Lượt xem: 175

Nâng tầm cuộc sống

Mùa xuân đã về, mang theo những tia nắng ấm áp và niềm hy vọng cho những khởi đầu mới. Trong khi những mảng xanh trên đồng ruộng, luống rau vươn mình bằng những chồi non xanh tươi, một làn sóng mới cũng đang lan tỏa trong đời sống: ứng dụng công nghệ số. Những công dân hiện đại đang khai thác sức mạnh của công nghệ số để gia tăng năng suất, tối ưu hiệu quả công việc và mở ra những cơ hội đột phá trong sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống hàng ngày.

    Giữa bối cảnh âu lo về biến đổi khí hậu và yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, những nông dân trồng rau thủy canh đang dần khẳng định hiệu quả trong việc thích ứng với ngành nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất đã giúp nhiều chủ vườn tối ưu hóa hiệu quả và gia tăng năng suất.


Anh Quách Bảo Duy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh rau sạch

 

    Anh Quách Bảo Duy - Chủ cơ sở rau sạch Phúc Lâm Viên ở Phường 5, thành phố Sóc Trăng cho biết, qua 3 năm trồng và kinh doanh rau sạch theo mô hình thủy canh, sản phẩm rau của cơ sở đã được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua việc cung cấp rau cho trường học và bán lẻ cho khách hàng.

    Dù hiện tại, anh Duy không mở cửa hàng nhưng rau sạch Phúc Lâm Viên vẫn được nhiều người tiêu dùng gần xa biết đến thông qua việc bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội. Khoảng 2 năm nay, nhóm zalo “Rau sạch tại nhà” với 500 thành viên đã kết nối cơ sở với người tiêu dùng một cách hiệu quả.

    Theo anh Duy, nhóm rau sạch được vợ của anh là chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung thường xuyên cập nhật thông tin các loại rau để khách hàng lựa chọn. Mỗi ngày, chị Nhung sẽ đăng danh sách các rau như: Xà lách, cải ngọt, cải thìa và các loại rau ăn lá khác kèm hình ảnh thực tế để cho thành viên trong nhóm đặt hàng.

    Khi có khách “chốt đơn”, anh Duy mới tiến hành thu hoạch rau và giao đến tận nơi theo yêu cầu nên chất lượng rau luôn được đánh giá cao vì đảm bảo độ tươi ngon và an toàn cho sức khỏe. Những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu thụ rau sạch càng tăng, lên đến khoảng 30-40% so với ngày thường do người tiêu dùng chú trọng hơn đến chất lượng và an toàn thực phẩm, giúp cơ sở duy trì và mở rộng lượng khách hàng.

    Ngoài tận dụng mạng xã hội để tiêu thụ rau sạch, anh Duy còn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác rau thủy canh từ máy châm dinh dưỡng được Phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng hỗ trợ. Đây là loại thiết bị thủy canh thông minh giúp người dùng kiểm soát được độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng của rau. Theo anh Duy, trước đây, việc châm dinh dưỡng cho vườn rau mất khoảng 3 tiếng đồng hồ bằng phương pháp thủ công, đến khi ứng dụng thiết bị trên, được tích hợp bằng phần mềm trên điện thoại thông minh thì chỉ mất khoảng 20 phút. Cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp nồng độ dinh dưỡng cho rau không bị thiếu hụt.

    Tại các vùng nông thôn, công nghệ số cũng đang dần lan tỏa, hiện diện từ những khu chợ truyền thống nhộn nhịp đến các cánh đồng xanh mướt, góp phần thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và kết nối cộng đồng. Điển hình là “máy bay không người lái” đang trở thành “trợ thủ đắc lực” giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa của nhiều nông dân vùng nông thôn. Những thiết bị bay này sở hữu khả năng đa nhiệm, từ phun thuốc trừ sâu, gieo sạ, bón phân, đến giám sát chặt chẽ quá trình sinh trưởng của lúa thông qua hệ thống camera và cảm biến hiện đại.

    Anh Trần Kim Luận, nông dân ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề, chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần sạ giống, bón phân, xịt thuốc, tôi phải mất hàng giờ liền dưới trời nắng gắt. Nhưng giờ đây, chỉ cần thuê dịch vụ “máy bay không người lái” để thực hiện các công đoạn này thì công việc hoàn thành một cách nhanh chóng và hiệu quả”. Theo tính toán của anh Luận, với 10 công lúa sạ giống bằng “máy bay không người lái” chỉ tốn 400.000 đồng và hoàn thành trong 20 phút, không chỉ nhanh mà còn tiết kiệm 200.000 đồng so với thuê lao động thủ công vốn mất hết 1,5 giờ. Điều đáng nói là, tại ấp Tài Công có hơn 300 ha sản xuất lúa thì đã có khoảng 90% nông dân ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.


Anh Trần Kim Luận, nông dân ở xã Tài Văn cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp trên điện thoại thông minh

 

    Trong thời đại chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào học tập, làm việc hay sản xuất kinh doanh không còn xa lạ mà đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Công nghệ số không chỉ giúp kết nối, mà còn thay đổi cách thức làm việc, học tập và sinh hoạt của nhiều người. Những “công dân số” trên địa bàn tỉnh còn tận dụng công nghệ để làm việc từ xa, hợp tác qua các nền tảng số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các công việc văn phòng, sản xuất, hay dịch vụ, giúp nâng cao hiệu quả công việc trong tình hình mới.

    Theo đồng chí Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, hầu hết các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đều triển khai ít nhất 1 điểm phát wifi công cộng để phục vụ nhu cầu truy cập internet của người dân. Tỷ lệ số dân trong độ tuổi lao động được hướng dẫn, tập huấn, đào tạo các kỹ năng cài đặt, sử dụng các phần mềm, nền tảng hỗ trợ cho việc tra cứu, trao đổi thông tin đạt trên 50%. Tổ Công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

    Mùa xuân mới với những khởi đầu mới. Những cánh đồng xanh mướt, tràn đầy sức sống kết hợp cùng công nghệ hiện đại đã minh chứng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và sự vươn lên của nông dân Sóc Trăng trong năm mới.

Thiện Hải



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 8923
  • Trong tuần: 88,274
  • Tất cả: 15,730,219