Lượt xem: 822

Sóc Trăng qua 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Qua triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân tộc và việc triển khai chính sách dân tộc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình và các chương trình, dự án chính sách dân tộc có liên quan.

    Qua đó, kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; tình hình kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả; mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao; các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

    Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; số lượng và chất lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số tăng qua từng năm; tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, Sóc Trăng đã đạt được những kết quả tích cực.


Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho cho lao động khu vực nông thôn - “chìa khóa” cho công tác giảm nghèo

 

    Trong đó, về tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình, quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định phân bổ nguồn vốn cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình, với tổng kinh phí thực hiện 3 năm (2021 - 2023) là 697.878 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương 582.112 triệu đồng, ngân sách địa phương 52.879 triệu đồng, huy động ngoài ngân sách 5.209 triệu đồng và vốn tín dụng 57.678 triệu đồng); đến nay, đã tập trung triển khai thực hiện các công trình, dự án và mang lại hiệu quả thiết thực; kết quả, 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ; duy tu bảo dưỡng 50 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú Kế Sách, Châu Thành, Thạnh Phú, Thạnh Trị và Long Phú; thực hiện trên 67 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng.

    Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Những năm qua, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, lắp đặt miễn phí đồng hồ nước, kéo điện lưới sinh hoạt. Từ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.605 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 943 hộ, đất ở cho 248 hộ, nhà ở cho 1.918 hộ; tổ chức các lớp đào tạo nghề với nhiều ngành nghề cho 7.315 học viên; từ nguồn vốn vận động xã hội hoá đã xây dựng 4.883 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 300.000 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 128.788 lượt hộ nghèo, 184.601 lượt hộ cận nghèo, bảo đảm 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế; Dự án cung cấp điện, điện hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã triển khai điện hoá 8.500 hộ, nâng tổng số hộ có điện là 394.404 hộ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo 44 công trình điện, với tổng số tiền là 375.000 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 2800/QĐ-UBND, ngày 20/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã lắp đặt miễn phí 619 đồng hồ nước cho hộ nghèo, miễn thu tiền sử dụng nước với tổng số 405.949 m3. Thực hiện Quyết định số 3356/QĐ-BNN-KH, ngày 27/7/2021 và Quyết định số 1962/QĐ-BNN-TL, ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phê duyệt đầu tư xây dựng 22 công trình (xây mới 4 công trình cấp nước tập trung và nâng cấp, mở rộng đường ống 18 công trình, tổng chiều dài đường ống cấp nước là 543.969 m, với tổng số tiền 188.483 triệu đồng; bao gồm, vốn trung ương 91.775 triệu đồng, vốn địa phương 96.708 triệu đồng) cấp nước cho 14.860 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Các cấp, các ngành triển khai hiệu quả Nghị quyết số 188/NQ-HĐND, ngày 24/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, qua 3 năm (2021 - 2023) đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh và đào tạo 29.705 người (trong đó có khoảng 4.670 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%; giải quyết việc làm cho 43.880 lao động (trong đó có trên 7.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 317 người (trong đó có 26 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm ở các địa phương, giao dịch trực tuyến và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với 6.676 người được tư vấn.

    Các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời, cụ thể: Chương trình đã hỗ trợ 1.390 lượt hộ vay vốn chuyển đổi ngành nghề, nhà ở, đất ở, với số tiền 57.678 triệu đồng; các chính sách tín dụng ưu đãi khác đã hỗ trợ 125.249 lượt hộ vay (trong đó có 20.228 hộ dân tộc thiểu số); đồng thời, từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ 20.321 lao động bị mất việc làm tự tạo việc làm, người lao động đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn làm kinh tế gia đình hoặc khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng việc làm, thu nhập cho người lao động.

    Về phát triển giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp; chính sách bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: Công tác phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được các ngành, các cấp chăm lo triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt các chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên và chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Chất lượng giáo dục dân tộc chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất trường, lớp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường phổ thông dân tộc nội trú từng bước được đầu tư theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo (tỷ lệ tốt nghiệp trung học học sinh dân tộc thiểu số ổn định, hằng năm trên 96%), trung bình hằng năm có 35 - 40 học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển vào Trường Dự bị đại học, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học tăng dần theo từng năm học; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học giảm dần: Năm học 2019 - 2020 là 1,16% đến năm học 2021 - 2022 là 1,12%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng và đại học tương đương 1/3 số học sinh tốt nghiệp hằng năm.

    Các chương trình, dự án chính sách đầu tư phát triển giáo dục tiếp tục được triển khai đồng bộ, kịp thời; thực hiện Chương trình, tỉnh đã phân bổ 182.333 triệu đồng để triển khai các nội dung như: Xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Cộng đồng; tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú; tập huấn nghiệp vụ xoá mù chữ cho cán bộ chuyên ngành giáo dục; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp (tổ chức tập huấn cho 1.937 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú về công tác quản lý, năng lực quản lý tài chính, tài sản, công tác chủ nhiệm; tập huấn nghiệp vụ xoá mù chữ cho 1.083 đại biểu là đại diện lãnh đạo và chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo, cán bộ phụ trách trung tâm học tập cộng đồng và giáo viên tham gia thực hiện công tác xoá mù chữ ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Tổ chức 13 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3 và 4 với khoảng 963 lượt người tham dự; 100 lớp đào tạo nhiều ngành nghề cho khoảng 2.280 học viên; 33 lớp tập huấn với số lượng khoảng 4.093 học viên tham dự nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách giáo dục khác có liên quan theo các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ban ngành Trung ương và các chương trình, đề án chính sách giáo dục của tỉnh, với nguồn kinh phí là 83.939,59 triệu đồng và công tác xã hội hóa giáo dục đã thu hút đầu tư hiệu quả cho giáo dục ngoài công lập xây dựng trường, nhóm lớp ngoài công lập và mua sắm thiết bị dạy học trên 10.000 triệu đồng.

    Các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án về y tế, dân số tiếp tục được các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, cụ thể như: Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình, Chương trình y tế dự phòng; qua đó, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao; các chính sách bảo hiểm y tế, chương trình kế hoạch hóa gia đình, công tác phòng, chống dịch bệnh,... được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (đến nay, có 100% xã, phường, thị trấn đều có Trạm Y tế; có 91,7% Trạm Y tế có bác sĩ, 775 khóm, ấp có cán bộ y tế, 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 19,6% và 71,7 % trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong vùng đồng bào dân tộc đạt 0,996%; tuổi thọ bình quân ngày càng được nâng lên).

    Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp, các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư xây dựng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ 23.674 triệu đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các sản phẩm du lịch đặc trưng về loại hình du lịch văn hóa lễ hội của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của vùng, khu vực, địa phương; qua đó, vừa góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, vừa giữ gìn và tôn tạo những nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

    Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng vùng đồng bào trong giai đoạn 2021 - 2023, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (Chương trình đã phân bổ 2.655 triệu đồng, tổ chức thực hiện 58 cuộc cho trên 8.620 lượt người và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, công chức làm công tác dân tộc, cán bộ các hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã, người có uy tín, các vị Achar, Ban Quản trị chùa và cấp phát 23.200 tờ gấp pháp luật song ngữ (Việt - Khmer), 3.200 cuốn Luật Hôn nhân và Gia đình, 3.200 cuốn Luật Bình đẳng giới, 3.200 cuốn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho các điểm chùa và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp hội phụ nữ thành lập 110 tổ truyền thông với 1.100 thành viên, 25 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng,…). Qua triển khai thực hiện, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới đã có sự chuyển biến tích cực, thu hẹp khoảng cách về giới, tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới được phát huy khả năng và phát triển bản thân. Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm, thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả thông qua việc thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.


Chăn nuôi bò thịt được xem là mô hình chủ lực giúp phát triển kinh tế hộ, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ khó khăn, ít đất sản xuất, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

 

    Về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và công tác kiểm tra, giám sát: Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; đồng thời, cụ thể hóa thành nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách sách dân tộc trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị và cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện; trên cơ sở định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu biên chế được giao hằng năm, các cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cơ cấu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với quy định.

    Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 48.879 đảng viên, trong đó có 9.884 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 20,22%); có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 264 người tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; có 7.907 người là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập (chiếm 31,07%); trong đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý: Cấp tỉnh là 115 người (chiếm 16,84%), cấp huyện là 218 người (chiếm 20,29%), cấp xã là 73 người (chiếm 11,9%); có 4/6 đại biểu Quốc hội khóa XV là dân tộc thiểu số; 604 đại biểu dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (15 đại biểu cấp tỉnh, 52 đại biểu cấp huyện và 537 đại biểu cấp xã). Về trình độ chuyên môn, gồm có 3 tiến sĩ, 134 thạc sĩ, 4.800 cử nhân, 1.347 cử nhân cao đẳng, 1.552 trung cấp, 71 trường hợp có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo. Kết quả tuyển dụng công chức năm 2021 theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, có 23/51 thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 45,10%).

    Tình hình an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững, ổn định. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thường xuyên quan tâm, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đồng bào dân tộc thiểu số; không ngừng quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức quần chúng làm nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, đã phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tích cực tham gia phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

    Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng đã được Trung ương hỗ trợ 54.689 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất các chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác truyền thông, chuyển tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đồng thời, tỉnh cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả Dự án “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện số hóa, chuẩn hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu về dân tộc theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025” theo Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

    Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình và các chương trình, dự án có liên quan được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời. Trên cơ sở các kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình hằng năm; đồng thời, quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia kiểm tra, giám sát, phản biện đối với việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc cũng như tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư: Toàn tỉnh đã thực hiện 222 cuộc kiểm tra, giám sát (tỉnh 101 cuộc; huyện, thị xã, thành phố 121 cuộc).

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 77
  • Hôm nay: 3152
  • Trong tuần: 70,528
  • Tất cả: 16,505,406