Lượt xem: 4687

Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng qua các kỳ đại hội

Từ những năm 1930 - 1931, tỉnh Sóc Trăng đã có những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên. Đến cuối năm 1938, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng được thành lập. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã trải qua 13 kỳ Đại hội. Mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ qua từng chặng đường lịch sử.

    1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ I, họp vào tháng 2/1950, tại trường Văn Chính ở Kinh Xáng Cụt, làng Mỹ Phước, quận Châu Thành (nay là huyện Mỹ Tú). Đại hội thông qua báo cáo chính trị, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, triển khai Nghị quyết của cấp trên về “Tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công” và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 16 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 6 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Dương (Năm Dương) được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Chiêu được bầu làm Phó Bí thư.

    2. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ II, họp vào tháng 11/1951, tại đình Phương Phú, xã Phương Phú, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Đại hội thảo luận báo cáo chính trị, thông qua nghị quyết nhiệm kỳ II, với các mặt công tác chính như:

    - Không ngừng củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc.

    - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh công tá địch ngụy vận.

    - Hoàn thành việc tạm cấp, tạm giao ruộng đất cho nông dân vào cuối năm 1952.

    - Tiếp tục đẩy mạnh phong trào chống giặc dốt, xây dựng đời sống mới.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 6 đồng chí, đồng chí Ngô Tám được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Chiêu được bầu làm Phó Bí thư.

    3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ III, họp từ ngày 6 đến ngày 8/11/1953, tại xóm Xẻo Chích, xã Hương Quới, huyện Châu Thành (nay thuộc xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm). Đại hội kiểm điểm, đánh giá tình hình nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tập trung thực hiện chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 của tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 22 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Ngô Tám được tiếp tục bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Đức được bầu làm Phó Bí thư.

    Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do hoàn cảnh lịch sử, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng không tổ chức được đại hội, chỉ tổ chức các cuộc hội nghị kiểm điểm đánh giá tình hình, đề ra chủ trương, triển khai các nghị quyết, cấp trên chỉ định, điều động, bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ  Đảng bộ tỉnh.

    Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 21/2/1976 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra Nghị định số 31/NĐ qui định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang. Từ năm 1976 đến cuối năm 1991 Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có 4 lần đại hội.

    4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ I, được tiến hành 2 vòng:

    - Vòng 1: Họp từ ngày 10 đến ngày 20/11/1976 tại thành phố Cần Thơ. Có 370 đại biểu, đại diện gần 01 vạn đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội nghiên cứu đóng góp ý kiến bản đề cương báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng sửa đổi và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV gồm 16 đồng chí chính thức và 02 đồng chí dự khuyết.

    - Vòng 2: Họp từ ngày 28/3 đến ngày 13/4/1977 tại thành phố Cần Thơ. Có 340 đại biểu từ 18 Đảng bộ huyện, thị, thành và tương đương, đại diện gần 01 vạn đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội kiểm điểm tình hình phong trào cách mạng Hậu Giang từ sau ngày giải phóng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 ủy viên chính thức, 04 ủy viên dự khuyết, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Phước Thọ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Thanh Nhàn và đồng chí Trần Minh Sơn được bầu làm Phó Bí thư.

    5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ II, được tiến hành từ ngày 27 đến ngày 29/10/1980, tại thành phố Cần Thơ. Có 489 đại biểu, đại diện hơn 01 vạn đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu 2 năm 1981 - 1982 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết, Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, đồng chí Vũ Đình Liệu(Tư Bình), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư, các đồng chí: Lê Phước Thọ, Lê Thanh Nhàn, Trần Minh Sơn được bầu làm Phó Bí thư.

    6. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ III, được tiến hành 2 vòng: vòng 1 từ ngày 16 đến ngày 17/3/1983, vòng 2 từ ngày 22 đến ngày 24/3/1983. Có 496 đại biểu từ 19 Đảng bộ huyện, thị, thành và tương đương, đại diện hơn 12.000 đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội đề nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ (1983 - 1985), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí, đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Thanh Nhàn (Ba Râu) và đồng chí Trần Minh Sơn được bầu làm Phó Bí thư.

    7. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ IV, được tiến hành từ ngày 21 đến ngày 24/10/1986 tại thành phố Cần Thơ. Có 300 đại biểu từ 20 Đảng bộ, huyện, thị, thành và tương đương, đại diện 19.407 đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ , mục tiêu cho nhiệm kỳ 1986 - 1990 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 ủy viên chính thức và 15 ủy viên dự khuyết, Ban Thường vụ gồm 16 đồng chí, đồng chí Lê Thanh Nhàn (Ba Râu) được bầu làm Bí thư, các đồng chí: Trần Minh Sơn, Phạm Văn Khoa (Nguyễn Hà Phan) và Tô Bửu Giám (Năm Giám) được bầu làm Phó Bí thư.

     Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI gồm 18 đồng chí.

    Thi hành quyết định của kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII (ngày 26/12/1991) tỉnh Hậu Giang được tách ra thành 2 tỉnh: Sóc Trăng và Cần Thơ. Để giữ vững và nối tiếp truyền thống cách mạng của tỉnh Sóc Trăng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng vào tháng 9/1992 quyết định xem 4 lần đại hội của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng là 4 lần Đại hội của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng và được xếp thứ tự tiếp theo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ III vào năm 1953. Như vậy Đại hội đại biểu Đảng bộ Sóc Sóc Trăng vào tháng 9/1992 là đại hội lần thứ VIII.

    8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ VIII, được tiến hành từ ngày 10 đến ngày 12/9/1992 tại Hội trường Tỉnh ủy Sóc Trăng. Có 194 đại biểu từ 11 Đảng bộ huyện, thị và tương đương, đại diện 8.889 đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Với tinh thần: Trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, đại hội thông qua báo cáo của Ban Chấp hành lâm thời về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội từ sau khi tái lập tỉnh và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1992 - 1996 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Trần Văn Vụ (Sáu Vụ) được bầu làm Bí thư, đồng chí Tạ Quang Chài (Bảy Chài) và đồng chí Lê Thanh Bình (Sáu Bình) được bầu làm Phó Bí thư.

    9. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX, được tiến hành từ ngày 8 đến ngày 10/5/1996 tại Hội trường Tỉnh ủy Sóc Trăng. Có 350 đại biểu từ 11 Đảng bộ huyện, thị và tương đương, đại diện 10.523 đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Với tinh thần: Khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân, đại hội thông qua báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ (1996 – 2000) là: Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo ra sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội; kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới; tăng cường khối đại đoàn kết tòan dân.  

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, đồng chí Trần Văn Vụ (Sáu Vụ), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên và đồng chí Mai Hồng Thái (Tư Thái) được bầu làm Phó Bí thư.

    Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII gồm 13 đồng chí.

    10. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, được tiến hành từ ngày 30/01 đến ngày 02/02/2001 tại Hội trường Tỉnh ủy Sóc Trăng. Có 300 đại biểu từ 11 Đảng bộ huyện, thị và tương đương, đại diện gần 15.000 đảng viên của Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ cơ bản của tỉnh: Phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ba Bình) được bầu làm Phó Bí thư.

    Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  IX gồm 12 đồng chí.

    11. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XI, được tiến hành từ ngày 06 đến ngày 08/12/2005 tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Có 299 đại biểu từ 13 Đảng bộ huyện, thị và tương đương, đại diện cho hơn 19.300 đảng viên trong tỉnh về dự đại hội. Đại hội đã thông qua nghị báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ X, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 5 năm (2006 - 2010) là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, sớm đưa tỉnh nhà ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo. Cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống bằng với mức bình quân của cả nước. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Nâng cao dân trí, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 49 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ba Bình) được bầu làm Bí thư, đồng chí Võ Minh Chiến (Tư Chiến)và đồng chí Huỳnh Thành Hiệp (Tư Hiệp) được bầu làm Phó Bí thư.

    Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  X gồm 12 đồng chí chính thức và 01 đồng chí dự khuyết.

    12. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, được tiến hành trong 2 ngày 17 và 18/9/2010 tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Có 350 đại diện cho các chi, đảng bộ trong tỉnh về dự đại hội. Đại hội đã thông qua nghị báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XI, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 5 năm (2010 - 2015) là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết của các dân tộc và phát huy mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đi đôi với nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác cải cách hàng chính, công tác tôn giáo, dân tộc. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước”.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 55 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Võ Minh Chiến (Tư Chiến) được bầu làm Bí thư. Các đồng chí Lê Thành Quân (Ba Quân), Nguyễn Trung Hiếu (Ba Hiếu) và Nguyễn Đức Kiên được bầu làm Phó Bí thư.  

    Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  X gồm 14 đồng chí chính thức và 02 đồng chí dự khuyết.

    13. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, được tiến hành trong 3 ngày 27 và 29/10/2015 tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Có 347 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 37.000 đảng viên trong tỉnh về dự đại hội. Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển”, đại hội tập trung thảo luận dự thảo báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII trình đại hội, với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Sóc Trăng thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

    Tại Đại hội, Bộ Chính trị trao quyết định về việc điều động, phân công đồng chí Nguyễn Văn Thể (Sáu Thể), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 53 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Các đồng chí Nguyễn Trung Hiếu (Ba Hiếu), Huỳnh Văn Sum (Tám Sum) và Lâm Văn Mẫn được bầu làm Phó Bí thư. 

    Đại hội bầu Đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  X gồm 16 đồng chí chính thức và 02 đồng chí dự khuyết.

Thanh Hà



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 7742
  • Trong tuần: 95,596
  • Tất cả: 11,583,043