Long Phú là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ngành Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế. Cùng với đó là những khó khăn đặc thù của giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi số của các đơn vị trường học. Tuy vậy, trên địa bàn vẫn có những trường vươn lên thành cánh chim “đầu đàn” của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Long Phú trong công tác chuyển đổi số. Điển hình là Trường THCS DTNT Long Phú, với nhiều năm nỗ lực đã trở thành “điểm sáng” trong chuyển đổi số. Ban Giám hiệu nhà trường luôn xem đây là “mấu chốt” giúp nâng cao chất lượng giáo dục và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.

Áp dụng số hóa vào dạy học
Những năm học bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các trường học trên địa bàn huyện luôn gặp khó khăn, việc dạy và học bị gián đoạn vì dịch bệnh, nhưng Trường THCS DTNT Long Phú nhờ chủ động chuyển đổi sang dạy học trực tuyến nên vẫn đảm bảo 100% học sinh được học tập, chất lượng giáo dục ổn định. Nhà trường tập trung trang bị tivi, internet, thực hiện số hóa cho 100% phòng chuyên môn của đơn vị. Trường hiện có 08 lớp với 265 học sinh, tất cả đều được số hóa từ khâu quản lý học sinh, giáo viên bộ môn, giáo án điện tử. Cụ thể trong năm qua, chất lượng học sinh được đánh giá qua môn học giáo dục đạt 100%; năng lực, phẩm chất học sinh đạt 100%; 100% giáo viên đạt chuẩn (theo chuẩn mới), trong đó có trên 10% giáo viên đạt trên chuẩn.
Thầy Lý Chan Thi - Phó Hiệu trưởng Trường THCS DTNT Long Phú, chia sẻ: “Chuyển đổi số được nhà trường ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý ngân sách, quản lý chuyên môn của giáo viên; giám sát công tác nội trú; số hóa cơ sở dữ liệu của nhà trường trong kiểm tra, đánh giá. Công tác quản lý được số hóa công khai, giúp hoạt động của Ban Giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên và nhân viên có sự phối hợp liền mạch, tiết kiệm ngân sách. Trước đây, kiểm tra học sinh trên giấy, việc chấm bài mất nhiều thời gian. Khi ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên chỉ phải chấm phần tự luận, bài trắc nghiệm do máy chấm. Việc thống kê, đánh giá kết quả, khen thưởng,… chính xác, không sai sót. Cũng nhờ cơ sở dữ liệu của nhà trường được số hóa, chia sẻ công khai nên việc gia đình phối hợp quản lý, giáo dục các em học sinh diễn ra thuận lợi”.
Ngoài ra, chuyển đổi số ở Trường THCS DTNT Long Phú đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có thể kết nối, tương tác với nhiều phần mềm học tập hữu ích, từ đó chất lượng giáo dục nâng cao rõ rệt, học trò nhanh nhạy, chủ động, được tra cứu, tìm kiếm thông tin hữu ích phục vụ học tập,… Thầy Võ Văn Quốc - giáo viên dạy môn Tin học, Trường THCS DTNT Long Phú, cho biết: “Việc chuyển đổi số trong giáo dục giúp tạo ra sự tiếp cận thông tin và kiến thức một cách dễ dàng, thu hẹp khoảng cách địa lý, cung cấp linh hoạt về thời gian và không gian học tập, tạo ra nhiều cơ hội học tập và phát triển bản thân. Là giáo viên phụ trách môn Tin học, bản thân tôi nhận thấy chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và công bằng, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số”.
Em Lý Hạ Thiên Ân - học sinh lớp 9/1 Trường THCS DTNT Long Phú, chia sẻ: “Thông qua nền tảng số, công cụ kỹ thuật số, chúng em được học tập mọi lúc, mọi nơi; được tiếp cận với giáo trình điện tử, thay thế sách giáo khoa truyền thống, giúp tiết kiệm giấy và dễ dàng cập nhật nội dung. Một số phần mềm còn hỗ trợ học sinh đọc sách điện tử, được tương tác với giáo viên, cùng nhau học tập một cách linh hoạt và hiệu quả”.

Tiết học Ngữ văn của các em học sinh Trường THCS DTNT Long Phú
Có thể thấy, thực hiện chuyển đổi số ở Trường THCS DTNT Long Phú đã và đang phát huy hiệu quả, bởi nhà trường có sự đầu tư, định hướng giáo viên khai thác các phần mềm dạy học đúng cách. Trong đó, đặc biệt quan tâm khai thác các phần mềm do Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giới thiệu để đồng bộ hóa với toàn ngành Giáo dục và Đào tạo. Mặt khác, để giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học thành thạo, trường đã yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, tích cực học tập thông qua các lớp tập huấn, video bài giảng, ứng dụng vào phần mềm dạy học.
Thầy Lý Chan Thi chia sẻ thêm: “Để trở thành “điểm sáng” trong việc chuyển đổi số, cấp ủy, nhất là người đứng đầu đơn vị rất quan tâm và đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; thường xuyên mở các lớp tập huấn hỗ trợ giáo viên nâng cao tay nghề, cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của đơn vị”.
Hiện nay, việc chuyển đổi số tại Trường THCS DTNT Long Phú đã mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Không chỉ giáo viên nâng cao chuyên môn mà học sinh cũng thay đổi cách học, cách tiếp cận kiến thức và trở nên chủ động trong quá trình học tập. Qua đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Sóc Ca