Khó khăn không kể xiết
Thượng tá Nguyễn Văn Nam - nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên bãi cạn Phúc Tần năm 1989 - thuở ấy đeo hàm đại úy và được coi là “sói biển” của nhà giàn DK1 về mức độ chịu sóng gió và cũng là người “khai sinh” ra công trình trồng rau xanh ở nhà giàn DK1.
Nhà giàn DK1 vững vàng giữa khơi xa. Ảnh Mai Thắng
Mặc dù đã nghỉ hưu, không còn “vẫy vùng” với các “pháo đài thép” giữa đại dương, nhưng ký ức “trồng rau trên biển mặn” không phai mờ trong ông. “Chỉ có Việt Nam mới có cách trồng rau đặc biệt như thế. Trên nóng, dưới mặn, hanh khô quanh năm mà những mầm xanh cứ nảy mầm vươn dài là một trong những “chuyện lạ có thật”. Thành công của việc trồng rau tại các nhà giàn DK1 không chỉ khẳng định năng lực sống “nội sinh” cải tạo điều kiện sống, mà còn khẳng định dù ở môi trường khí hậu khắc nghiệt bộ đội nhà giàn DK1 vẫn chủ động làm chủ cuộc sống; đồng thời, giúp CBCS yên tâm bám biển thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đặc biệt ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”- cựu binh Nam chia sẻ.
Sau sự kiện CQ-1988 (Chủ quyền Trường Sa 1988), việc xây dựng các nhà giàn DK1 (nhà cao chân - tên gọi lúc đó) trên các bãi cạn ngoài thềm lục địa phía Nam được tiến hành khẩn trương. Theo tầm nhìn chiến lược của Đô đốc Hải quân - Thượng tướng Giáp Văn Cương (1988), việc xây dựng nhà giàn DK1 là yếu tố khách quan để bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, mà trực tiếp là bảo vệ các giàn khoan dầu khí (DK2) của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro hoạt động. Vì thế nó phải bảo đảm được hai yếu tố căn bản: Một là, bảo đảm độ vững chắc bền lâu và làm “tiêu” cho tàu thuyền nước ngoài qua lại. Hai là, sử dụng lực lượng bộ đội hải quân của Lữ đoàn 171 ra chốt giữ trên nhà giàn, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa thu thập khí tượng thủy văn và làm điểm tựa cho bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Với nhiệm vụ này, việc duy trì “cuộc sống tự sinh” của bộ đội là khách quan. Và đó cũng là “đòi hỏi” tất yếu của những vườn rau xanh ra đời để phục vụ nhu cầu bộ đội.
Giữa tháng 8 năm 1989, con tàu “lá tre” có biển số HQ-668 của Lữ đoàn 171 chở đoàn khảo sát vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần để thăm dò độ sóng, độ sâu của biển, xúc tiến cho việc xây dựng nhà giàn. Sau khi có số liệu khoa học, Bộ Chính trị giao cho Quân đội triển khai cho Quân chủng Hải quân cấp tốc dựng “nhà cao chân” trên bãi cạn Phúc Tần 3.
Tàu HQ-668 của Lữ đoàn 171 và tàu HQ-727 của Hải đoàn 129 Hải quân lần thứ hai vượt sóng ra khơi, cùng với tàu Trường Sa của Vietsovpetro đem theo chân đế nhà giàn và các vật liệu cần thiết để xây dựng. Sau thời gian chạy đua với sóng gió, “nhà cao chân” mang tên Phúc Tần 3 hiện diện giữa biển khơi. “Nhìn lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên sân thượng nhà giàn, anh em chúng tôi ôm nhau khóc vì sung sướng. Khóc vì quá gian khổ, xúc động vì chủ quyền Tổ quốc của mình được khẳng định và công bố với thế giơi rằng: Thềm lục địa phía Nam là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới ở nhà giàn Phúc Tần 3 với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nước ngọt chia từng ca, không có rau xanh phải ăn rau muống phơi khô, sóng gió khắc nghiệt. Tất cả anh em bị đau bóp bụng hoặc đi kiết do lâu ngày không có “chất xơ”. Làm gì để sinh tồn lâu dài tại nhà giàn? Lúc đó loé trong đầu tôi là trồng rau trên sóng. Tuy chưa hiểu trồng cách nào, đất ở đâu, lấy nước đâu mà tưới rau trong khi nước ngọt dè xẻn hằng ngày?”- cựu binh Nguyễn Văn Nam hồi tưởng lại.
Những “vườn treo Babylon” giữa đại dương
Ý tưởng “trồng rau trên sóng nhà giàn” được Đại úy Nguyễn Văn Nam đánh điện gửi về đất liền báo cáo Sở chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân. Lúc đầu, cán bộ Lữ đoàn còn do dự, một mặt phải xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, một mặt còn “hoài nghi” về “đề tài tự chế” của Đại úy Nam. Nhưng trước những trình bày có cơ sở khoa học, Chỉ huy Lữ đoàn 171 chấp thuận.
Cùng với chuyến tàu chở CBCS ra nhà giàn thay quân đổi kíp cho bộ đội về bờ là hàng chục bao tải đất mùn, khay gỗ và hạt giống theo tàu vượt sóng ra khơi. “Công cuộc trồng rau xanh trên sóng” tại nhà giàn Phúc Tần 3 bắt đầu. Việc đầu tiên là đổ từng bao đất vào khay (bồn làm bằng gỗ) đem phơi nắng. Cùng với đó là ngâm hạt giống rau mồng tơi và hạt giống rau muống trong nước ấm. “Lúc đó trồng rau ở nhà giàn như một cuộc thử nghiệm và không có hy vọng thành công, vì Phúc Tần 3 là nhà giàn làm kiểu boong-toong nửa nổi nửa chìm, chỉ cách mặt biển 7 m. Mùa sóng gió nước biển trùm lên sàn công tác. Tôi đổ hạt rau giống vào một cái bát, cho nước ấm vào, đem “giấu” trong kho gạo để tránh nhiễm mặn. 3 ngày sau, hạt rau muống nảy mầm, tôi đem rải lên bồn đất rồi lấp một lớp đất mỏng. Điều kỳ diệu đã đến, mầm rau muống đội đất chui lên. Nhìn những mầm xanh mà mừng rơi nước mắt. Tận dụng nước rửa mặt thải đem tưới rau. Tưởng “cuộc thử nghiệm” ấy thành công, song không ngờ qua một đêm sóng biển trùm lên sàn công tác, toàn bộ mầm rau bị uổng gốc chết hết. Thì ra rau nhiễm mặn bị thối gốc không sống được. Sóng gió ầm ầm, thổi bay các bồn rau xuống biển. Tháng 12/1989, nhà giàn Phúc Tần 3 bị cơn lúc nửa đêm đánh sập, cuốn xuống biển đêm 9 CBCS. Trong trận thủy thần này, 3 CBCS vĩnh viễn nằm lại biển khơi, “công cuộc trồng rau xanh trên sóng” cũng bị gián đoạn từ đấy”- cựu binh Nguyễn Văn Nam xúc động kể lại.
Sau “sự cố” nhà giàn Phúc Tần 3 bị đánh sập vì lốc tố lúc nửa đêm, các nhà giàn DK1 được được xây dựng mới. Đây là nhà giàn thế hệ thứ hai do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thiết kế và xây dựng. Đồng hành với các nhà giàn DK1 thế hệ thứ hai mọc giữa biển khơi là “công trình trồng rau trên sóng” được tái thực hiện. Nhà giàn thế hệ thứ hai có kết cấu chân đế cao, từ mặt biển lên sàn công tác 13 m. Mùa sóng gió, sóng lớn cấp 11, 12 cũng chưa lên đến sàn công tác nên yên tâm cho việc trồng rau. Để có đất trồng rau, trước ngày tàu đi biển, Tiểu đoàn DK1 cử sĩ quan đến tận huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua đất đỏ bazan đóng bao chuyển xuống tàu rồi vận chuyển ra nhà giàn. Những năm 1995 - 2009, phương tiện lên nhà giàn lúc đó chủ yếu bằng xuồng máy chứ chưa có cẩu ròng rọc như bây giờ. Mỗi lần thay quân, nếu mùa biển lặng, xuồng của tàu chở người và đất vào nhà giàn. Gặp mùa sóng gió, đất được bọc trong bao ni lông thả xuống biển để chiến sĩ trên giàn kéo lên, người bám theo dây bơi vào nhà giàn. Vì thả trôi dưới biển nên nhiều bao đất bị nhiễm mặn, khi kéo lên nhà giàn cũng không sử dụng được đành bỏ đi. Có chiến sĩ đã sáng tạo phơi đất cho bay hơi mặn, hoặc dùng nước vo gạo lọc mặn.
Chiến sĩ nhà giàn DK1 chăm sóc rau xanh. Ảnh Mai Thắng
Những ngày đầu tiên khi chưa có khay chất liệu composite như bây giờ, mọi xô, chậu thủng, thanh gỗ, thành giường hỏng được các chiến sĩ tận dụng đóng khuôn trồng rau. Trước khi gieo, hạt rau được ủ trong nước ấm cho nảy mầm. “Trồng rau xanh ngoài nhà giàn nâng niu từng li từng tí. Khi có gió lớn, phải bê bồn rau đi giấu chỗ kín kẻo bị gió tạt. Mùa bão tố, sóng dâng, phải che đậy hoặc vác lên trần nhà chống nhiễm mặn. Có đêm cả mười anh em chúng tôi ngồi bên bồn rau xanh thao thức, mừng rỡ” - cựu binh Nam kể lại.
Cho đến bây giờ hơn 35 năm kể từ ngày thành lập, 15 nhà giàn DK1 đều trồng được rau xanh. Những bồn rau đặc biệt ngoài những “pháo đài thép” như những “vườn treo Babylon” giữa nắng gió đại dương. Tuy rau không nhiều như đất liền, nhưng ngày nào cũng đủ nấu canh hai bữa trưa, chiều. Ngoài rau cải, rau mồng tơi, rau muống, các chiến sĩ còn biết trồng rau mầm - một loại rau mà ở đất liền trồng không phải dễ dàng.
Trung tá Phạm Văn Bảy là người có khiếu trồng rau mầm siêu sạch ở nhà giàn DK1/15, chia sẻ: “Khi câu được con cá tươi dưới biển, anh em ngồi quây quần quanh nồi lẩu, nhai miếng rau mầm mát ruột lắm. Mùa biển lặng trồng được nhiều, chúng tôi chia cho tàu trực. Tiểu đoàn khuyến khích các nhà giàn trồng rau mầm siêu sạch, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa nâng cao sức khỏe. Những vườn rau đặc biệt của lính DK1 được trồng ở nơi đặc biệt, đó là phần thưởng của thiên nhiên dành tặng cho những người làm nhiệm vụ đặc biệt”.
Mai Thắng