Mặc dù có giá trị kinh tế cao hơn so với các đối tượng vật nuôi khác, nhưng nuôi tôm nước lợ lại được xác định là ngành nghề mang tính rủi ro cao khi sự thành bại của mỗi vụ nuôi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về môi trường, nguồn nước,… Vì vậy, cùng với việc sử dụng hệ thống xi-phong để loại bỏ bùn đáy ao, phân tôm, thức ăn dư thừa, giúp môi trường ao nuôi sạch và ổn định, hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm của tỉnh còn ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc môi trường tự động,... Điều này giúp người nuôi chủ động được nguồn nước cấp cho ao nuôi; các biến động liên quan môi trường như độ pH, oxy hòa tan được kiểm soát tốt, giúp tôm sinh trưởng khỏe mạnh, dịch bệnh được hạn chế tối đa.
Hệ thống cho ăn tự động và có thể điều khiển trực tiếp bằng công tắt hoặc trên điện thoại thông minh
Anh Trương Rô Sa - hộ nuội tôm ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: “Ngoài ra, ao nuôi của tôi còn đầu tư hệ thống cho ăn tự động và có thể điều khiển trực tiếp bằng công tắt hoặc trên điện thoại thông minh. Nhờ vậy, mình có thể kiểm soát thức ăn được tốt hơn, tránh dư thừa thức ăn, giúp môi trường ao nuôi luôn sạch để tôm phát triển khỏe mạnh, nhanh về size lớn”.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất lúa, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã áp dụng rộng rãi các thiết bị điều khiển từ xa trong các khâu: Gieo sạ, bón phân, phun thuốc. Theo đánh giá của bà con nông dân, với mỗi 1 ha đất trồng lúa sử dụng thiết bị sẽ tiết kiệm được từ 1,5 - 2 triệu đồng chi phí sản xuất do tiết giảm được lượng lúa giống, phân, thuốc trong cả vụ. Ngoài ra, nhiều tổ chức nông dân nằm trong Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, đến năm 2030 còn được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ xây dựng bản đồ số và nhật ký điện tử với các thông tin được cập nhập đầy đủ về diện tích canh tác, sản lượng, liều lượng phân, thuốc đã được sử dụng. Đây được xem là cơ sở quan trọng để thúc đẩy liên kết tiêu thụ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp khi đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Phạm Văn Chương - nông dân ở ấp Sóc dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, cho biết: “Khi phun bằng bình máy, 1 tiếng sau nếu trời mưa phân sẽ dễ bị hao hụt, còn mình phun bằng thiết bị điều khiển như vậy dù có mưa thì thuốc vẫn không bị trôi đi nhiều, cây lúa hấp thụ tốt hơn nên ít bị hao hụt…”.
Cùng với việc khuyến khích nông dân áp dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp tốt cùng Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người sản xuất sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu nộp hồ sơ để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tự công bố sản phẩm,... Qua đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm,...
Đồng chí Trương Quốc Tuấn - Phó trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: “Phát huy vai trò của ngành Bưu điện trong công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Bưu điện tỉnh phối cùng các sở, ngành, địa phương hướng dẫn người dân triển khai nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, toàn tỉnh có 100% điểm phục vụ đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi người dân nộp sơ. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích hơn 100.000 lượt hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt hơn 2.500 hồ sơ; riêng hồ sơ thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt 1.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến là 300 hồ sơ. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ nông dân đăng ký bán hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử buudien.vn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn”.
Thực hiện Dự án Chuyển đổi số lĩnh vực Nông nghiệp theo Đề án 03 của tỉnh Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 73/NQ-HĐND, ngày 13/11/2023 về chủ trương đầu tư Dự án Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và đã được phê duyệt tổng mức đầu tư là 3 tỷ đồng. Hiện nay, ngành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - Chi nhánh Sóc Trăng xây dựng hệ thống dữ liệu Trung tâm giám sát, điều hành của ngành trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số toàn ngành phát triển thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ứng dụng thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc bảo vệ thực vật
Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Đến nay, hệ thống Trung tâm giám sát điều hành (IOC) của ngành hiện cơ bản đã hoàn chỉnh, trong thời gian tới sẽ kết nối, liên thông lên hệ thống IOC của tỉnh, xây dựng bản đồ số, cập nhật số liệu về quản lý và chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục khuyến khích việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào sản xuất như: Ứng dụng hệ thống bẫy đèn điện tử thông minh vào công tác theo dõi, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng; ứng dụng hệ thống phun tưới tự động trong trồng trọt và thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc bảo vệ thực vật; lắp đặt thiết bị hành trình trên tàu cá; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nước của tỉnh; chuyển đổi số thông qua sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng; quản lý, vận hành được 07 trạm quan trắc nước trong APP “Nguồn nước Cửu Long” nhằm cung cấp thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn, pH trên nền tảng điện thoại thông minh, máy tính để bàn và được tích hợp trên App Công dân của tỉnh…
Các giải pháp thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã, đang và sẽ triển khai được xem là hướng phát triển tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, trách nhiệm và bền vững. Đồng thời, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, từng bước tiến tới xây dựng nông thôn hiện đại.
Ngọc Thơ