Lượt xem: 365

Chuyển đổi số - Thành công từ cam kết của người đứng đầu

Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là Nghị quyết 07) được kỳ vọng như chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến con đường “đi tắt, đón đầu” chinh phục công nghệ, thay đổi mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động trực tiếp chuyển biến nếp sống của người dân để Sóc Trăng vượt lên đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

    NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

    Vào những năm trước khi Nghị quyết 07 ra đời, hạ tầng cáp quang viễn thông, mạng 3G, 4G chỉ mới đến được các trung tâm xã, phường, thị trấn, thì đến cuối năm 2023 đã phủ 100% hộ dân toàn tỉnh, sớm hơn 3 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra. Xếp hạng chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh, nếu tỉnh Sóc Trăng năm 2020 ở trong nhóm 10 tỉnh thành cuối bảng xếp hạng DTI (hạng 57), năm 2021 chỉ tăng được 1 bậc, thì đến năm 2022 đã ngoạn mục vượt lên đến 20 bậc (hạng 36) với chỉ số thành phần ấn tượng nhất là Chính quyền số (0,6617), Xã hội số (0,6425) cao hơn mức bình quân cả nước (0,5787).

    Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng, đến nay, 100% công chức trong hệ thống chính quyền đến cấp xã đã được cấp hộp thư công vụ để thực hiện nhiệm vụ xử lý công việc điều hành văn bản, mức độ xử lý văn bản trên môi trường mạng gần đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 07 ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trung tâm giám sát, điều hành tỉnh (IOC) được đầu tư đưa vào vận hành đầu năm 2022 đã từng bước hoàn thiện các phân hệ, cập nhật chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và cung cấp tiện ích khai thác, kết nối ứng dụng Công dân Sóc Trăng trên thiết bị di động cho người dân.


Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét thẻ ATM qua máy POS. 
Ảnh: Minh họa

 

    Nếu năm 2020, trước Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, việc thanh toán trực tuyến vẫn còn vô cùng xa lạ với người dân Sóc Trăng thì đến tháng 10/2023, có đến 644.136 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán trực tuyến, chiếm tỷ lệ 69,29%, vượt 139% chỉ tiêu Nghị quyết 07 và sớm hơn đến 3 năm; 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt đã dần trở nên quen thuộc đến tận tiểu thương các chợ xã, phường, thị trấn thông qua mã QR chuyển khoản. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi cài đặt và kích hoạt định danh diện tử trên thiết bị di động thông minh đạt chỉ tiêu theo Đề án 06. Tổ Công nghệ số cộng đồng với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp người dân khai thác, sử dụng thiết bị thông minh ứng dụng công nghệ số một cách thiết thực, an toàn. Hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng đã tạo được hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội,… đã có những chuyển biến và đạt được kết quả tích cực bước đầu. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch, đề án được các cấp, các ngành ban hành cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết 07 đã đề ra.

    Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 vẫn còn hai mục tiêu của Nghị quyết 07 chưa đạt. Trong đó, việc thực hiện chỉ tiêu Kinh tế số còn rất thấp, Kinh tế số năm 2022 của tỉnh đạt 7,41% GRDP (so với chỉ tiêu đặt ra là 20%); chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh chỉ mới đạt 30,77% (4/13) chế độ báo cáo, (so với chỉ tiêu là 100%).

    Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã đánh giá hạn chế “Thực hiện chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số chưa sâu rộng; các chương trình, dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện chưa đồng bộ. Tỷ lệ nguời dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công còn thấp. Hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng chưa triệt để. Kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số ở một số địa phương, sở ngành chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra”.

    BÀI HỌC TỪ CAM KẾT CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

    Nhìn lại 2 năm qua (2022-2023), cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nhiệm vụ chuyển đổi số đứng trước những thách thức to lớn từ tác động toàn cầu đến nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực trong điều kiện nguồn lực hạn chế cả về con người và kinh phí, nhiệm vụ mới phát sinh nhiều… Mặc dù vậy, những con số kết quả ấn tượng của Sóc Trăng trong thực hiện chuyển đổi số đã cho thấy trách nhiệm, mong muốn và chỉ đạo quyết liệt của ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, các ngành. Trong đó, sự gương mẫu, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị là yếu tố quyết định thúc đẩy thay đổi nhận thức của toàn xã hội thực hiện chuyển đổi số đồng bộ cả ba trụ cột Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số.

    Giữ vững quan điểm chuyển đổi số là bước đi tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của nhân dân; là động lực để xây dựng Chính quyền số, phát triển Kinh tế số, xây dựng Xã hội số an toàn, văn minh, rộng khắp và bao trùm; người dân là trung tâm, thể chế và công nghệ là động lực, an toàn thông tin mạng là then chốt và xuyên suốt. Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ trong cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và toàn xã hội; trong đó, nội lực là chiến lược, cơ bản quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá với những bước đi vững chắc, an toàn, chủ động, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được đi đôi với đổi mới, sáng tạo.

    NHIỆM VỤ CẦN QUAN TÂM

    Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch, quan hệ giữa các quốc gia có nhiều biến động, tác động khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu... Các nền kinh tế trên toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 07, bám sát định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, chúng ta cần quan tâm các nhóm nhiệm vụ như sau

    Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chuyển đối số nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức số của toàn xã hội. Trong đó, cần đề cao sự gương mẫu, quyết tâm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho từng cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, để mỗi người đi đầu trong công tác chuyển đổi số, cùng với đoàn viên, hội viên, Tổ Công nghệ số cộng đồng hỗ trợ, dẫn dắt người dân, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

    Đồng thời, cần có kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt ở các cấp, các ngành; nội dung truyền thông phải đảm bảo yếu tố đại chúng, gần gũi, dễ hiểu, đảm bảo yếu tố khoa học có chủ đề, chủ điểm, đảm bảo hình thức truyền thông đa đạng, đa kênh, chú trọng các kênh truyền thông số, mạng xã hội, các mô hình tuyên truyền trực quan sinh động. Hình thành các chuẩn mực “văn hóa số”, xã hội hiện đại, văn minh trong cộng đồng.

    Hai là, tiếp tục thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 07. Trong đó, lưu ý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện Đề án 03 đảm bảo đồng bộ Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số các lĩnh vực ưu tiên.

    Quan tâm thực hiện nhiệm vụ theo định hướng Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 liên quan đến tăng cường phổ cập hạ tầng số, bao gồm nhiệm vụ triển khai nền tảng thiết bị IoT; hoàn thiện từng bước hạ tầng dữ liệu, tập trung vào thiết lập, khai thác hiệu quả trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu các ngành, vận hành hiệu quả các phân hệ của IOC; hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Hướng dẫn phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số, bao gồm phổ cập danh tính số, phổ cập chữ ký số cá nhân, phổ cập ứng dụng thanh toán số, phổ cập ứng dụng hóa đơn điện tử và phổ cập ứng dụng hợp đồng điện tử.


Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, thông qua việc sử dụng hệ thống bẫy đèn thông minh trong canh tác lúa. Ảnh: Minh họa

 

    Khuyến khích các ngành, lĩnh vực đặt hàng sáng tạo ứng dụng số liên quan đến giải quyết các bài toán cơ bản trong các lĩnh vực. Trong đó, đối với ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số nông nghiệp hướng tới giải quyết các vấn đề về kết nối các cơ sở sản xuất (vùng trồng, hợp tác xã, nhà máy chế biến…), hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp số toàn trình, từ đó nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam; gắn kết nền tảng số quốc gia về dữ liệu số nông nghiệp và nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản. Đối với ngành du lịch, phát triển kinh tế số du lịch, xây dựng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thông minh hóa, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Tối ưu chi phí logistics về quản trị và kinh doanh vận tải toàn trình, xuyên suốt toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển, cửa khẩu, kho bãi tới tận tay người tiêu dùng và ngược lại. Đối với chuyển đổi số công nghiệp chế biến, chế tạo, quan tâm ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, công nghệ kết nối vạn vật vào thông minh hóa các nhà máy sản xuất phù hợp quy mô doanh nghiệp địa phương với chi phí hợp lý. Tối ưu mô hình vận hành tự động hóa ở mọi khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh, gắn với truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, phù hợp với xu hướng sản xuất xanh của thế giới. Đối với chuyển đổi số, gắn liền với chuyển đổi xanh để phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về thực hiện chuyển đổi kép nền kinh tế, quan tâm kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; nghiên cứu, triển khai thử nghiệm giải pháp Sàn giao dịch tín chỉ carbon, phù hợp với cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    Ba là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện chuyển đổi số ở các cấp, các ngành; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 07 để kịp thời uốn nắn, có giải pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đặt ra.

    Chuyển đổi số cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo chính là cơ hội để Sóc Trăng tận dụng mọi nguồn lực tăng tốc, vượt qua trở ngại, phát triển nhanh và bền vững. Nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tham gia của mọi người dân mà vai trò quyết định thuộc về cam kết của người đứng đầu “Thật tâm mong muốn - Thật sự hành động”, hình thành văn hóa trong môi trường số, để mỗi công dân ứng xử văn minh, tự lực tự cường, không ngừng học hỏi và sáng tạo để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

VŨ THỊ HIẾU ĐÔNG - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 122
  • Hôm nay: 7054
  • Trong tuần: 92,354
  • Tất cả: 11,559,410