. Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong nước, tạo ra những thay đổi tích cực hơn, không những cho khách du lịch mà còn cho các doanh nghiệp du lịch. Mặt khác, thực hiện thành công chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành Du lịch tỉnh nhà nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung bắt kịp với sự phát triển của các ngành Du lịch trên thế giới.
Nguyễn Dũng