Lượt xem: 324

Sóc Trăng quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Qua 15 năm triển khai thực hiện Kết luận 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội theo hướng văn minh ngày càng sâu sắc hơn, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời; trong quá trình tổ chức thực hiện, có nhiều giải pháp tích cực, cách làm sáng tạo, đa dạng, hiệu quả, được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; xuất hiện nhiều mô hình tích cực, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được duy trì, chọn lọc, kế thừa và phát triển; hoạt động lễ hội được chú trọng phát triển hài hòa cả phần lễ và phần hội, nhiều nghi thức lễ hội được phục dựng, cải tiến, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập; một số thủ tục rườm rà, tốn kém trong việc cưới, việc tang giảm dần, thay vào đó là những tục mới, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với quá trình phát triển của xã hội.


Niềm vui khi được tiếp cận thông tin trên xe thư viện lưu động đa phương tiện

 

    Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước đi vào cuộc sống; người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đời sống vật chất, văn hóa được cải thiện; mạng lưới thông tin truyền thông lan rộng đến từng địa bàn dân cư, giúp người dân lựa chọn, tiếp thu những giá trị của nếp sống văn hóa mới phù hợp về các hình thức, nghi thức cưới hỏi, tang ma cho người thân theo hướng văn minh, tiết kiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình, góp phần thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội.

    * Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, thiết chế văn hóa

    Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa là nhân tố quyết định, tạo nền tảng vững chắc để cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đi vào đời sống nhân dân, hằng năm, ngành chuyên môn đã mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa luôn được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.650 học viên, cộng tác viên thuộc các chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, Thư viện. Công tác phối hợp với các trường đại học mở các lớp liên thông đại học gồm các chuyên ngành Quản lý văn hóa, Sư phạm Âm nhạc, Thư viện,... Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 374 công chức, viên chức làm công tác văn hóa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị đáp ứng nhu cầu về quản lý, kỹ năng nghề nghiệp và tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị tại đại phương, đơn vị. Nhìn chung, đội ngũ làm công tác văn hoá văn nghệ không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, được trang bị về kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập; từ đó, các văn nghệ sỹ trong tỉnh đã tích cực sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

    Để ghi nhận những đóng góp của lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà, thời gian qua ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về tôn vinh, đề nghị xét phong tặng các danh hiệu Nhà nước cho các nghệ sĩ, nghệ nhân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, 8 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”, 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. Công tác hoạch định, bố trí nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thời gian quan được tập trung thực hiện tốt.

    Trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong giai đoạn 2009 - 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung đầu tư ngân sách của địa phương, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn huy động khác trên 200 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt, nhà diễn tập, nhà làm việc Đoàn Nghệ thuật Khmer, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa tỉnh, trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, thư viện cấp huyện, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp; trùng tu tôn tạo di tích lịch sử; trang bị âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị,… cho các tụ điểm văn hóa; hỗ trợ địa phương xây dựng sân bóng chuyền, sân bóng đá, sân bi sắt, thiết bị vui chơi giải trí trẻ em; cấp sách cho thư viện,...

    Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đã từng bước hoàn thiện. Toàn tỉnh có Trung tâm văn hóa, Thư viện, Nhà văn hóa thiếu nhi, Bảo tàng, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh; 11 trung tâm văn hoá - thể thao, 11 thư viện, 6 nhà truyền thống, 5 nhà thi đấu, 52 sân bóng chuyền, 18 sân quần vợt, 34 sân bóng đá, 4 phòng tập thể hình, 12 sân bóng rổ, 7 phòng tập khiêu vũ thể thao và thể dục thẩm mỹ cấp huyện; 94 nhà văn hóa, 44 thư viện, 232 phòng đọc sách cơ sở, 193 sân bóng chuyền, 34 sân bóng đá, 214 sân thể thao cấp xã; 741 nhà văn hóa, 361 sân bóng chuyền, 108 sân bóng đá, 133 sân bi sắt, 220 sân tập luyện thi đấu thể thao ấp, khóm. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở vừa là nơi tổ chức triển khai tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tìm kiếm, nghiên cứu thông tin, cập nhật kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật phục vụ cho đời sống, lao động sản xuất của nhân dân. Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Khmer, khuyến khích thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, tục hỏa táng của người Khmer, bằng nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn phát triển vùng ngập mặn, tỉnh đã đầu tư xây dựng 42 lò hỏa táng tại các điểm chùa Khmer trên địa bàn với kinh phí 14,5 tỷ đồng.

    * Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

    Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư với phương châm “Đưa văn hóa về cơ sở”. Các ngành chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ; phát hành ấn phẩm, đĩa nhạc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bằng 2 thứ tiếng Việt - Khmer; chỉ đạo các đoàn nghệ thuật trong tỉnh và các đội tuyên truyền lưu động tổ chức nhiều chương trình, vở diễn, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, khu vực biên phòng tuyến ven biển.

    Hệ thống thư viện được quan tâm đầu tư và thường xuyên nâng cấp, cung cấp, bổ sung nhiều thể loại sách, báo, tạp chí, cho toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân; bổ sung sách cho bạn đọc tại Thư viện các huyện, thị xã, thành phố từ 5 đến 25 loại báo, tạp chí và tại Thư viện tỉnh từ 158 đến 201 loại báo, tạp chí và trên 3.000 tài liệu điện tử phục vụ bạn đọc trên trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh, nâng tổng số sách hiện có của Thư viện tỉnh lên 190.819 bản. Trong công tác phục vụ bạn đọc, hệ thống thư viện công cộng đã cấp 95.996 thẻ với trên 13 triệu lượt người đến nghiên cứu trên 30 triệu lượt tài liệu. Từ năm 2009 đến 2024, định kỳ 2 năm/lần, tỉnh tổ chức các hội thi giới thiệu, kể chuyện sách thiếu nhi; tổ chức Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức “Chuỗi các hoạt động Chuyến xe tri thức - Ngày hội đọc sách”. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Phục vụ sách lưu động; hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động thực hành từ sách như rung chuông vàng, làm sách mini, tô màu theo tranh mẫu, hướng dẫn cách sử dụng đọc - mượn sách điện tử trên trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh, cấp thẻ thư viện miễn phí dùng để đọc sách điện tử,…

    Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các danh hiệu văn hoá, có lồng ghép các nội dung hướng dẫn và quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở địa phương; xem đó là một tiêu chí trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa. Các địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung hướng dẫn và quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong các buổi sinh hoạt, hội họp, hội thi, hội diễn, hái hoa dân chủ,...; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên từng địa bàn dân cư; xây dựng trên 2.400 tin, bài phóng sự, chương trình phát thanh; in trên 1.500 tài liệu tuyên tuyền, 788 pa nô, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức 102 hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, khoảng 9.900 cuộc tuyên truyền, có trên 940.000 lượt tham dự. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã tiến hành đại hội và ban hành Quy ước Đại hội sư sãi à cha với nội dung cải tiến phong tục tập quán trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

    Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị. Tính đến nay, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức 42 cuộc kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và mua bán đĩa VCD, DVD tại các lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra tại các nơi tổ chức lễ hội lớn được tăng cường; lực lượng kiểm tra hoạt động lễ hội đã kịp thời xử lý những sai phạm trong tổ chức lễ hội; có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hiện có mục đích trục lợi, không đúng quy định, hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc,... Kết quả, phát hiện 24 trường hợp vi phạm; xử phạt hành chính 3 trường hợp với số tiền là 3,5 triệu đồng; cảnh cáo, nhắc nhở 21 trường hợp; tạm giữ và tiêu hủy 1.240 đĩa VCD, DVD không dán tem nhãn kiểm duyệt.

    Trong 15 năm qua, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tổ chức chu đáo các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân (trong đó, có trên 1.000 giải thể thao, hội thao cấp huyện, tỉnh); triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tích cực tổ chức, tham gia các giải thể dục, thể thao cấp tỉnh và quốc gia, đạt được nhiều thành tích cao; vẽ khoảng 15.000m² pa nô, gần 32.000 băng rôn tuyên truyền; tổ chức trên 2.000 chuyến xe thông tin tuyên truyền; tổ chức trên 1.000 cuộc triển lãm ảnh, khoảng 400 buổi chiếu phim lưu động; xây dựng mới trên 2.500 kịch bản chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân với khoảng 6.000 buổi; tổ chức và phối hợp tổ chức trên 800 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, thu hút trên 4 triệu lượt người xem.

    Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã tổ chức xây dựng nhiều vở diễn, chương trình ca múa nhạc mới và tổ chức biểu diễn phục vụ với 1.316 buổi; hệ thống Trung tâm Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trên 700 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan, 1.196 buổi triển lãm và 8.000 buổi văn nghệ phục vụ các sự kiện và nhân dân. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm 1.169 đơn vị hiện vật; thực hiện được trên 90 cuộc triển lãm lưu động với tổng số trên 235.000 lượt khách tham quan. Nhìn chung, việc thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, phường, thị trấn văn minh đô thị. Đến nay, toàn tỉnh có 306.331/343.129 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 89,28%; 1.408/1.436 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan văn hóa, chiếm 98,05%; 14/17 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm 82,35% (thành phố Sóc Trăng: 10/10; thị xã Ngã Năm: 3/3; thị xã Vĩnh Châu: 1/4); 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 4/10 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên và huyện Cù Lao Dung).

    * Kết quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

    Việc tổ chức lễ cưới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tích cực; số đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh tăng dần theo từng năm. Giai đoạn 2009 - 2018, toàn tỉnh có 115.942 đám cưới (trong đó, có 108.410 đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh, chiếm tỷ lệ 93,5%; 7.532 đám cưới vi phạm nếp sống văn minh, chiếm tỷ lệ 6,5%). Tính chung giai đoạn 2009 - 2024, toàn tỉnh có trên 120.000 đám cưới; tỷ lệ đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh đạt trên 90%. Các cặp đôi khi kết hôn đã thực hiện đúng quy định về đăng ký, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trao giấy kết hôn tại trụ sở, từng bước có những mô hình mới trong tổ chức lễ cưới; mỗi người dân có sự lựa chọn các hình thức, nghi thức cưới hỏi cho người thân theo hướng văn minh, tiết kiệm, phù hợp vời điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    Những năm gần đây, tỉnh chú trọng thực hiện mô hình lễ cưới tập thể; từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức lễ cưới tập thể cho 56 cặp đôi là cán bộ công chức, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Các thủ tục như: Tảo hôn, ép cưới, thách cưới, phô trương, lãng phí, vụ lợi đã giảm đáng kể; các nghi lễ trong đám cưới đã giảm nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp; thời gian tổ chức lễ cưới trong một ngày, chỉ mời người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông; việc ăn uống linh đình trong đám cưới giảm đã giảm rõ rệt.

    Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. Các gia đình khi có người thân qua đời đều thực hiện thủ tục khai tử và thông báo cho chính quyền địa phương theo quy định; phần lớn các tang lễ được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với khả năng của từng gia đình; các nghi thức tang lễ được tổ chức trang nghiêm, văn minh, tiết kiệm; thời gian lưu giữ thi hài quá 48 giờ giảm dần; tình trạng “khóc mướn” đã không còn; việc rải “tiền vàng mã” trên đường đưa tang đã giảm thiểu rất nhiều. Giai đoạn 2009 - 2018, toàn tỉnh có hơn 61.200 đám tang; trong đó, có 54.400 đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh, chiếm tỷ lệ gần 89% và hơn 15.200 đám tang thực hiện hỏa táng, chiếm tỷ lệ gần 25%.

    Tính chung giai đoạn 2009 - 2024, toàn tỉnh có trên 68.000 đám tang; trong đó, trên 52.000 đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh, trên 18.000 đám tang thực hiện hỏa táng; hình thức hỏa táng được áp dụng ngày càng nhiều, 100% hộ gia đình người Khmer khi có người thân qua đời đều chọn hình thức hỏa táng; người Kinh, người Hoa sinh sống ở thành phố, thị xã, chọn hình thức mai táng tập trung tại các nghĩa trang nhân dân, các khu đất của dòng họ. Những năm gần đây, tỉnh chú trọng thực hiện mô hình tang lễ tiết kiệm, đội trợ táng ở một số xã, phường, thị trấn nhằm phát huy tình làng, nghĩa xóm trong việc hỗ trợ tang gia, với sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi ở địa phương; hầu hết các chùa Khmer đều có lò hỏa táng được xây dựng đúng quy chuẩn theo quy định; một số địa phương có quy hoạch đất xây dựng nghĩa trang nhân dân.

    Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện chặt chẽ. Một số lễ hội được đầu tư nâng tầm cao hơn so với trước; các lễ hội vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn những giá trị cổ truyền đặc sắc, ít bị lai tạp và đặc biệt chưa có dấu hiệu của việc thương mại hóa hoặc lợi dụng lễ hội để tiến hành các hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn đối với người tham dự, nhất là đối với du khách nước ngoài. Nổi bật là các lễ hội lớn như: Lễ hội Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Thắc Côn (Cúng dừa), Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đônta,... Trong đó, tiêu biểu nhất là lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo đã được Tổng cục Du Lịch Việt Nam đưa vào 15 lễ hội trong Chương trình Quốc gia về du lịch Việt Nam.


Lễ hội thả đèn nước (Lôi – Prôtip)

 

    Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có trên 20 lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, thường tập trung vào những tháng đầu Xuân. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, tạo được không khí vui tươi cho người dân; phần lễ đều được tổ chức theo nghi thức truyền thống do ban quản trị phụ trách hướng dẫn; phần hội có sự hướng dẫn của phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa - thể thao - truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; trong đó, các trò chơi dân gian vừa tạo sân chơi vừa góp phần bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Kinh phí tổ chức thực hiện đúng theo Thông tư 04/2023/TT-BTC, ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; hầu hết các lễ hội được tổ chức chủ yếu từ nguồn vận động, xã hội hóa.

    Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tổ chức trên 2.800 lượt lễ hội. Các lễ hội là một trong những nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng chung sống tại vùng đất Sóc Trăng; tất cả các lễ hội đều được tổ chức theo nghi thức truyền thống, có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm bảo tồn được giá trị nghi thức lễ hội cổ truyền. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh; tổ chức trưng bày triển lãm sách, triển lãm ảnh, chiếu phim lưu động và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân; khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh,... Các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết. Ngoài ra, tỉnh còn mở nhiều lớp đào tạo năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật.

    Các lễ hội, phong tục tập quán và lễ hội tôn giáo được tổ chức đúng theo nghi thức truyền thống và đúng quy định của pháp luật; các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, tết, kỷ niệm được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong các lễ hội luôn được chú trọng; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như công tác sắp xếp hàng quán, cơ sở dịch vụ đảm bảo mỹ quan; các chủ cơ sở kinh doanh được hướng dẫn, quán triệt các quy định của pháp luật; từng bước khắc phục dần tình trạng chèo kéo khách du lịch; giá cả hàng hóa, dịch vụ luôn được niêm yết công khai, bình ổn, tạo tâm lý vui tươi, trang nghiêm, lịch sự, thoải mái cho du khách và sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người tham dự, nhất là đối với du khách nước ngoài.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 145
  • Hôm nay: 2950
  • Trong tuần: 67,623
  • Tất cả: 16,532,566