Lượt xem: 1813

Công tác tuyên truyền miệng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương

Công tác tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư khoá X, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn đời sống, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

 


Hội nghị Báo cáo viên tháng 7 cung cấp thông tin thời sự cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp

 

    * Những kết quả tích cực

    Với chức năng tham mưu cho cấp uỷ đảng trong lĩnh vực tư tưởng, những năm qua, ban tuyên giáo các cấp đã tham mưu đắc lực cho cấp uỷ trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW trong toàn ngành tuyên giáo. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành hướng dẫn số 42-HD/TG, ngày 20/3/2008 với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát huy ưu thế của kênh tuyên truyền miệng và đã tạo được những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ban tuyên giáo từ tỉnh đến huyện luôn quan tâm và thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên gắn với việc xây dựng quy chế hoạt động làm cơ sở để lực lượng báo cáo viên các cấp trong tỉnh bám sát và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.

    Công tác quản lý và tổ chức hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên cũng được tiến hành thường xuyên, qua đó đã tổ chức gần 200 hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến), hơn 1000 hội nghị báo cáo viên cấp huyện (tương đương) cùng nhiều hội nghị chuyên đề khác để cung cấp thông tin, tài liệu; định hướng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Nội dung thông tin luôn được đổi mới, phong phú, đa dạng, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn; thông tin cung cấp cơ bản đảm bảo được tính thời sự, tính chiến đấu và tính thiết thực, trong đó chú trọng thông tin về tình hình nhiệm vụ địa phương cùng các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực công tác tư tưởng, cung cấp những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương vừa góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong đảng và xã hội…

    Một trong những nét nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng, đó là từ năm 2017, hằng năm Ban đã tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức từ 1 – 2 hội nghị thông tin thời sự chuyên đề và mời báo cáo viên trung ương là các đồng chí am hiểu sâu và có kinh nghiệm thực tiễn phong phú về tình hình thời sự quốc tế, khu vực và trong nước tham gia báo cáo. Trung bình mỗi hội nghị kết nối trực tuyến đến 125 điểm cầu với trên 10.000 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (kể cả cán bộ đã nghỉ hưu) trong tỉnh tham dự và được đông đảo cán bộ, đảng viên đánh giá cao.

    Là lực lượng nòng cốt và có tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, việc xây dựng và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên được các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến huyện chú trọng và tạo sự chuyển biến tích cực theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng cho lực lượng này. Tính từ năm 2008 đến năm 2021, Ban tuyên giáo cấp tỉnh và huyện đã mở trên 200 lớp tập huấn, với khoảng 23.000 học viên, qua đó trang bị các kiến thức lý luận, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền miệng cùng các kỹ năng cơ bản khác để vận dụng vào việc nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả của tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, ngoài ra còn tổ chức nhiều hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh, vừa tạo điều kiện cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên trao dồi, học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết, vừa phát hiện các nhân tố mới để tăng cường, bổ sung lực lượng, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền ở cơ sở.

    Có thể nói, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong toàn Đảng bộ tỉnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Đội ngũ báo cáo viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, định hướng của Trung ương, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực tuyên truyền miệng. Tích cực cùng với cấp uỷ triển khai quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ, Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW; Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

    * Một số hạn chế, tồn tại

    Những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của tỉnh. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tăng cùng với yêu cầu cấp bách trong lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng hiện nay, thì công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên vẫn còn những hạn chế, bất cập: Một số cấp uỷ đảng chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng nhất là ở cơ sở; việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên chưa được chú trọng đúng mức; lực lượng báo cáo viên tuy đông về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chất lượng không đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức quản lý hoạt động của đội ngũ báo cáo viên thiếu chặt chẽ, tỷ lệ báo cáo viên hoạt động thường xuyên còn ít, nhất là ở cơ sở; việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác tuyên truyền miệng chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí để đầu tư các phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở còn khó khăn. Từ đó đã tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.

    * Một số kinh nghiệm thực tiễn

    Từ những kết quả tích cực và cả hạn chế qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, giúp cho các cấp uỷ đảng và ban tuyên giáo các cấp rút ra một số kinh nghiệm đó là:

    Một là, Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ trong tuyển chọn, xây dựng đội ngũ  báo cáo viên đảm bảo các tiêu chuẩn về năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ được giao thì công tác tuyên truyền miệng sẽ đạt hiệu quả cao.

    Hai là, Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền miệng, đổi mới phương thức, phương pháp công tác tuyên truyền miệng theo hướng nhanh nhạy, thiết thực, tăng tính thuyết phục, đáp ứng nhu cầu thông tin và phù hợp với đối tượng người nghe.

    Ba là, Phát huy vai trò, tham mưu trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp trong việc tham mưu giúp cấp uỷ tổ chức, quản lý và điều hành, kiểm tra làm cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên thực chất hơn.

    Bốn là, Chú trọng vai trò nòng cốt của báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên, thường xuyên cập nhật, nắm thông tin, kịp thời đề xuất và có giải pháp tuyên truyền thông tin chính thống, tích cực, phản bác các thông tin sai lệch, thù địch để ổn định tư tưởng và dư luận xã hội.

    * Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

    Trước sự bùng nổ của các loại hình truyền thông, mạng xã hội cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều thông tin đa dạng, đa chiều, trong đó không ít thông tin trái chiều, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bối cảnh đó đặt ra cho công tác tuyên truyền miệng nhiều thách thức, nhất là trong việc đổi mới mạnh mẽ phương thức tiếp cận, cung cấp và định hướng thông tin nhạy bén, kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Do đó, thời gian tới, ban tuyên giáo các cấp cần chú trọng tham mưu tích cực cho các cấp uỷ đảng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

    1- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, trực tiếp là bí thư cấp uỷ đối với công tác tuyên truyền miệng, xem đây là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác xây dựng Đảng tại địa phương, đơn vị;

    2- Chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ và thường xuyên củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền miệng ở cơ sở.

    3- Thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng thông tin tích cực, nhanh chóng, có tính dự báo cao; kết hợp hiệu quả của các trang, mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, hình thức trực tuyến,... phù hợp với nội dung và đối tượng đặc thù.

    4- Duy trì nền nếp hội nghị báo cáo viên định kỳ hằng tháng, quý; đồng thời tăng cường giao lưu, phối hợp chặt chẽ giữa báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn vận dụng có hiệu quả vào công tác tuyên truyền miệng.

    5- Cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền, kịp thời đầy đủ, chính xác, có tính thời sự và định hướng tư tưởng cao, nhất là định hướng thông tin chính thống về quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế có tính nhạy cảm liên quan đến tình hình đất nước, kể cả công tác xây dựng Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực,...

    6- Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, nhất là thông tin có tính chất nội bộ và cả thông tin chuyên gia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh… giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp cận thông tin đầy đủ, chuyên sâu để vận dụng và nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.

    Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính tích cực, nhiệt tâm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên trau dồi, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng thuyết trình, đặc biệt chú trọng phát huy ưu thế đặc trưng của tuyên truyền miệng so với các phương thức tuyên truyền khác trong việc tuyên truyền, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Đó chính là tiền đề quan trọng để nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả, tính nhạy bén của tuyên truyền miệng, góp phần giữ vững ổn định mặt trận tư tưởng ngay từ cơ sở./

Lâm Tấn Hoà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 2846
  • Trong tuần: 84,450
  • Tất cả: 11,469,902