Lượt xem: 7113

Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021): Nhớ lời Bác dạy người thầy “Phải chú ý cả tài, cả đức”

Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” đã từng là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (1910), thầy Vương ở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (1925-1927) do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tổ chức, ở nhiều lớp huấn luyện cách mạng khác trong và ngoài nước. Người là thầy giáo dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó (1941) “học chữ để làm người cách mạng”. Sau này, Người thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, bình dân học vụ, các trường phổ thông, đại học, các lớp bồi dưỡng giáo viên… Người đã khởi xướng phong trào “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) của ngành Giáo dục. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào quan tâm đặc biệt đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong 23 bài nói chuyện và thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục có nhiều bài nói tới vai trò của giáo viên và hầu như bức thư nào Người cũng dạy người thầy “Phải chú ý cả tài cả đức”.

 


Bác Hồ nói chuyện với lớp học chính trị dành cho 800 giáo viên  tình nguyện đi dạy ở các trường miền núi (Hà Nội, ngày 22/9/1959).

 

    Xuất phát từ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, vị trí, vai trò của người thầy luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng. Phát biểu tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Người đã khẳng định: “Giáo viên là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất vẻ vang”(1). Khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(2). Giá trị, tầm quan trọng của người thầy được thể hiện trong câu nói rất đỗi bình dị của Hồ Chí Minh: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”(3).

    Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài. Đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời. Theo Bác, trong mối quan hệ tương hỗ đức và tài thì “đức phải có trước tài”, đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người giáo viên. Tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Bác nhắc nhở: “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”. Đức là cái gốc giúp người cán bộ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Cũng trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị này của giáo viên, Người nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”(5).

    Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”(6). Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Sách Tam tự kinh có câu: “Giáo bất nghiêm/ sư chi đọa - giáo dục không nghiêm là lỗi ở thầy giáo”(7). Người cũng chỉ rõ: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu(8). Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”(9). Người cũng không quên vinh danh đội ngũ giáo viên bình dân học vụ, những người đã “mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”(10) khi giành được chính quyền năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để giáo dục học sinh thì người giáo viên trước hết phải gương mẫu, tận tâm với trẻ, với nghề bởi đây là cơ sở, động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”(11). Yêu trò - là phải tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của học trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”(12). Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”(13). Đây là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, chung sức đồng lòng vì tương lai của con em ta, dân tộc ta.

    Người nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(14). Có thể nói, đạo đức là nền tảng quan trọng vậy nên trong giáo dục mặc dù giáo viên vẫn còn thiếu nhưng để bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo và vì lợi ích lâu dài của sự nghiệp trồng người, Đảng ta kiên quyết yêu cầu: “Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng”(15). Đây là quan điểm rất quan trọng khi tuyển chọn và bố trí cán bộ nói chung và nhà giáo nói riêng.

    Ngược lại, có đức mà không có tài “thì làm việc gì cũng khó”. Học trò trước hết là sản phẩm của thầy giáo. Học trò “ngồi nhầm lớp” được xem có cội nguồn từ việc thầy “đứng nhầm lớp”, thực trạng đó không chỉ gây nên bức xúc cho ngành giáo dục mà còn làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với người thầy giáo, với ngành nghề vốn dĩ được coi là cao quý nhất. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Về thăm thầy và trò Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tháng 9-1949 tại Thái Nguyên (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Người đã đặt bút ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(16). Theo Bác, học ở đây không phải là làm quan to, quan nhỏ mà là học để có tri thức, học để có đạo đức cách mạng, “học để làm việc”, để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình và làm giàu cho xã hội.  Đây không chỉ là một trong những đặc thù của người trí thức, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó còn là nhiệm vụ hàng đầu của trí thức, của nhà giáo - “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(17).

    Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác - Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó”(18). Trong giáo dục, Người nhắc nhở các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục, phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, bởi vì: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”(19). Tài của người giáo viên còn thể hiện ở chỗ linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy không được phép “câu nệ”, “hình thức”, “nhồi sọ” mà phải biết “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và “việc cốt yếu là phải làm cho học sinh thấu hiểu vấn đề”. Tài của thầy giáo còn thể hiện ở khả năng biên soạn giáo án, tài liệu, cập nhật tài liệu học tập, hiểu biết sâu sắc người học. Đây là năng lực quan trọng, nhờ có sự gia công về mặt sư phạm mà nội dung tri thức, bài học được chuyển tải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, kinh nghiệm của người học và tri thức được mang tính mới mẻ, hiện đại.


Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964

 

    Giữa những ngày kháng chiến chống đế quốc Mỹ gian khổ, ngày 16/10/1968, Người đã gửi thư cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới; đây là bức thư cuối cùng của Người gửi cho ngành Giáo dục. Trong thư, Bác dặn dò nhiều điều đối với nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới” và Người giao nhiệm vụ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”(20). Dạy tốt phải đi đôi với học tốt. Làm được hai việc này thì giáo dục nhất định bảo đảm được chất lượng.

    Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, và động viên sự giúp đỡ của các gia đình, các bậc phụ huynh: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”(21).

    Khắc ghi lời Bác dặn, kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nguồn lực giáo dục, đào tạo trước hết là nguồn lực con người, trong đó thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nguồn lực quan trọng nhất. Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 11/12/1998 đã ghi rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện có đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(22).

    Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh… Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

    Lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức” cách đây đã 62 năm, nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị, thiết thực đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”. Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tạo điều kiện tốt để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của mình. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác việc phát huy vai trò to lớn của người thầy sẽ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công, để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng của Người, mỗi thầy giáo, cô giáo cần luôn có ý thức rèn đức, luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, yêu nghề, yêu người, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay. Tự mình phấn đấu trở thành nhà giáo tốt, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”./.

Anh Võ

----------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, T9, tr.489; (2) Sđd-T11, tr.331; (3) Sđd-T8, tr.184; (4)Sđd-T11, tr.332; (5) Sđd-T12, tr.270; (18) Sđd-T6, tr. 356.

(6). Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2000, tr.492; (8) Sđd-T9, tr429; (21) Sđd-T10, tr.191.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011, t.1, tr.284;  (17) Sđd-T5, tr.292;

(10) Hồ Chí Minh về vấn đề Giáo dục, T4 (2001), tr.220; (11) Sđd-T11, tr.329-330; (12) Sđd-T7 (1996), tr.561-562;

(13) Hồ Chí Minh, Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới. Báo Nhân Dân, số 5299, ngày 16/10/1968.

(14). Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Đại học sư phạm, Ngày 21/10/1964.

(15)  Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(16) Hồ Chí Minh, ghi trong trang đầu sổ vàng truyền thống của trường, khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đóng ở Thái Nguyên, ngày 14/9/1949.

(19) Hồ Chí Minh, Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 16/10/1968.

(20)  Hồ Chí Minh, Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng - nhân dịp các trường bước vào năm học mới, ngày 31/10/1955.

(22) Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.77.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 1962
  • Trong tuần: 83,502
  • Tất cả: 11,528,058