Lượt xem: 226

Phát triển cây na Thái từ gốc ghép giống na địa phương

Cây mãng cầu dai hay còn gọi là na, là loại cây trồng dễ tính, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết nên là đối tượng cây trồng được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển. Mặc dù là sản phẩm trái cây được ưa chuộng trên thị trường, nhưng trái na vẫn tồn tại nhiều hạn chế nhất định về thời gian bảo quản, chất lượng thịt trái,… Trong điều kiện này, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện mô hình thử nghiệm trồng cây na Thái từ gốc ghép là giống địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng.

    Cây na là loại cây trồng ưa đất thoáng, chống úng kém nhưng chống hạn tốt, do đó thích nghi tốt với vùng đất cát ven biển. Do khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, nên đây là giống cây ăn trái được nông dân thị xã Vĩnh Châu trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Với những ưu điểm nổi trội về hương thơm, vị ngọt, độ cát và dai, thị trường tiêu thụ của sản phẩm trái cây này rộng khắp tại các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, diện tích canh tác cây na trên địa bàn thị xã khoảng 1 - 2 thập niên gần đây giảm dần do năng suất và phẩm chất thấp hơn so với trước đây (trái nhỏ đi, méo mó, vỏ trái bị đen và thịt trái có nhiều hạt). Cụ thể, diện tích trồng cây na tại địa phương hiện chỉ còn 40 ha.


Bao trái để hạn chế sâu bệnh tấn công 

 

    Trước thực tế này, một số nhà vườn tại thị xã Vĩnh Châu bắt đầu chuyển đổi sang trồng giống na Thái. Đây được xem là giống có trái to nhất trong các giống na tính tới thời điểm hiện tại. Ưu điểm là cây trồng từ 16 - 18 tháng tuổi đã bắt đầu cho trái. Nếu chăm sóc tốt cây có thể ra hoa, ra trái quanh năm. Khi trái chín ít bị nứt bể nên thu hoạch và vận chuyển thuận tiện hơn các giống địa phương, quan trọng là cây kháng bệnh tốt lại dễ chăm sóc nên năng suất và chất lượng trái đều đạt hơn so với giống địa phương. Trung bình mỗi trái na Thái đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg, ít hạt hoặc không có hạt nên được nhiều người ưa chuộng, giá bán vì vậy cũng cao hơn so với giống địa phương.

    Là một trong những nông dân thành công từ mô hình chuyển đổi này, ông Tăng Đa Ri, ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ: “Giá bán cao hơn rất nhiều, trái na địa phương 1kg khoảng 20.000 đồng, thậm chí người ta không mua vì sợ bị dòi. Còn trái na Thái hiện thương lái mua 57.000 đồng/kg mà họ bao cho mình đến hết vụ luôn”.

    Từ nhu cầu chuyển đổi này, thay vì phá bỏ toàn bộ diện tích trồng giống na địa phương sẵn có để trồng trực tiếp cây giống na Thái, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện phương pháp ghép giống Thái Lan trên gốc na địa phương để cho ra những trái “khổng lồ” mang lại giá trị cao gấp 2 - 3 lần. Bằng phương pháp này, thời gian từ trồng đến khi cho trái của cây sẽ được rút ngắn, chất lượng trái khi thu hoạch vẫn giữ được độ dai, vị ngọt đậm như giống địa phương.

    Đồng chí Thạch Thị Thu Hiền - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Vĩnh Châu, cho biết thêm: “Nếu mình trồng ghép với giống na của địa phương thì thời gian cho trái từ 2 năm tuổi đến 3 năm. Tuy nhiên, nếu mình trồng mới hoàn toàn mà không cải tạo ghép với gốc na địa phương thì thời gian sinh trưởng sẽ chậm hơn, mà chất lượng trái so với gốc được ghép cũng sẽ không bằng, trái dù có vị ngọt nhưng vẫn còn mang chút vị chua”.


Trao đổi kỹ thuật ghép gốc cây na địa phương với na Thái

 

    Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả tối ưu nhất, nhà vườn cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật liên quan việc chăm sóc, cắt tỉa, bón phân đến thu hoạch… Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng lưu ý bà con nông dân cần lựa chọn nguồn cây giống tốt. Thời gian ghép thích hợp là điều kiện để tỷ lệ ghép thành công cao và cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, cần kết hợp các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để góp phần gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng chí Hứa Thanh Xuân - Trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Lưu ý bà con cần đậy gốc, tưới nước đầy đủ trong mùa nắng; trong mùa mưa phải đào rãnh thoát nước tốt để hạn chế rễ cây ngập úng dẫn đến suy kiệt. Đến giai đoạn xử lý ra hoa thì tiến hành tỉa cành, tạo tán để xử lý ra hoa theo đúng thời gian mong muốn. Sau khi cây ra hoa khoảng 2 tháng thì bao trái để hạn chế sâu bệnh tấn công gây hại làm giảm phẩm chất trái. Ngoài ra, khi bao trái như vậy, chúng ta sẽ giảm được chi phí phun xịt thuốc phòng trừ, tạo ra sản phẩm an toàn hơn cho người sử dụng”.

    Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng cây na hiện đã phát triển được gần 100 ha. Với những ưu điểm vượt trội hơn về trọng lượng, thời gian bảo quản và chất lượng trái, việc phát triển cây na Thái bằng gốc ghép từ giống na địa phương sẽ mở ra cho bà con nông dân Vĩnh Châu nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung những định hướng mới trong quá trình lựa chọn đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao để chuyển đổi sản xuất. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mà tỉnh Sóc Trăng vẫn đang nỗ lực thực hiện nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại từng địa phương.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 7375
  • Trong tuần: 91,967
  • Tất cả: 12,558,621