Lượt xem: 204

Ứng dụng công nghệ số trong ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn huyện Kế Sách

Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 được dự báo sẽ xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao hơn và xâm nhập sâu hơn. Thực tế diễn biến mặn từ cuối tháng 12/2023 đến nay xảy ra đúng như dự báo. Hiện nay (11/3/2024) ngưỡng mặn trên 1‰ đã vượt qua vàm Cái Côn, độ mặn cao nhất lên đến hơn 6‰ đã xảy ra tại vàm Nhơn Mỹ. Dự báo xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra gay gắt trong tháng 3/2024.

 


Các thông tin liên quan đến việc ứng phó hạn, mặn trên các nhóm zalo và facebook. Ảnh minh họa

 

    Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, hỗ trợ bà con nông dân bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mặn gây ra; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động áp dụng mọi giải pháp từ giải pháp công trình đến phi công trình để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, ứng dụng công nghệ là giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với hạn mặn được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai và nông dân hưởng ứng tích cực.

    Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng quan trắc nguồn nước tự động theo thời gian thực như: Mekong, nguồn nước sông Cửu Long, thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ các ứng dụng này, nông dân có thể nhận được các thông tin về mực nước trên sông, độ pH, nhiệt độ nước và độ mặn tại các điểm quan trọng, đầu nguồn nước thuộc địa bàn huyện gồm: Rạch Phụng An (xã An Mỹ), thị trấn Kế Sách, vàm An Lạc Tây và vàm Cái Trâm; hoặc tham khảo, theo dõi từ xa để đưa ra dự báo từ thông tin của các trạm lân cận như: Trạm Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), trạm Đường Đức và trạm Bông Bót (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)… Thông tin về chất lượng nước, nhất là diễn biến mặn được cung cấp kịp thời đã giúp nông dân chủ động ứng phó hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn trong thời gian qua.

    Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, Dự án Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL đã hỗ trợ các thiết bị đo mặn kỹ thuật số cho tất cả các địa phương. Các tổ đo mặn thực hiện đo từ 1 – 2 lần/ngày, tùy tình hình diễn biến mặn, kể cả ngày nghỉ và ban đêm. Các xã, thị trấn và huyện thành lập nhóm đo mặn và nhóm thông tin mặn trên zalo; các thông tin mặn được cập nhật ngay khi có kết quả đo kèm với các khuyến cáo, hướng dẫn cách ứng phó (kỹ thuật tưới, biện pháp canh tác), trữ ngọt, ngăn mặn, thông tin dự báo. Các thông tin về tình hình mặn cũng được cập nhật thường xuyên trên trang facebook “Kế Sách ngày mới” để nhiều người có thể tiếp cận. Nông dân có thể tương tác trực tiếp, trao đổi thảo luận các thông tin liên quan đến việc ứng phó hạn, mặn trên các nhóm zalo và facebook. Số người tham gia các nhóm zalo về thông tin mặn từ vài trăm thành viên của các xã, thị trấn đến 1.000 thành viên của huyện (số thành viên tối đa mà zalo cho phép).

    Việc ứng dụng công nghệ số trong quan trắc, đo mặn, thông tin, hướng dẫn các biện pháp ứng phó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng nông dân chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả trong công tác ứng phó hạn, mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

    Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất các cơ quan liên quan trang bị thêm các cụm loa thông minh để thông tin về diễn biến mặn sẽ lan tỏa rộng hơn, giúp những nông dân chưa có trang bị điện thoại thông minh, chưa có kết nối 3G, 4G, wifi cũng kịp thời tiếp cận thông tin mặn để chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 8072
  • Trong tuần: 93,372
  • Tất cả: 11,560,428