Lượt xem: 534

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều giải pháp về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới đạt được nhiều kết quả tích cực.

    Sau hơn 10 năm thực hiện, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao; chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được ưu tiên thực hiện, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện có hiệu quả; các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp thực hiện tốt quyền trẻ em; vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đề ra.


Giờ học kể chuyện ở Trường Mẫu giáo Mai Hoa. Ảnh minh họa

 

    Đến nay, toàn tỉnh có 77/108 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, đạt 71,3%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi giảm còn 9,8% và thể chiều cao theo tuổi giảm còn 19,6%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99,88%; tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học giảm còn dưới 0,45%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình cấp trung học cơ sở đạt 98,7%; tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở giảm còn dưới 1,82%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn 1,11%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển đạt 93,4%.

    Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trẻ em ở một số địa phương còn chậm; tình trạng trẻ em bị xâm hại (tăng từ 45 trẻ năm 2021 lên 62 trẻ năm 2023), bạo lực, đuối nước có xu hướng gia tăng; một số địa phương thiếu đội ngũ y tế trường học, tổ tư vấn tâm lý học sinh để thực hiện tốt công tác chăm sóc trẻ em; các điểm vui chơi, các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em ở vùng nông thôn còn thiếu, điều kiện sống và cơ hội phát triển giữa trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn vẫn còn chưa đồng đều; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thẩm quyền đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở một số địa phương, một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao.

    Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội và hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn hạn chế; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tác động mạnh đến đời sống của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em ở các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách phân bổ, xã hội hóa các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn thấp; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa thường xuyên.

    Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW, về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Chương trình số 61-CTr/TU, ngày 21/10/2024 thực hiện Chỉ thị. Theo đó, Chương trình số 61-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đề ra mục đích, yêu cầu là tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 28-CT/TW góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW và Chương trình này; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

    Mục tiêu tổng quát của Chương trình số 61-CTr/TU là bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt, giúp trẻ em phát triển toàn diện và thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

    Mục tiêu cụ thể về chăm sóc trẻ em gồm: (1) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 97,2%; (2) Phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi giảm còn dưới 6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi giảm còn dưới 12%. Mục tiêu cụ thể về giáo dục trẻ em, gồm: (1) Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,3%; (2) Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99%; phấn đấu tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học giảm còn dưới 0,1%; (3) Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình cấp trung học cơ sở đạt 93%; phấn đấu tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở giảm còn dưới 0,05%. Mục tiêu cụ thể về bảo vệ trẻ em là: (1) Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt/tổng số trẻ em giảm còn dưới 0,5%; (2) Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 97%.

    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

    Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai, quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em sát với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị. Bảo đảm 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 28-CT/TW.

    Chủ động xây dựng chương trình hoặc kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo những chủ trương, định hướng chung của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

    Nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động Nhân dân tham gia thực hiện nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, thụ hưởng lợi ích tốt nhất.

    Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

    Cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, nhân rộng các mô hình bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt theo hướng linh hoạt, phong phú về nội dung, tích cực áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quá trình thực hiện. Thường xuyên giới thiệu, biểu dương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tiêu biểu nhằm động viên, khuyến khích nhân dân, các cấp, các ngành trong công tác trẻ em.

    Thứ ba, tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, pháp luật về trẻ em

    Thường xuyên rà soát, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em.

    Đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hoá, khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Bảo đảm ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng và trí tuệ.

    Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm, thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương đất nước phù hợp với lứa tuổi. Đẩy mạnh bảo vệ trẻ em trước thông tin không có lợi trên không gian mạng và xã hội, những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển toàn diện; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em. Phát triển các sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.

    Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển ngành, địa phương.

    Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

    Đưa các mục tiêu về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương.

    Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

    Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền, điều phối, phối hợp đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ nhân sự làm công tác trẻ em, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư.

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em. Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em và các hành vi khác bị nghiêm cấm.

    Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

    Thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hằng năm và giai đoạn. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, mô hình hay trong thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, tổ chức xã hội, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng trong công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 28-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức, hành động, cùng tham gia những hoạt động thiết thực, tích cực, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

    Tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời phản ánh, phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em.

    Quan tâm bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em.

    Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 4408
  • Trong tuần: 76,012
  • Tất cả: 16,380,810