Lượt xem: 4400

Các chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở tỉnh Sóc Trăng

Sự kiện các chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập những năm 30 của thế kỷ XX là một thắng lợi quan trọng của cách mạng tỉnh Sóc Trăng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc ra đời của Tỉnh uỷ lâm thời Sóc Trăng vào cuối năm 1938.

    Hoàn cảnh lịch sử

    Trong những năm đầu của thế kỷ XX, các trào lưu yêu nước ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều hệ tư tưởng như: Tư tưởng bạo động của Phan Bội Châu: Chủ trương xây dựng chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật (1904), sau khi thất bại năm 1912 với tổ chức Việt Nam Quang phục hội, chủ trương xây dựng chế độ cộng hoà tư sản như Trung Quốc. Xu hướng cải cách của Phan Châu Trinh: Ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, lên án gay gắt tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến sâu mọt, chủ trương cải cách đất nước. Khuynh hướng dân chủ tư sản: Tiêu biểu là Việt Nam Quốc dân Đảng. Chủ trương đánh đuổi đế quốc, xoá bỏ chế độ phong kiến, mô phỏng theo chủ nghĩa Tam Dân ở Trung Quốc.


Chợ Kha-na-rộn, nơi thành lập Chi bộ Mỹ Quới 

    Các phong trào yêu nước trên diễn ra liên tục, sôi nổi, thể hiện ý thức dân tộc, tinh thần chống đế quốc, nhưng cuối cùng đều thất bại.

    Từ năm 1921 đến năm 1929 bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên trì, gian khổ nhằm truyền bá những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đặc biệt, Người tiếp tục đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ từ việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1925) - tổ chức tiền thân của Đảng tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đó là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để dẫn tới thành lập chính Đảng Cộng sản trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử.


Miếu Bà Chúa Xứ, nơi xây dựng và phát triển Chi bộ Mỹ Quới

    Ở tỉnh Sóc Trăng, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của Nhân dân là hưởng ứng cuộc vận động Đông Du của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh. Phong trào thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống án tử hình, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu; lễ truy điệu và để tang cụ Phan Chu Trinh.

    Cùng với phong trào yêu nước có tính quần chúng rộng rãi, các hội kín yêu nước, các nhóm yêu nước chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng vô sản đã xuất hiện ở tỉnh Sóc Trăng. Tại tỉnh lỵ, tiệm thợ bạc Ngô Tôn Đường là nơi thường lui tới trao đổi về thời cuộc và tuyên truyền yêu nước của một số thanh niên tiến bộ. Ở quận Kế Sách, anh Phan Văn Hoành đã bắt liên lạc với hai thanh niên yêu nước tên Sở và tên Vân tại Nhà in An Hà ở Cần Thơ. Năm 1926, hai anh đến Sóc Trăng cùng anh Phan Văn Hoành vận động phong trào ủng hộ tài chính cho báo chí tiến bộ. Phong trào này thu hút được nhiều người tham gia, tiêu biểu như các anh: Bùi Thanh Sử, Trần Công Nữ, Trần Công Khanh.


Ấp An Bình, nơi thành lập Chi bộ An Lạc Thôn

    Những chi bộ Đảng đầu tiên ra đời

    Từ năm 1928 ở làng Mỹ Quới[1] đã có chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội). Cuối năm 1929 các hội viên được xét chuyển thành đảng viên An Nam Cộng sản Đảng và năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, khi 3 tổ chức Đảng Cộng sản trong nước được hợp nhất lại. Giữa năm 1930, Chi bộ Mỹ Quới được thành lập tại chợ Kha-na-rộn, gồm các đồng chí: Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu, Trương Quí Thể, Trần Văn Tám, Châu Văn Phát, do Châu Văn Phát làm Bí thư. Sau đó Châu Văn Phát thoái hóa, biến chất nên bị khai trừ Đảng, đồng chí Trần Văn Bảy được chi bộ bầu làm Bí thư. Địa điểm sinh hoạt chi bộ được dời về Miếu Bà Chúa Xứ ở ấp Mỹ Đông (nay là ấp Mỹ Đông 1), làng Mỹ Quới.


Cửa biển Mỹ Thanh (nay được bồi đắp) - nơi thành lập Chi bộ Lạc Hòa

    Đầu năm 1931, đồng chí Đặng Văn Quang, đảng viên cộng sản từ Vĩnh Long và anh Bộ Thuần, quần chúng yêu nước, từ Bến Tre đến tại làng Đại Ân, Cù Lao Dung, quận Long Phú, hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Sau thời gian tuyên truyền, giáo dục và thử thách những quần chúng yêu nước, đồng chí Đặng Văn Quang tổ chức kết nạp anh Đoàn Thế Trung (Tám Diệm) và anh Bộ Năm (Năm Thận) vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Địa điểm làm lễ kết nạp được tổ chức tại nhà anh Đoàn Thế Trung ngay tại chợ Vàm Giếng, được nghi trang bằng hình thức tổ chức cờ bạc, bên ngoài có người cảnh giới. Chi bộ Cù Lao Dung được thành lập, đồng chí Đặng Văn Quang được cử làm Bí thư. Sau khi thành lập, đồng chí Đặng Văn Quang mở lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên, với các nội dung: Chủ nghĩa Cộng sản vắn tắt; vấn đề đấu tranh giai cấp; vấn đề chuyên chính vô sản; tình hình thế giới và tình hình trong nước; tôn chỉ, mục đích hoạt động của Đảng... Sau khóa học một thời gian ngắn, đồng chí Đặng Văn Quang được điều động đi nơi khác, đồng chí Đoàn Thế Trung được phân công làm Bí thư. Chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gây dựng cơ sở  cách mạng ở Bang Long - Giếng Nước (nay là thị trấn Long Phú, huyện Long Phú)

    Cũng đầu năm 1931, đồng chí Trần Thạnh Mậu, đảng viên cộng sản từ Vĩnh Long, bị địch truy lùng, đến ấp Mỹ Thanh, làng Lạc Hòa, quận Vĩnh Châu hoạt động cách mạng, thành lập các hội ái hữu trong thanh niên và thông qua đó bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho những hội viên tích cực để kết nạp vào Đảng. Tháng 6 năm 1931, tại cửa biển Mỹ Thanh[2], làng Lạc Hòa (nay thuộc xã Vĩnh Hải), hai anh Ngô Hòa Hện và Trần Kim Phẹn được kết nạp vào Đảng, đồng thời thành lập Chi bộ Lạc Hòa, do đồng chí Trần Thạnh Mậu làm Bí thư.


Chợ Vàm Giếng, nơi thành lập Chi bộ Cù Lao Dung (ảnh phóng tác)

    Năm 1930, anh Dương Kỳ Hiệp, quê ở làng Trường Khánh, quận Long Phú học ở trường Huỳnh Công Phát (Sài Gòn) được giác ngộ cách mạng. Tháng 9 năm 1930 anh được kết nạp vào Đảng. Tháng 11-1930 trong cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, đồng chí Dương Kỳ Hiệp bị địch bắt. Tháng 5 năm 1931, sau khi ra tù, đồng chí về làng Trường Khánh tiếp tục hoạt động cách mạng, thành lập các hội ái hữu, tương tế, hội đá banh… để tập hợp thanh niên và hướng dẫn nông dân đấu tranh chống thuế thân, đòi giảm thuế, giảm ngày làm xâu… Cuối năm 1932, tại xóm Cái Trúc, ấp Trường An, làng Trường Khánh, Chi bộ ghép Trường Khánh - Châu Khánh ra đời, gồm các đồng chí Thanh, Sanh, Hoành, do đồng chí Dương Kỳ Hiệp làm Bí thư.

    Trong khi đó ở xã Xuân Hòa, quận Kế Sách, anh Nguyễn Trung Tỉnh cùng người bạn qua làng Vĩnh Xuân, quận Cầu Kè[3] học nghề thuốc bắc. Anh Nguyễn Trung Tỉnh được ông Nguyễn Ngươn Hanh (Xã Trinh) tuyên truyền giáo dục cách mạng. Sau đó anh Tỉnh trở về quê nhà hoạt động cách mạng. Ở Kế Sách còn có một số đảng viên nơi khác đến hoạt động cách mạng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí Đẩu, Hơn về ở nhà đồng chí Phan Văn Hoành thuộc xã Song Phụng (thời gian này xã Song Phụng thuộc quận Kế Sách). Nhờ đó anh Phan Văn Hoành có dịp nghe các anh bàn về Đảng Cộng sản. Đến năm 1932, đồng chí Lê Văn Lợi (Giáo Lợi), đảng viên cộng sản quê Sa Đéc đến hoạt động cách mạng tại xã Song Phụng, gần nhà anh Phan Văn Hoành. Anh Hoành được đồng chí Giáo Lợi tuyên truyền về cách mạng, về Đảng Cộng sản. Qua thời gian vận động, năm 1935 Chi bộ An Lạc Thôn được thành lập, gồm các đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh, Lê Văn Lợi, Nguyễn Văn Thơ, do đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh làm Bí thư. Địa điểm thành lập chi bộ tại nhà anh Nguyễn Văn Thơ ở ấp An Bình, làng An Lạc Thôn, quận Kế Sách.


Xóm Cái Trúc, ấp Trường An, làng Trường Khánh - nơi thành lập Chi bộ ghép Trường Khánh - Châu Khánh 

    Như vậy, từ năm 1930 đến năm 1935 tỉnh Sóc Trăng có 5 chi bộ Đảng được thành lập. Đây là một bước ngoặt của phong trào cách mạng ở tỉnh Sóc Trăng, là nhân tố quyết định đưa phong trào cách mạng tiến lên những bước mới, hòa cùng phong trào cách mạng cả nước.

    Các chi bộ Đảng đầu tiên ở Sóc Trăng đặt dưới sự lãnh đạo của Đặc ủy Hậu Giang, đồng thời dựa vào Nhân dân để xây dựng và phát triển, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành quyền dân sinh, dân chủ. Quá đó, các chi bộ từng bước trưởng thành và phát triển, là tiền đề cho việc ra đời của Tỉnh uỷ lâm thời Sóc Trăng vào cuối năm 1938.

Thanh Hà



[1] Thời gian này làng Mỹ Quới thuộc quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

[2] Để giữ bí mật, buổi lễ kết nạp Đảng được tổ chức trên một chiếc ghe hướng ra biển.

[3] Thời gian này quận Cầu Kè thuộc tỉnh Cần Thơ.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 7349
  • Trong tuần: 88,889
  • Tất cả: 11,533,445