Lượt xem: 4635

Tấm gương các nhà giáo tiêu biểu cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, trường lớp khang trang, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên… Có được thay đổi đó là sự đóng góp nỗ lực của từng cán bộ, giáo viên đã luôn vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp bằng tấm lòng yêu nghề, mong muốn được cống hiến cho giáo dục với tình thần tất cả vì học sinh thân yêu.

    * Tâm huyết với nghề của một cô giáo mầm non

    Đến Trường Mẫu giáo Long Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú nhắc đến cô Nguyễn Thanh Thùy mọi người đều dành lời khen cho cô là một cô giáo tâm huyết, giỏi nghề, hết lòng yêu thương trẻ nhỏ và luôn được phụ huynh yêu quý.


Cô Thùy cùng các em học sinh.(ảnh chụp trước khi dịch bệnh xảy ra). Ảnh: H.NHƯ

 

    Tốt nghiệp năm 2008, cô về công tác tại Trường Mầm non thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung được 3 năm. Đến năm 2011 thì chuyển công tác về Trường Mẫu giáo Long Đức cho đến nay. Được biết, năm đầu tiên về trường cô Thùy được phân công dạy học ở điểm lẻ với cơ sở vật chất thiếu thốn, không có phòng học phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng. Cô phải tự trang bị đồ chơi, tự làm đồ dùng dạy học, đến từng nhà phụ huynh vận động học sinh ra lớp. Thời điểm đó, đường đi lại còn khó khăn và cũng chưa có lộ giao thông thuận tiện để đến điểm lẻ dạy học, hàng ngày cô phải đi bộ một đoạn đường dài để đến lớp, đưa đón để các em đến lớp được an toàn, vui chơi và học tập.

    Cô Thùy chia sẻ: “Trong ngần ấy thời gian gắn bó với nghề, tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng thì điều quan trọng nhất phải trau dồi là đạo đức nghề nghiệp, phải chịu khó và phải yêu thương trẻ nhỏ, vì ở lứa tuổi mầm non các bé đều rất hiếu động, tinh nghịch, nên mình cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức để dạy dỗ các bé”.

    Trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, cô Thùy luôn thực hiện tốt quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; có kế hoạch lồng ghép các chuyên đề giáo dục vào các hoạt động học và chơi của trẻ một cách phù hợp, cũng như thường xuyên thay đổi cách trang trí lớp theo từng chủ đề, các góc mở và khuyến khích trẻ cùng hợp tác… Đặc biệt, cô còn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, chủ động khai thác có hiệu quả các thiết bị dạy học hỗ trợ đã được cấp như đàn, tivi, đầu đĩa và các đồ dùng để hoạt động học và chơi luôn sinh động, lôi cuốn trẻ tham gia. Kết quả, các lớp do cô phụ trách đều duy trì tốt sĩ số, các bé được phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.

    Ngoài công tác giảng dạy, cô còn tìm hiểu hoàn cảnh của các bé để hiểu được từng học sinh của mình như thế nào, từ đó có những phương pháp giáo dục phù hợp cũng như giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn kịp thời. Trong khả năng của mình, cô thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mua đồng phục, đồ dùng học tập cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

    Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn trường, cô Thùy còn tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho cán bộ, đoàn viên công đoàn thông qua các hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Công đoàn ngành phát động; cũng như quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho công đoàn viên và kịp thời thăm hỏi, động viên đoàn viên công đoàn gặp khó khăn, đau ốm… Kết quả hàng năm, Công đoàn trường được khen tặng thành tích từ hoàn thành tốt nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

    13 năm gắn bó với nghề, cô Thùy đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen; trong đó có Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của UBND tỉnh và 10 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

    * Người thầy vươn lên từ khó khăn

    Đó là thầy Trần Kim Cưng – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu.

    Xuất thân trong một gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cậu học trò tên Cưng luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà giáo. Trong suốt những năm đi học, thầy phải xin nương tựa ở chùa để giảm bớt phần nào chi phí cho gia đình. Và bằng sự nỗ lực, ý chí vượt khó, năm 2010, thầy đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh.


Thầy Cưng hỗ trợ nhà trường về mặt kỹ thuật khi tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh: H.NHƯ

 

    Sau khi ra trường, thầy Cưng mong muốn được trở về phục vụ cho quê hương, nơi thầy sinh ra và lớn lên. Cũng trong năm 2010, thầy được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Lai Hòa 4 từ đó cho đến nay. Công tác ở vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng thầy luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã học để truyền đạt lại cho các em. Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, thầy Cưng bộc bạch: “Tuy cuộc sống khó khăn vì đồng lương lúc bấy giờ còn thấp, nhưng bao nhiêu nhiệt huyết tuổi trẻ tôi dồn hết vào từng trang giáo án, mang đến cho các em những tiết học sôi động, tích cực, để các em thêm yêu môn học ngoại ngữ”.

    Với niềm đam mê và tâm huyết với nghề, thầy luôn tạo nên những giờ học tiếng Anh thu hút các em học sinh, qua đó tỉ lệ học sinh học tốt môn Tiếng Anh của trường được nâng lên đáng kể. Với những kinh nghiệm trong giảng dạy, thầy được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu phân công làm Cụm trưởng chuyên môn, môn Tiếng Anh; qua đó thầy đã đưa ra nhiều giải pháp và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy với các đồng nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, thầy còn dành thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia thi IOE Tiếng Anh qua internet cấp tiểu học và đã đạt được nhiều giải cao tại cuộc thi cấp thị xã. Còn đối với học sinh chậm tiến bộ, thầy luôn có kế hoạch phụ đạo riêng, hình thành cho các em có ý thức tự giác trong học tập ở trường cũng như ở nhà, thường xuyên quan tâm theo dõi sâu sát từng em để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh, tạo nên tâm lý phấn khởi cho học sinh trong học tập. Riêng năm 2021, thầy còn được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm giáo viên cốt cán bộ môn Tiếng Anh cấp tiểu học của tỉnh và sẽ làm công tác hỗ trợ, giúp đỡ các giáo viên khác khi tham gia tập huấn đại trà Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn Tiếng Anh trong thời gian tới.

    Nhiều năm học qua, thầy được phân công phụ trách công nghệ thông tin của trường, bên cạnh đó thầy luôn hỗ trợ hết mình cho các đồng nghiệp trong việc soạn giảng giáo án điện tử, khai thác các phần mềm nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy. Điều này càng thiết thực hơn trước tác động của COVID-19 đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực giáo dục. Vừa qua, thầy Cưng đã hỗ trợ nhà trường về mặt kỹ thuật khi tổ chức dạy học trực tuyến, giúp hoạt động dạy và học của nhà trường trên môi trường mạng được ổn định.

    Được biết, bên cạnh công tác giảng dạy, thầy Cưng còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân thầy cũng không ngừng tự học, trau dồi kiến thức, để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tích cực vận động các thành viên trong tổ tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác  Hồ qua các chuyên đề hằng năm, phấn đấu để mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo.

    Hơn 10 năm đứng lớp, thầy luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với những thành tích đạt được, nhiều năm liền thầy được UBND tỉnh tặng Bằng khen và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ khen tặng “Đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

    Với lòng tận tụy, tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người” thầy Cưng, cô Thùy vinh dự là hai giáo viên tiêu biểu của ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và tuyên dương là cán bộ, nhà giáo tiêu biểu của năm 2021 nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

    Dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; là sự tận tụy, thầm lặng cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.

H.NHƯ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 117
  • Hôm nay: 6331
  • Trong tuần: 92,778
  • Tất cả: 11,079,994