Lượt xem: 132

Nguy cơ gây mù bởi bệnh đục thủy tinh thể và Glaucoma

Bệnh đục thủy tinh thể (còn gọi là bệnh cườm đá, cườm khô) và bệnh Glaucoma (còn gọi là bệnh cườm nước) là 2 bệnh về mắt phổ biến ở người lớn tuổi. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh Glaucoma và hơn 150.000 người bị đục thủy tinh thể. Đây là 2 bệnh lý gây mù lòa hàng đầu hiện nay nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

 


Bệnh nhân đến thăm khám những biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể tại Khoa Mắt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2

 

    Tại khoa Mắt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, tỉnh Sóc Trăng, mỗi ngày có khoảng 50% số bệnh nhân đến thăm khám có những biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể, phần lớn là người trên 50 tuổi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là mắt nhìn mờ, thị lực suy giảm, cảm thấy mắt lóe sáng, nhìn một vật thành hai, ba,… Người mắc bệnh đục thủy tinh thể nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể phục hồi thị lực.

    Bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma thường có biểu hiện đau mắt, đau nửa đầu cùng bên mắt bị đau, lóa mắt, cảm giác mắt bị châm chích, xốn, mỏi mắt, nhìn mờ,… Mặc dù bệnh Glaucoma và đục thủy tinh thể thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh nhân dưới 40 tuổi vẫn phát hiện mắc bệnh.

    Bác sĩ Chuyên khoa I Lâm Kươl, Khoa Mắt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 cho biết: “Gần đây, đục thủy tinh thể thường xảy ra ở người trẻ, do tiếp xúc với tia bức xạ, như những người làm thợ hàn tiện, hoặc những người đi ra trời nắng, tia cực tím mạnh. Nếu che chắn, bảo vệ mắt không kỹ sẽ dễ mắc bệnh”.

    Việc chẩn đoán bệnh Glaucoma và đục thủy tinh thể được thực hiện dễ dàng bởi các bác sĩ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Cả 2 bệnh này đều có thể điều trị nội khoa thông qua việc dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật, tùy theo tình trạng bệnh. Người bệnh đục thủy tinh thể khi được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, hoàn toàn có khả năng được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

    Bệnh Glaucoma có 2 loại: Cấp tính và mạn tính. Ở loại mạn tính, bệnh tiến triển chậm nên khó nhận biết. Bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng. Dù là ở dạng cấp tính hay mạn tính, bệnh nhân đều bị tổn thương thần kinh thị giác. Do đó, cách tốt nhất là phát hiện bệnh sớm. Đối với các bệnh cườm mắt, hiểu rõ nguy cơ để chủ động phòng tránh cũng là yếu tố cần được quan tâm, đặc biệt trong môi trường có nhiều tác nhân gây hại cho mắt như hiện nay.

    Bác sĩ Lâm Kươl đưa ra khuyến cáo: “Bà con nên mang kính bảo hộ loại tốt, ngăn được bức xạ, tia cực tím, có chức năng chống chói. Đồng thời, hạn chế ra ngoài trời vào buổi trưa hay thời điểm nắng gắt, tránh để tia cực tím ảnh hưởng đến mắt”.

    Mắt là cơ quan giữ vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Giữ cho đôi mắt khỏe mạnh cũng chính là gìn giữ chất lượng cuộc sống của chính mình.

Hà Phương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 130
  • Hôm nay: 5249
  • Trong tuần: 89,841
  • Tất cả: 12,556,495