Lượt xem: 869

Chi hội trưởng Cựu chiến binh làm giàu từ cây sầu riêng

Trở về với cuộc sống đời thường, những người chiến sỹ năm xưa vẫn luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình với nhiều cách mà hay, sáng tạo và trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình trồng sầu riêng của hội viên Cựu chiến binh Võ Văn Dũng ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách là một trong những điển hình tiêu biểu đó.

    Vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn 20.000m2 trồng cây sầu riêng xen kẽ với 2.000 gốc hạnh (quất) của gia đình tại ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Chi hội trưởng Cựu chiến binh Võ Văn Dũng cho biết: Ông sinh năm 1964 tại ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa - vùng căn cứ cách mạng của Huyện ủy Kế Sách trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cũng như những thanh niên khác ở địa phương lúc bấy giờ khi hai đầu biên giới có chiến tranh, tháng 9/1982, khi vừa tròn 18 tuổi ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào quân đội. Sau thời gian huấn luyện tại Sư đoàn 868 ở căn cứ Đồng Tâm, tỉnh Tiền Giang, ông được điều sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia và tham gia chiến đấu trong đội hình Đại đội Thông tin, Đoàn 9902, Mặt trận 979. Đến cuối năm 1985, ông được phục viên trở về quê nhà. Thời gian đầu trở về với cuộc sống đời thường và ra ở riêng, vợ chồng ông được cha mẹ cho 2 công đất vườn trồng cam, quýt, kết hợp với nuôi heo để lo cho cuộc sống gia đình. Mặc dù vợ chồng ông bỏ ra bao công sức cải tạo, chăm sóc nhưng do thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, nhất là việc tiêu úng cho cây cam vào mùa mưa nên sản lượng bấp bênh năm được, năm thất, vì thế mà cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn khi gia đình có thêm những thành viên mới.


Cựu chiến binh Võ Văn Dũng (thứ nhất từ trái sang) đang phổ biên kinh nghiệm nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Ảnh: Bùi Mạnh Điệp

 

    Với bản chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết không chùn bước trước khó khăn, ông quyết định vay mượn gia đình, bạn bè để thuê máy móc cải tạo lại vườn, mở rộng chuồng trại, kết hợp nấu rượu và nuôi heo. Để giải quyết khó khăn trước mắt, tăng thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, ngoài thời gian chăm sóc vườn cam và đàn heo, ông còn tranh thủ đi làm thuê; những khi nông nhàn ông đi tham quan học hỏi kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái, tìm hiểu các thương lái thu mua để tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản của gia đình, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Với bản chất cần cù, chịu khó và biết tiết kiệm trong chi tiêu, nên chỉ một thời gian sau ông đã trả xong số tiền đầu tư và có tích lũy một phần đáng kể để mua thêm được 18 công đất vườn, nâng tổng số lên 20 công (2ha) và vẫn còn một số vốn để tái sản xuất và lo cho con ăn học.

    Năm 2017, nhận thấy người dân ở địa phương sống chủ yếu bằng nghề truyền thống là hầm than và trồng các loại cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nên sau khi nghiên cứu, tìm hiểu ông đã mạnh dạn đầu tư cải tạo toàn bộ 2ha vườn trồng 200 cây sầu riêng giống Dona. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, ông chọn giống rất cẩn thận, đáp ứng tiêu chí trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon được thị trường ưa chuộng, tuổi thọ cây đạt từ 30 năm tuổi. Để tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì ngoài việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, ông còn tự học hỏi và nắm vững các quy trình chăm sóc khác như tỉa cành, tỉa bông, kỹ thuật thụ phấn cho bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc... Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho cây sầu riêng cũng rất quan trọng nên ông đã đầu tư công nghệ tưới bằng vòi phun tiết kiệm nước để duy trì độ ẩm ổn định cho vườn cây. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong thời kỳ ra hoa, đậu quả của cây sầu riêng, quyết định năng suất vườn cây, đồng thời giảm thiểu công lao động. Ngoài ra, ông còn đặc biệt chú trọng đến nguồn phân chuồng hữu cơ để bổ sung mùn tự nhiên, trả lại độ phì nhiêu của đất canh tác nhiều năm.

    Để lấy ngắn nuôi dài, ông còn trồng xen 2.000 gốc hạnh và 200 gốc mận chuẩn bị cho thu hoạch; riêng cây hạnh đang cho thu hoạch, với giá 10.000 đồng như hiện nay thì mỗi ngày cũng cho thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng, giúp ông đủ để chi phí phân bón và sinh hoạt gia đình ở vùng nông thôn. Ngoài ra, vợ chồng ông còn đầu tư cải tạo hệ thống chuồng heo, nuôi 10 hầm lươn thương phẩm với trên 20.000 con giống, mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn lươn thịt, cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Ông Dũng cho biết, vườn sầu riêng của gia đình ông năm nay là năm thứ 2 cho thu hoạch, ước tính sản lượng khoảng trên 12 tấn. Với giá bán bình quân 60.000 đồng/kg thì năm nay vườn sầu riêng sẽ mang lại doanh thu khoảng trên 700 triệu đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận thu được là không dưới 500 triệu đồng.

    Nhờ chịu khó, không cam chịu đói nghèo, luôn phấn đấu vươn lên, đến nay gia đình ông Võ Văn Dũng đã có cuộc sống khá giả. Nhà cửa tuy chưa được khang trang, nhưng với những tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ, con cái được ăn học trưởng thành và có cuộc sống gia đình riêng ổn định đã là niềm mơ ước của rất nhiều hội viên Cựu chiến binh khác ở vùng nông thôn Xuân Hòa nói riêng, các vùng nông thông trong tỉnh nói chung.

    Song song với làm kinh tế, với vai trò là một đảng viên, là Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp, ông Võ Văn Dũng còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Với bản tính vui vẻ, hòa đồng, ông còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ mọi người trong ấp, trong xã. Từ học tập mô hình của gia đình ông, Chi hội Cựu chiến binh ấp Hòa Quới đã có thêm 5 hội viên Cựu chiến binh áp dụng mô hình và bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

    Dù đã ở tuổi 60 và cuộc sống gia đình đã khá giả, nhưng ông Võ Văn Dũng vẫn say mê lao động, gắn bó với vườn sầu riêng. Mỗi ngày, ông Dũng đều dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc vườn cây. Ông Dũng cho biết, là người lính “Bộ đội Cụ Hồ” còn sức khỏe, còn “chiến đấu” thì còn lao động để nâng cao kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. “Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục cùng với anh em hội viên Cựu chiến binh phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình trồng cây sầu riêng đang thuận lợi và đạt hiệu quả khá cao, gia đình tiếp tục tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, đủ phẩm chất để bán ra thị trường”, ông Võ Văn Dũng chia sẻ.

    Đánh giá về mô hình của gia đình Cựu chiến binh Võ Văn Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Hòa - Trần Văn Kha, cho biết: “Hội viên Cựu chiến binh Võ Văn Dũng không những là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương, mà còn là một Chi hội trưởng luôn tận tụy với công việc và hết lòng với công tác Hội, là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trong xã noi theo”.

    Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, Cựu chiến binh Võ Văn Dũng cũng như nhiều Cựu chiến binh ở tỉnh Sóc Trăng vẫn sát cánh bên mảnh vườn, thửa ruộng hăng say lao động, sản xuất để làm giàu cho gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần tiếp tục khẳng định vai trò, bản chất, truyền thống cao quý của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận lao động, sản xuất và cuộc sống trong hôm nay.

Bùi Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 96
  • Hôm nay: 7957
  • Trong tuần: 92,549
  • Tất cả: 12,559,203