Lượt xem: 739

"Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, an ninh mạng, sử dụng internet an toàn trong quá trình hội nhập quốc tế”

Trong những năm gần đây, cụm từ mạng xã hội đã trở nên quá quen thuộc và là công cụ không thể thiếu đối với hầu hết người dùng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân - sử dụng mạng xã hội vừa phục vụ nhu cầu học tập, cập nhật kiến thức, kết nối, giao lưu, kinh doanh, quảng cáo... mà còn phục vụ đắc lực cho công việc được nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, kịp thời hơn. Chính vì những tiện ích đó đã làm cho nhu cầu sử dụng mạng xã hội phục vụ cho cuộc sống, cho công việc ngày càng cao.

 


Fanpage Tuyên giáo Sóc Trăng là nơi đăng tải thông tin nhanh các vấn đề tuyên truyền trọng điểm

 

    Đi cùng các tiện ích và sự phát triển rộng rãi, mạnh mẽ đó, mạng xã hội tìm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại khôn lường cho người dùng nếu họ không đủ kiến thức, đủ thông tin, đủ kỹ năng, đủ tỉnh táo để nhận diện các rủi ro, các cạm bẩy tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội. Nguy hiểm hơn là các thế lực thù địch, phản động luôn biết cách phát huy lợi thế của mạng xã hội để phục vụ mục tiêu phá hoại kinh tế, chính trị, văn hóa... Đáng lo ngại nhất là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, đánh mạnh vào lực lượng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tác hại của mạng xã hội đối với người dùng.

    Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng về cơ bản đã được các ngành chức năng, ngành chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả. Các ngành, các cấp đã chủ động, linh hoạt tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội như: Luật An ninh mạng 2018; Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược An ninh mạng quốc gia; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 06/02/2020 “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội”; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 18/4/2022 “Về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng”; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Công văn số 1216-CV/TU, ngày 20/5/2023 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội và các văn bản chỉ đạo phổ biến đến tất cả các chi, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và chi, đảng bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở.

    Cùng với đó, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, thông tin với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cho cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự nhất là an ninh mạng; làm cho người dân hiểu, nắm rõ và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, nhất là trên không gian mạng.

    Lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, tích cực phát hiện và nhân rộng các điển hình tiêu biểu và mô hình hình hay của cơ sở; nhân rộng mô hình tố giác tội phạm của ngành công an, phong trào báo cáo, tố giác các tài khoản mạng xã hội tiêu cực. Fanpage Tuyên giáo Sóc Trăng là nơi đăng tải thông tin nhanh các vấn đề tuyên truyền trọng điểm, cập nhật kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên tuyền truyền viên, công tác viên kịp thời và là nơi tiếp nhận các báo cáo về tài khoản mạng xã hội tiêu cực; đồng thời thực hiện giải đáp các thắc mắc cho người dùng mạng xã hội, thông qua cách làm này đã phát hiện nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các thông tin tiêu cực có liên quan đến tỉnh Sóc Trăng.

    Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội với nhiệm vụ và nội dung chính, quan trọng đó là tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là về chính tư tưởng, về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên internet, mạng xã hội. Quán triệt đến từng cấp ủy, tổ chức đảng về việc hướng dẫn cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; chấn chỉnh nhắc nhở việc cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không phù hợp trên internet, mạng xã hội…Nhìn chung, đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ, có biểu hiện tích cực trong sử dụng mạng xã hội; có ý thức trách nhiệm, lập trường tư tưởng vững vàng, có văn hóa khi sử dụng internet, mạng xã hội, chấp hành tốt luật an ninh mạng và các quy định của Đảng và chính sách của Nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tỉnh táo nhận diện, tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội.

    Trong thực tế, việc sử dụng internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với người dùng, bộc lộ không ít vấn đề cần có sự quan tâm phối hợp, chủ động giải quyết của các ngành chức năng, cơ quan chủ quản và bản thân cán bộ, đảng viên. Trước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội và độ phủ sóng sâu rộng của công nghệ số, thế giới số ngày càng phổ biến và không thể thiếu trong đời sống, lao động, sản xuất, học tập của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chúng ta sẽ tận dụng và phát huy tối đa lợi thế, tiện ích của công nghệ mang lại để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng lại là một nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn, vất vả; bởi các thế lực thù địch, phản động ngày càng có những chiêu thức, thủ đoạn mới tinh vi, nguy hiểm hơn, đa dạng hơn để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi chúng ta là phải ứng phó được, ngăn chặn được những tiêu cực của mạng xã hội, những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội.

    Chính vì vậy, nâng cao ý thức cảnh giác, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nâng cao kỹ năng sử dụng internet an toàn trong quá trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để làm được điều đó, cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

    Một là, cấp ủy các cấp nhận thức sâu sắc hơn và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề an ninh mạng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, thường xuyên, liên tục cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, văn minh là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

    Hai là, cấp ủy các cấp quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó, làm rõ nhận thức về trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Các cấp ủy cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng kịp thời dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

    Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp của đơn vị chức năng (Tuyên giáo - Sở Thông tin truyền thông - Công an - Quân sự) với phương châm: Chủ động - hiệu quả - phòng ngừa là chính. Huy động lực lượng chuyên trách và cộng tác viên, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức an ninh mạng, rèn luyện kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn. Duy trì và thường xuyên tập huấn, trao đổi, tọa đàm, giao ban ban trực tuyến để thông tin kịp thời, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, ứng phó nhanh, hiệu quả với các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

    Bốn là, triển khai và thực hiện nghiêm Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội; Luật An ninh mạng 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội”. Cần mạnh dạn công khai các trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý, kỷ luật liên quan đến an ninh mạng để vừa giáo dục, cảnh tỉnh và răn đe, ngăn chặn các hành vi tiêu cực khác.

    Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nướcvới phương châm “phủ xanh không gian mạng”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đồng thời, chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo lời Bác; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên gan, bền chí trước mọi thủ đoạn, mưu mô thâm độc của các thế lực thù địch.

    Tóm lại, nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nâng cao kỹ năng sử dụng internet an toàn trong quá trình hội nhập quốc tế, thật sự là một nhiệm vụ rất quan trọng và phải triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Cùng với chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, từng bước khắc phục những trở ngại về an toàn, đảm bảo an ninh mạng, thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên, phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng không gian mạng sao cho tích cực không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội.

Lâm Sách - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 124
  • Hôm nay: 8851
  • Trong tuần: 94,498
  • Tất cả: 11,571,705