Lượt xem: 54

Hiệu quả thiết thực từ chương trình khuyến công

Tập huấn nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... là hoạt động khuyến công mang lại hiệu quả thiết thực trong năm 2024, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển.

    Tiếp sức cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh

    Nếu không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại thì Công ty cổ phần Xây dựng thương mại chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Mỹ Thanh, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu phải mất 1 tiếng để loại bỏ tạp chất cho 1kg ruốc khô. Nhưng khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương) hỗ trợ máy tách màu ruốc khô, Công ty chỉ cần 1 tiếng có thể lọc tạp chất từ 50 - 200kg ruốc khô, giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Công ty được hỗ trợ máy sấy công nghiệp có thể tích buồng sấy 2.400 lít, giúp doanh nghiệp đạt năng suất 3.600kg ruốc sấy thành phẩm/tháng. Hiện các sản phẩm từ ruốc của Công ty có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước.


Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Nhờ sự tiếp sức từ chương trình khuyến công địa phương, hộ kinh doanh Sáu Trọng, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú mới có điều kiện tăng năng suất sản xuất lạp xưởng lên hơn 50% như hiện tại. Theo chị Cao Thị Ngọc Bích, đại diện hộ kinh doanh, trước đây để tạo ra lạp xưởng thành phẩm, nhiều công đoạn phải làm thủ công hoặc máy móc có công suất nhỏ, nên mỗi tháng gia đình chỉ sản xuất 260kg. Hiện tại, gia đình đầu tư mua mới các máy: Hút chân không, trộn thịt nguyên liệu và máy làm lạp xưởng có buộc đầu từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, năng suất tăng hơn 50% so với trước đây. Gia đình rất vui mừng và hy vọng trong thời gian tới hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phát triển ngày càng tốt hơn.

    Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh luôn được Sở, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đặc biệt chú trọng. Các hoạt động khuyến công từng bước được đổi mới, nâng cao hiệu quả, khẳng định là vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Từ đó, giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước mở rộng quy mô sản xuất, phát triển bền vững.

    Đồng chí Chung Chí Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Trong năm 2024, trên cơ sở phê duyệt của Ủy ban nân dân tỉnh, Trung tâm đã triển khai thực hiện 12 đề án (hoàn thành 100%) kế hoạch khuyến công địa phương, với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng, bao gồm: Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 1 tỷ 772 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp là trên 1 tỷ 476 triệu đồng. Qua đó, hỗ trợ 8 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giúp 60 cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao kỹ năng, trình độ quản lý kinh doanh, khai thác và sử dụng nguyên vật liệu một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm chất thải, hướng đến một nền sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ 10 cơ sở, doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 2 kỳ hội chợ ngoài tỉnh; hướng dẫn 18 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 hoàn chỉnh hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Kết quả có 10/18 sản phẩm, bộ sản phẩm được cấp giấy chứng nhận.

    Tiếp tục nâng cao chất lượng khuyến công

    Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024, khuyến công tỉnh Sóc Trăng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với Chương trình khuyến công quốc gia, đến nay Trung tâm chưa thể triển khai thực hiện đối với 3 đề án với tổng kinh phí trên 3 tỷ 240 triệu đồng, trong đó đề nghị kinh phí hỗ trợ là 1 tỷ 400 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 1 tỷ 840 triệu đồng nhưng do Bộ Tài chính chưa thống nhất với Bộ Công Thương để phân bổ dự toán kinh phí thực hiện, từ đó đã tác động đến kế hoạch khuyến công của tỉnh, cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

    Cùng với đó, kinh phí khuyến công địa phương chậm được phê duyệt, dẫn đến có 2 đơn vị xin ngừng thực hiện đề án vì bị động trong nguồn vốn đối ứng, qua thời cơ đầu tư phù hợp. Trung tâm đã tham mưu Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ngừng thực hiện các đề án này, làm hạn chế hiệu quả khuyến công địa phương.


Nhờ được sự tiếp sức từ nguồn khuyến công địa phương, công đoạn hút chân không túi lạp xưởng tại hộ kinh doanh Sáu Trọng, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú nhanh chóng, tiện lợi và đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tuy nhiều về số lượng nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, phân tán, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề truyền thống nên việc đầu tư sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Năng lực quản trị doanh nghiệp của cơ sở còn hạn chế, khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn đối ứng theo quy định của chương trình khuyến công. Trong khi nguồn vốn khuyến công quốc gia thường ưu tiên cho đề án nhóm, đề án điểm và các đề án đầu tư có quy mô tương đối lớn, vì vậy, các cơ sở quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh thường gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn…

    Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng khuyến công, đồng chí Chung Chí Trường cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thường xuyên rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khuyến công; đồng thời, chủ động tham mưu xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn, kế hoạch khuyến công hằng năm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, tình hình mới, điều kiện mới của địa phương và gắn liền với điều kiện phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, tập trung thực hiện hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị về hoạt động khuyến công.

    Bên cạnh đó, tăng cường khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, nhằm nâng cao năng lực làm công tác khuyến công cho cán bộ tại các xã, phường, thị trấn. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bảo đảm cân đối bố trí nguồn kinh phí khuyến công hằng năm, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công để triển khai một cách hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Hoàng Lan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1504
  • Trong tuần: 88,627
  • Tất cả: 14,130,896