1. Tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương của “ý Đảng, lòng dân” nhằm đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới
Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta được hình thành từ năm 1945 đến nay cơ bản ổn định theo mô hình tổng thể gồm 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội), với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Với cơ chế này (có sự bổ sung, điều chỉnh trong từng giai đoạn cách mạng) đã phát huy trong thực tiễn, huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trở thành nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ đòi hỏi phát triển của đất nước, qua nhiều kỳ đại hội, nhất là các Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII, Đảng ta đều nhấn mạnh các nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW... đã xác định quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhờ đó, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 2 năm thực hiện Kết luận số 50-KL/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ,... Hệ quả của tình hình này là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hay triển khai còn hình thức, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển.
Xuất phát từ tình hình trên, việc tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là vấn đề có tính quy luật mà còn là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp đổi mới toàn diện, của thực tiễn cuộc sống hiện nay để đưa dân dộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, văn minh. Đây là một trong những “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, “rất cấp bách, bắt buộc phải làm”, dù “rất khó” nhưng “không thể chậm trễ hơn được nữa”, vì đây là chủ trương của “ý Đảng, lòng dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Mục tiêu của sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là xây dựng hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và phân quyền; giảm biên chế, tái bố trí nhân sự nhằm tiết kiệm chi ngân sách, đồng thời cải thiện rõ rệt chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không hề đơn giản, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm sức ép từ bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ, “an phận”, sợ khó, sợ trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng như những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự (sự xáo trộn về nhân sự, nhiều người mất việc, chuyển xuống vị trí việc làm thấp hơn, ...). Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, công chức. Điều này có thể dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan tổ chức sắp xếp lại có tâm lý lo lắng, bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, thậm chí gây khó khăn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị. Nhưng không vì khó khăn này mà chùn bước, không làm. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: "Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản và nhiều hướng dẫn thực hiện công tác này nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".
Do đó, ngoài quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và có cơ chế, chính sách hợp lý (nhất là về tài chính), các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm một số việc sau:
Thứ nhất, gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở, trong đó, “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu” đi đầu. Nếu cấp ủy nào, tổ chức đảng nào, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở cơ quan, tổ chức, địa phương nào còn chưa nhận thức đầy đủ, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, thậm chí tiêu cực trong thực hiện thì phải xem đó là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế không thể thực hiện vội vàng một sớm, một chiều và cũng không phải ai viết đơn tự nguyện xin nghỉ trước tuổi cũng đều được chấp nhận, mà cần xem xét từng trường hợp cụ thể trước khi giải quyết. Do đó, ngoài việc phát huy trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan quản lý đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải tăng cường, thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thống nhất ý chí và hành động, tự nguyện, tự giác thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có quyết tâm cao, vượt qua lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, thậm chí phải ít nhiều “hy sinh” quyền lợi cá nhân để đạt được lợi ích cao hơn cho Tổ quốc, cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ mà cản trở thực hiện chủ trương của Đảng.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc các chính sách của Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước dôi dư, mất việc làm do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hoặc những hỗ trợ thích hợp để đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công tác phù hợp để cán bộ, công chức an tâm công tác, cống hiến tài năng.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; kiểm điểm xem xét trách nhiệm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu (“không có vùng cấm”) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
2. Nhận diện, ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy lan truyền trên mạng xã hội
Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lan truyền nhiều thông tin xấu độc, quan điểm sai trái xuyên tạc chủ trương của Đảng ta về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên. Những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của chúng tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: (1) Xuyên tạc bản chất chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Chúng cho rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động của một số cơ quan ở Trung ương, tỉnh, huyện do không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới “chỉ là hình thức bề ngoài, thực chất vẫn chỉ là bình mới rượu cũ, tạo cơ hội chạy ghế, chạy chức, gây tốn kém tiền của của nhân dân”. Thậm chí chúng còn dựng chuyện “tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ, hạ bệ đối thủ”, rồi vu cáo rằng “tinh giản chẳng qua chỉ là cách hợp thức hóa để hạ bệ hoặc gia cố quyền lực trong hệ thống chính trị”. (2) Việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy chỉ nhằm mục đích “chia ghế”, “lợi ích nhóm”, là “đấu đá, thanh trừng phe cánh” … Một số cá nhân còn có quan điểm phiến diện rằng “việc tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc, là thiếu tính nhân văn, gây ra mất ổn định xã hội”, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức… (3) Các đối tượng phản động còn tiến hành livestream với tiêu đề thảo luận về chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước... từ đó, tiến hành lồng ghép thông tin xấu độc với thông tin chính thống hòng tạo ra sự nhiễu loạn, làm cho người dùng khó phân biệt đâu là “thật - giả”, “đúng - sai”. Thậm chí lấy danh nghĩa phản biện xã hội, đóng góp ý kiến cho Đảng, các đối tượng trên còn đưa ra các “phương án” hợp nhất tỉnh, thành phố, hợp nhất bộ, ban, ngành trái với phương án do cấp có thẩm quyền đưa ra, trong đó nêu những ý tưởng phản khoa học, mang tính kích động chống phá ...
Đó là những luận điệu vu cáo, cố tình bóp méo sự thật nhằm làm nhiễu thông tin, “tung hoả mù” gây hoang mang dư luận, tạo cớ chỉ trích, miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu phá hoại công cuộc đổi mới, phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, việc nhận diện, ngăn chặn và phản bác những âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động đối với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế hiện nay là cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện tốt điều này hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với nội dung, cách làm phù hợp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng lòng quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương có liên quan, nhờ đó mà mỗi người sẽ “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc. Kiên quyết đấu tranh, vạch trần, phản bác có hiệu quả những quan điểm mị dân, tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc chủ trương của Đảng trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Thứ hai, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội và phóng viên các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông phải bám cơ sở, kịp thời tuyên truyền, giải thích, làm rõ những băn khoăn, thắc mắc của công chức, viên chức, người lao động đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn bộ máy để mọi người thông suốt và đồng thuận với mục tiêu, lộ trình và phương pháp triển khai thực hiện nhằm “đề kháng” trước những mưu đồ thâm độc của các phần tử phản động.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân cần bản lĩnh, sáng suốt, cảnh giác khi tiếp cận những thông tin lan truyền trên các mạng xã hội, nhất là những trang mạng không chính thống để chọn lọc, nhận diện những quan điểm sai trái để tránh bị lôi kéo bởi các luận điệu xuyên tạc, thậm chí vô tình lan truyền những thông tin sai trái, chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin không rõ nguồn, xuất phát từ các ý kiến của những người mượn danh “phản biện”, “dân chủ”, tự xưng “nhà bất đồng chính kiến” để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thứ tư, chủ động nắm tình hình, dư luận xã hội, những thông tin bịa đặt với mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu nhằm đấu tranh phản bác kịp thời, ngăn chặn lan truyền các luận điệu sai trái trên các trang mạng xã hội từ sớm, từ xa. Tăng cường giao tiếp, đối thoại, giải thích trực tiếp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong suốt quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế.
Đẩy mạnh cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị các cấp không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay mà còn là đột phá chiến lược để đưa đất nước tiến xa hơn trên con đường phát triển toàn diện. Tuy đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức (không chỉ vì sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch mà còn bởi tác động đến con người, tâm lý và lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức), nhưng với sự quyết tâm của Đảng, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân chúng ta có quyền tin tưởng rằng: công cuộc cải cách rộng lớn và then chốt này sẽ thành công và tạo nền móng vững chắc để Việt Nam bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thịnh vượng và văn minh./.
Kiên Trung