Lượt xem: 5392

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2021): Nhớ lời dạy của Bác Hồ về công tác tuyên truyền

Cách đây 57 năm, ngày 31/8/1963, phát biểu tại Hội nghị Tuyên huấn miền núi, sau khi ghi nhận những nỗ lực cố gắng của cán bộ tuyên huấn trong công tác tuyên truyền, Bác nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm. Ví dụ: Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác”(1) và Bác nói tiếp: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”(2).

 


Nguồn bqllang.gov.vn

 

    Bác nói mấy kinh nghiệm. “Ở Tân Trào, lúc đó mới làm xong cái nhà văn hoá. Hôm khánh thành, có hai đồng chí cán bộ, một nam một nữ, đến nói chuyện. Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền. Còn huấn luyện thì thế nào? Một hôm đi qua xã Hồng Thái. Bác thấy có một số thanh niên, cả nam và cả nữ ngồi nghỉ ở dưới gốc cây đa. Bác cũng lại đấy ngồi nghỉ. Bác hỏi:

    - Các anh các chị đi đâu về đấy?

    - Chúng em đi học về.

    - Học gì đấy?

    - Học Các Mác.

    - Có hay không?

    - Hay lắm.

    - Thế có hiểu không?

    - Không hiểu gì hết.

    Lớp ấy là lớp huấn luyện của Mặt trận lúc bấy giờ. Mỗi xã cử mấy người đem cơm gạo đi ăn để học. Học cái gì? Học Các Mác. Hay thì có hay, nhưng không hiểu gì hết.

    Đấy là những kinh nghiệm làm không tốt. Bây giờ nói kinh nghiệm làm tốt. Ở một lớp huấn luyện khác có đồng chí Giáp, đồng chí Đồng phụ trách. Mỗi người được chọn đi học như thế, mang theo gạo, ngô để ăn và bớt một ít để góp nuôi thầy giáo. Mỗi lớp huấn luyện như thế, học một số việc cụ thể, thiết thực. Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì. Làm như thế nào. Học mười ngày rồi về, đi làm. Họ làm rất tốt. Phong trào Việt Minh ở Cao Bằng hồi đó phát triển rất nhanh. Họ làm khoảng sáu tháng, hết “tủ”, họ lại về học lần nữa. Tuyên truyền huấn luyện không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả.

    Các chú so sánh hai kinh nghiệm đó, mà tuyên truyền huấn luyện.

    Một bên nói “hay” mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được(3).

    Kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2021), những lời Bác dạy qua những mẩu chuyện nêu trên vẫn còn nguyên giá trị đối với những người làm công tác Tuyên giáo như chúng ta trong giai đoạn hiện nay và cả mai sau, mang tầm chiến lược, thiết thực, hiệu quả.

    Người dạy, quan trọng của công tác tuyên truyền là hiệu quả đạt được như thế nào? Bác đưa ra hai ví dụ rất rõ ràng, đó cũng chính là cách Bác đang làm công tác tuyên huấn. Rất cụ thể và thiết thực. Bác quan niệm tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền; Thứ hai là phương pháp tuyên truyền; Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền. Qua lời dạy của Bác Hồ, chúng ta có thể rút ra được bài học về thực hiện công tác tuyên truyền nói riêng và công tác Tuyên giáo nói chung như sau:

    1. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác Tuyên giáo cần xem trọng tất cả các đối tượng tuyên truyền. Muốn cho công tác tuyên truyền, huấn luyện thành công, cán bộ Tuyên giáo phải nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của tất cả các đối tượng và luôn đề cao sự góp sức của toàn thể đồng bào, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, xác định đúng đối tượng tuyên truyền thì việc tuyên truyền, công tác Tuyên giáo sẽ đạt kết quả cao.

    2. Tuyên truyền, Tuyên giáo là phải chủ động và linh động, sáng tạo, luôn luôn có tư duy đổi mới. Trong công tác Tuyên giáo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, ngoài việc cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương mới của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành, triển khai tốt các định hướng, chỉ đạo của cấp trên cần chủ động, linh động để triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, địa bàn phụ trách. Không áp dụng máy móc, thiếu tính thực tiễn để mang lại hiệu quả không cao. Không bị động, chờ chỉ đạo mới triển khai khi thực tế đang đòi hỏi đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Để làm được điều đó đòi hỏi cán bộ, công chức làm Tuyên giáo phải có phong cách làm việc sâu sát quần chúng để hiểu được tư tưởng, dư luận xã hội và đưa ra cách thực hiện mang lại hiệu quả cao, làm tốt công tác dự báo đi trước đón đầu công tác tư tưởng.

    3. Để có hiệu quả cao nhất công tác Tuyên giáo, tuyên truyền phải luôn đổi mới và sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu nhất để vừa truyền tải hết nội dung vừa để người nghe, người tiếp nhận thông tin hiểu được hết, nắm bắt được hết. Để có cách truyền đạt dễ hiểu là cả quá trình rèn luyện cách nói, cách viết. Sử dụng ngôn từ gẫn gũi nhất và dễ hiểu nhất đối với các đối tượng cần được truyền đạt thông tin. Tránh nói hoa mỹ, nói “hay” hoặc cách viết dùng từ nhiều nghĩa, không rõ nghĩa... Việc này đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện, mà cách hay nhất là “Học ở nhân dân”, học ở “đối tượng” mình tuyên truyền. Bên cạnh việc nhận thức đúng về vai trò của nhân dân, một yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền là phương pháp làm việc của cán bộ tuyên truyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”(4) để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Theo Bác:“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(5). Qua đó, Bác rút ra kết luận:“Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”(6).

    4. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ làm Tuyên giáo, tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”(7). Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”. Và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng, mới hiểu sâu sắc những thiếu thốn, những ước mong của quần chúng để báo cáo lại với Đảng, với Chính phủ tìm cách giúp đỡ nhân dân. Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Phải hoà đồng với người dân: dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn(8). Cuối cùng, để cán bộ yên tâm công tác, không vì chủ quan nóng vội mà làm ẩu cho xong việc, Bác căn dặn: “Tuyên huấn phải làm, mà làm phải bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”“Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy” (9).

    5. Trong giai đoạn hiện nay, công tác Tuyên giáo của Đảng cực kỳ khó khăn. Với thời đại công nghệ 4.0, mạng thông tin điện tử rất nhiều kênh khác nhau; kênh tốt nhiều, xấu cũng nhiều sẽ làm “nhiễu thông tin” chính thống. Trong khi công tác Tuyên giáo và tuyên truyền tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chính trọng tâm, thường xuyên là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân nắm rõ và đồng lòng cùng thực hiện. Thực trạng hiện nay và trong thời kỳ nào cũng vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… ra sức chống phá ta một cách toàn diện, trong đó có phương thức tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin hoặc thừa thông tin “nhảm” dễ bị mất phương hướng, hoang mang trước những luận điệu xuyên tạc, dễ bị lợi dụng, kích động và bị lôi kéo làm những việc gây tổn thất cho kinh tế, an ninh trật tự đất nước và hình ảnh của người Việt Nam. Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, công tác Tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, đem lại niềm tin cho Nhân dân. Đặc biệt Người cũng nhấn mạnh việc làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”. Nếu“nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”(10). Bài nói chuyện tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi – 31/8/1963, Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể để đồng bào dễ hiểu, các chú lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con(11). Để giải thích cuộc kháng chiến ngắn hay dài, Bác cầm một cái gậy, Bác hỏi dài hay ngắn. Có người bảo dài, có người bảo ngắn. Bác nói dài hay ngắn là tùy từng người. Cuộc kháng chiến dài hay ngắn tùy thuộc nhân dân ta, tùy thuộc ở tất cả mọi người, nhân dân đoàn kết, cán bộ gương mẫu, gần dân, hướng dẫn nhân dân kháng chiến thì kháng chiến sẽ không dài. Những câu chuyện của Bác hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, lý luận thì ngắn gọn, cô đọng, còn thực tiễn thì sinh động, dễ hiểu nên đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

    Với tinh thần đó, những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã, đang và luôn cố gắng phấn đấu thật tốt, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trau dồi chuyên môn để góp phần vào sự thành công trong sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng. 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta càng nhớ Bác Hồ, càng nhớ sâu sắc những quan điểm, lời dạy của Bác về công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo. Những lời dạy ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

    Trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng ta, công tác Tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua từng thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhất là những thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành Tuyên giáo. Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo 91 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành theo mỗi bước đi lên của sự nghiệp cách mạng; luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phải luôn Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Sáng tạo và Hiệu quả”; xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Thành Hùng

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.128, 129.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.128.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.162-163.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr131.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr128.

(8) Trích trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26-6 đến 9-7-1947.

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr138

(10) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.137.

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.138



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 101
  • Hôm nay: 12381
  • Trong tuần: 93,921
  • Tất cả: 11,538,477