
Nguồn baosoctrang.org.vn
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới cho thấy: Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm; các sở, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng có sự phối hợp chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện đạt nhiều mục tiêu vì trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2012-2017, có 80,1% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; 530 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện và trợ giúp; hơn 680 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ; 75% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ công cộng; tỷ lệ trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc tăng lên 95%; số trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực giảm 10%; 100% trẻ em khi phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp kịp thời; giảm tỷ lệ trẻ em phải lao động trong điều kiện độc hại nguy hiểm xuống dưới 30/10.000 trẻ em; số trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm đáng kể, từ 1.275 trẻ cuối năm 2012 xuống còn 505 trẻ vào năm 2021. Hiện toàn tỉnh đã nhân rộng được 45 xã điểm thực hiện mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 15,2% (giảm 10,4% so với năm 2015); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 10% (giảm 3,5% so với năm 2015); 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản; 11% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 79,6% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 89%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc trung học cơ sở đạt 98%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật. Đến nay, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn 0,73% (giảm 0,47% so với năm 2015); số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển tăng lên 100%; tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm còn 294/100.000 trẻ em (giảm 118 trẻ so với năm 2015).
Từ năm 2016-2020, số trẻ em phải bỏ học kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở giảm đáng kể so với giai đoạn trước, từ 890 trẻ (năm 2015) xuống còn 605 trẻ (năm 2020). Hằng năm, tỉnh trợ cấp thường xuyên cho 2.178 trẻ em không nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 54 trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trên 2.230 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đến nay, toàn tỉnh có 118.801/121.049 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 98,14%.
Đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, có 65 trẻ em bị nhiễm được chăm sóc sức khỏe và điều trị thuốc ARV; 22 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc tâm lý; trợ cấp hàng tháng cho 01 bệnh nhân nhiễm HIV; vận động và hỗ trợ 450 em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp tục đến trường; hỗ trợ kinh phí cho 12 trẻ học nghề thông qua các mô hình của các chương trình, dự án.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương quan tâm duy trì tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” hằng năm (từ ngày 1/6 - 30/6) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; vận động gây Quỹ Bảo trợ trẻ em; tổ chức thăm khám, hỗ trợ, cấp học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn, giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể cấp huyện, thị xã, thành phố còn tổ chức trên 555 buổi diễn đàn với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” và “Điều em muốn nói”, thu hút trên 14.000 trẻ em tham gia; tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với trẻ em, với chủ đề “Môi trường không bạo lực, trẻ em không bị xâm hại tình dục”; tổ chức trại hè Ước mơ hồng liên tỉnh và Ngày Hội Thiếu nhi hè cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao như hội diễn văn nghệ “Hoa phượng đỏ”, hội thi “Nét cọ vào hè”,... thu hút nhiều trẻ em tham gia, góp phần giúp trẻ em vui chơi, giải trí lành mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 96,3% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn (tăng 3,3% so với năm 2012); tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em đạt 95,4% vào năm 2015 và 70,6% vào năm 2020 (giảm do đánh giá theo chuẩn mới 2019); tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp tăng từ 16/100.000 trẻ em (năm 2015) lên 21/100.000 trẻ em (năm 2020).
Tỉnh thành lập và kiện toàn Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em; đã chăm sóc, trợ giúp hơn 113.620 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với tổng kinh phí hơn 83 tỷ đồng; tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho hơn 1.200 trẻ em; vận động hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho hơn 300 trẻ em bệnh tim, trẻ em bị tật vận động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thực phẩm, dinh dưỡng, học bổng, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, xe đạp, nhà tình thương, xây cầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương.
Toàn tỉnh có hơn 13.600 trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chiếm trên 39% số ca mắc toàn tỉnh, trong đó có 195 trẻ em mồ côi do cha, hoặc mẹ chết vì nhiễm COVID-19 thuộc hộ gia đình khó khăn. Tỉnh đã rà soát và lập hồ sơ đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ cho 91 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 487 triệu đồng; mở sổ tiết kiệm cho 06 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ do ảnh hưởng bởi COVID-19, với số tiền 120 triệu đồng; vận động Quỹ Mái ấm hạnh phúc trao tiền hỗ trợ cho 40 trẻ em mồ côi với số tiền 200 triệu đồng; hỗ trợ quà cho 1.294 trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, các cấp, các ngành còn huy động sự đóng góp, ủng hộ kinh phí, vật chất từ chính quyền, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quà, dụng cụ học tập, các nhu yếu phẩm,... cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được vui Xuân đón Tết an toàn và đầm ấm. Từ năm 2020 đến nay, trên 11.250 trẻ em được hỗ trợ với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tỉnh đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, công tác quản lý nhà nước, vai trò tham mưu của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em, nhất là Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị. Duy trì công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho các hoạt động và chương trình, dự án dành cho trẻ em; phát huy tốt hiệu quả Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
K.H