Lượt xem: 273

Cựu chiến binh Dương Minh Trường làm giàu từ mô hình trồng cây vú sữa

Lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, cựu chiến binh (CCB) Dương Minh Trường ở ấp 1, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tạo được nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên trở thành hộ giàu ở địa phương.

    Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Dương Minh Trường vào một buổi sáng khi vợ chồng ông đang mải mê thu hoạch bầu, bí giao cho thương lái. Dáng người cao ráo, nhanh nhẹ, không ai nghĩ năm nay ông Trường đã chuẩn bị bước sang cái tuổi xưa nay hiếm (69 tuổi). Vui vẻ đón tiếp chúng tôi, ông Trường cho biết, khi vừa tròn 18 tuổi, ông tham gia lực lượng an ninh xã Trinh Phú, huyện Kế Sách cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương và lần lượt trải qua các chức vụ: Phó Công an xã, cán bộ tư pháp xã, bí thư chi bộ, Trưởng Công an rồi Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trinh Phú, đến năm 2000 ông nghỉ hưu theo chế độ. Trong suốt quá trình chiến đấu và công tác, dù ở bất cứ vị trí nào ông cũng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao, được nhân dân yêu mến, tin tưởng.


CCB Dương Văn Trường (thứ nhất từ trái sang) hướng dẫn tham quan vườn vú sữa.

 

    Khi nghỉ hưu trở về với cuộc sống đời thường, tài sản lớn nhất của vợ chồng ông là căn nhà lá và 2 công đất rẫy, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu nên cuộc sống ban đầu gặp không ít khó khăn. Ông bàn với gia đình bắt tay vào cải tạo 2 công đất rẫy để trồng đu đủ xen với ớt, bầu, bí các loại với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn giống, phương pháp chăm sóc nên lợi nhuận mang lại từ 2 công đất rẫy khá cao, hằng ngày đều có thu nhập, từ đó kinh tế gia đình ông ngày một nâng lên. Cần cù trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, mỗi năm ông mua thêm được 2 công đất và đến năm 2016 gia đình ông đã tích luỹ được 13 công đất, cộng với 2 công đất trước đây là 15 công (1,5 ha).

    Không bằng lòng với kết quả đạt được, ông Trường quyết định tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn trái trong huyện và chuyển đổi toàn bộ 1,5 ha diện tích vườn sang trồng nhãn da bò xen với chanh bông tím cũng nhằm mục đích “lấy ngắn nuôi dài”. Những kinh nghiệm tích lũy được trong các chuyến tham quan, học tập cộng với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Trinh Phú phù hợp, vườn chanh bông tím của ông liên tục trúng mùa, được giá, lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng rẫy trước đây. Riêng nhãn da bò là cây chủ lực thì mang lại hiệu quả không cao do bị bệnh chổi rồng, vì vậy ông đã thuê máy cuốc lên liếp, đầu tư mua máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và chuyển toàn bộ diện tích trồng nhãn da bò sang trồng 200 gốc vú sữa trên diện tích 8 công, 6 công trồng cóc, còn lại trồng mận hồng, sầu riêng xen kẽ với trên 500 gốc hạnh (quất). Mỗi loại cây được trồng riêng một khu, ở giữa có lối đi rộng để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch. Để vườn vú sữa tím và vú sữa bơ hồng phát triển tốt, bên cạnh việc dày công chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh, ông còn chủ động về cây giống nên mang lại năng suất, chất lượng cao. Khi cây vú sữa còn nhỏ, ông trồng bầu, bí, mướp, cà để có thu nhập hằng ngày, nói là thu nhập hằng ngày nhưng mỗi tháng thu nhập từ bầu, bí, mướp cũng trên dưới 30 triệu đồng, chưa kể mỗi tháng ông bán ra thị trường từ 2 - 3 tấn hạnh.

    Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật xử lý cho ra hoa nên vườn vú sữa của gia đình ông Trường không những đạt sản lượng cao mà chất lượng sản phẩm rất thơm ngon, được thị trường đón nhận, là địa chỉ quen thuộc của CCB trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm.

    Từ năm 2018 đến nay, vườn vú sữa tím và vú sữa bơ hồng của gia đình ông Trường cho năng suất bình quân từ 40 - 45 tấn trái/năm, giá bán thấp nhất cũng 15 triệu đồng/tấn, có thời điểm 30.000 đồng/kg, cho doanh thu từ 600 tới trên 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/năm; thu nhập từ cây cóc, mận hồng và các loại hoa màu khác trên 200 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập khá cao và là niềm mơ ước của nhiều nông dân ở Kế Sách cũng như trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

    Đồng chí Trần Văn Trận - Chủ tịch Hội CCB xã Trinh Phú, cho biết: CCB Dương Minh Trường mặc dù tuổi đã cao nhưng ông luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng không chỉ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống giúp các hội viên CCB trong và ngoài xã cùng thực hiện, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần ổn định và nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hằng năm, bản thân ông và gia đình luôn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, năm 2024, ông đã trực tiếp đứng ra vận động lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng đường quê trên địa bàn ấp với chiều dài trên 1,5 km, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

    Với những kết quả đạt trong Phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhiều năm liền, ông Trường đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện và cấp tỉnh. CCB Dương Văn Trường chính là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của những người lính Cụ Hồ trong thời bình hôm nay và mô hình làm kinh tế của ông cần được nhân rộng, học tập trong cán bộ, hội viên CCB tỉnh Sóc Trăng.

Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 10755
  • Trong tuần: 84,832
  • Tất cả: 13,745,606