Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: TTXVN
Dưới đây là một mẩu chuyện theo dòng sự kiện và thời gian được tái hiện từ ký ức lịch sử - Những năm tháng không thể nào quên. Chuyện kể lại rằng:
“Mùa hè năm 1946, Bác đến thăm chiến sĩ bộ đội làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Sơn Động, Bắc Giang. Được tin Bác đến thăm, mọi người hết sức vui mừng, làm tổng vệ sinh doanh trại cho gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp để kịp đón Bác. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang trao đổi với đồng chí Trần Văn Giang, chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương lúc dó, nhắc nhở anh em chiến sĩ làm thật tốt công tác chuẩn bị để đón Bác được chu đáo.
Công tác tiễu phỉ trừ gian, bảo đảm an ninh trật tự rất vất vả, đời sống của chiến sĩ lại rất thiếu thốn. Lính Quốc dân Đảng Trung Hoa vừa mới rút, bộ đội ta tiếp quản doanh trại phải mất bao công sức tổng vệ sinh doanh trại mới tạm sạch sẽ. Nhiều chiến sĩ tiễu phỉ bị sốt rét phải đưa vào bệnh viện. Anh em chiến sĩ chia nhau công việc, làm cổng chào, trang trí hội trường, thu xếp lại nhà ăn, nơi ở của cán bộ, chiến sĩ để kịp đón Bác.
Khi đến, Bác lại không đi theo cổng chính doanh trại đã trang trí cờ hoa và đông đủ cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ đang chờ Bác đến. Bác đi lối cổng sau vào đến cơ quan doanh trại, kiểm tra từ phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh mà mọi người không hề biết. Thế là kế hoạch đón Bác bị đảo lộn hết.
Bác đi cùng đồng chí Đinh Đức Thiện, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Mọi người đã nhìn thấy Bác ở cổng sau, chạy thật nhanh đến chào Bác. Đồng chí Trần Văn Giang, chính trị viên Tiểu đoàn Bắc Giang ra đón Bác.
Bác thân mật bắt tay từng người một, nhìn mọi người và nói với đồng chí Giang (sau này là một vị tướng, có nhiều lần gặp Bác) một câu rất hóm hỉnh:
- Chú chỉ huy ở đây phòng thủ thế nào mà “quân địch” vào giữa doanh trại mới biết?
Đồng chí Giang lúng túng mời Bác vào tiểu đoàn bộ. Bác hỏi:
- Chú định làm gì mà dẫn Bác vào tiểu đoàn bộ?
- Thưa Bác, mời Bác vào uống nước và ăn trái cây.
Đồng chí Giang đáp lời Bác như vậy. Bác xua tay:
- Cảm ơn chú, Bác vừa uống nước rồi. Bác ít thì giờ. Bác muốn thăm nơi ăn, ở, làm việc của các chú một chút chứ thì giờ đâu mà uống nước ăn quả.
Nói xong, Bác bảo đưa Bác đi kiểm tra nhà vệ sinh và nhà ăn. Thấy một dãy nhà quét vôi trắng xóa, Bác gật đầu rồi quay lại cười, nói với đồng chí Thiện:
- Chừng được tin Bác sắp đến nên các chú mới quét vôi sáng nay hay tối qua phải không?
Anh em thật thà báo cáo Bác là mới quét hôm tổng vệ sinh doanh trại. Bác khen, thường xuyên giữ sạch sẽ thế này thì tốt. Bác lại hỏi: Nhà bếp, nhà ăn của các chú đâu? Đưa Bác tới thăm. Bác nhìn một lúc lâu và có vẻ hài lòng thấy nhà bếp, nhà ăn đều sạch sẽ, gọn gàng. Nhìn mọi người một lượt rất trìu mến, rồi Bác nói:
- Nhà ăn này thoáng và sạch đấy. Nhưng lấy cánh cửa làm bàn ăn à?
Anh Thiện thưa với Bác là trước khi rút đi, bọn Quốc dân Đảng Trung Hoa phá phách ghê quá. Chúng chẻ cả bàn ghế làm củi đun. Hiện giờ, anh em đang thiếu thốn quá.
Bác im lặng và quan sát những thứ bày trên cánh cửa: Một đĩa nhỏ đựng cá kho, một bát con đựng nước kho cá làm nước chấm, một nửa tàu lá chuối đựng đầy rau muống luộc.
Thoáng một nét tư lự trên khuôn mặt hồn hậu của Bác. Mặt Bác lại thoáng một nét vui khi được báo cáo là bộ đội giúp dân tát ao, đồng bào bán cho bộ đội hai rổ cá. Bác nói:
- Lao động giúp dân thế là tốt. Lại có cá ăn. Chú Thiện, chú Bình có ngửi thấy mùi thơm của cá kho không? Các chú kho cá với gì thế này? Khế à? Tốt. Gì nữa đây? À, chuối xanh. Chú nào kho cá mà khéo thế?
Mấy đồng chí anh nuôi (cấp dưỡng) được Bác khen, vui quá, lại đứng gần Bác. Bác còn nói thêm:
- Các chú đã bao giờ ăn cá kho với quả sung chưa? Cũng ngon lắm. Hôm nào thử xem.
Mọi người cười vui rạng rỡ. Bác lại hỏi:
- Thế các chú luộc rau mà không uống nước rau à?
Anh em thưa với Bác là vì không có chậu đựng nước rau nên phải để cả nồi nước rau to bên chân tường, ai muốn chan thì ra đấy múc. Bác yên lặng, một thoáng không vui. Bác hỏi chỉ huy đơn vị:
- Chú Giang, lính của chú ăn mỗi bữa mấy bát? Có đủ cơm không?
- Thưa Bác, số đông anh em ăn ba bát. Một số đồng chí ăn hai bát. Vài đồng chí ăn khỏe hơn như đồng chí Rùa, giữ kho tiểu đoàn, ăn năm bát mà vẫn chưa đủ. Được cái rau muống nhiều nên ăn vẫn no ạ.
Mấy anh em vỗ tay, đẩy anh Rùa lại gần Bác.
- Thưa bác, Thùng Văn Rùa đây ạ.
Bác hơi ngạc nhiên:
- Thùng Văn Rùa? Họ chi lạ vậy?
Anh em cười xôn xao, giải thích với Bác vì Nguyễn Văn Rùa ăn khỏe quá, “bất thùng chi thình” nên anh em đùa, đặt cho họ tên anh Rùa là Thùng Văn Rùa. Bác xoa bụng Rùa nói vui:
- Chú Rùa này tốt bụng với anh em lắm đây. Tướng Thùng Văn Rùa mà cầm quân chống giặc đói thì chắc gay go quyết liệt lắm nhỉ?
Rồi Bác bước ra sân, vừa đi thong thả vừa nói với mấy đồng chí lãnh đạo:
- Chú Thiện, chú Bình này. Bác đề nghị tỉnh cho bộ đội ít tiền mua đĩa đựng rau, chậu đựng nước rau và mấy cái muôi để múc chan.
Sau đó, Bác nói chuyện với bộ đội. Giọng Bác trầm trầm, ấm áp vang động vào mỗi con tim chiến sĩ. Bác đã nghe Tỉnh ủy báo cáo về thành tích tiễu phỉ của các chú, lại hết lòng giúp dân sản xuất và xóa nạn mù chữ, làm công tác tuyên truyền vận động giỏi, giữ kỷ luật nghiêm, chịu khó học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Nơi ăn, chốn ở gọn gàng sạch sẽ. Thế là tốt. Bác khen các chú.
Rồi như chợt nhớ ra, Bác nói thêm:
- Nhưng Bác vẫn thấy ở sân kho còn một đống rác to, sao các chú không đốt đi? Vừa sạch sân, vừa chống muỗi, lại có tro bón cho các luống rau, gốc chuối.
Bác ôn tồn nhắc mọi người phải đọc nhanh, viết thạo, hằng ngày chăm đọc báo, thể thao, ca hát, tăng gia. Phải chịu khó luyện tập quân sự, chuẩn bị đối phó với mọi tình hình, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nói ngắn gọn mấy câu rồi Bác hỏi:
- Các chú nghe có rõ không? Có làm được không?
Cả đoàn quân hô vang:
- Thưa Bác, rõ ạ, hiểu ạ, làm được ạ.
Rồi Bác tạm biệt mọi người, Bác còn phải đi, đi nhiều, thăm nhiều đồng bào, chiến sĩ và còn hàng núi công việc phải làm. Thôi, chào các chú, Bác đi đây.
Khi xe Bác đã đi xa, anh em cán bộ, chiến sĩ nhìn nhau. Anh Cao nói:
- Hay thật, kế hoạch đón Bác bị đảo lộn hết. Nhà khách Bác không vào, trái cây Bác không ăn, bục cao Bác không đứng. Kèn không thổi. Trống không đánh. Lời hứa hẹn chưa kịp nói. Khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muôn năm thì chưa đợi chỉ huy, mọi người cứ thỏa sức hô.
Bác của chúng ta là như thế. Anh em chúng ta đối với Bác là như thế” [1].
Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi thành lập 22/12/1944 cho đến nay đã không ngừng lớn mạnh; đã cùng với toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và sau đó là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau thắng lợi mùa Xuân 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân. Quân đội ta đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác và nhất là luôn xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho các chiến sĩ quân đội. Vì vậy, có rất nhiều kỷ niệm hết sức cảm động về Bác, mà câu chuyện “Chuyện kể về Bác Hồ với các chiến sĩ và tướng lĩnh” là một câu chuyện, kỷ niệm khó quên của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Sự quan tâm của Người luôn ân cần và chu đáo. Tình thương yêu của Người rộng lớn và sâu xa, luôn thắp sáng trong ta ngọn lửa của đức tin và niềm hy vọng. Sức cảm hóa đầy thuyết phục của Người làm muôn người xúc động bởi rất đỗi chân thành. Tình cảm của Bác Hồ với bộ đội và bộ đội với Bác Hồ là một tình cảm đặc biệt, hiếm có giữa lãnh tụ với chiến sĩ, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, một lòng một dạ vì nước vì dân, như đàn con với người cha của mình. Tình cảm của Bác với bộ đội rất đỗi đời thường, rất đỗi con người, giản dị mà vĩ đại, bền bỉ sâu lắng, vượt thời gian, trở thành huyền thoại.
Bác khẳng định “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình”[2]. Chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay là nhờ công ơn của hàng vạn “Bộ đội Cụ Hồ” ngã xuống cho mảnh đất hình chữ S này. Càng tự hào hơn khi những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn có mặt ở tuyến đầu mọi miền Tổ quốc, họ giữ chắc tay súng để bảo vệ quốc gia, dân tộc. Bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sống cùng nhân dân, giúp đỡ nhân dân lúc khó khăn do thiên tai lũ lụt, cùng nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống COVID-19… Những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đi đầu, hăng hái thực hiện nhiệm vụ và anh dũng hy sinh ngay trong thời bình vì sự bình yên của nhân dân. Họ đã để lại những hình ảnh tốt đẹp trong lòng dân, đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu của mình đóng góp cho Tổ quốc trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong tình hình mới của đất nước hôm nay.
Nhớ Bác, khắc ghi lời dạy của Người, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm học tập và làm theo tấm gương của Bác, đi đầu trên mọi trận tuyến, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì lời thề “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[3]
Anh Võ
[1] Theo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa, “Chuyện kể về Bác Hồ với các chiến sĩ và tướng lĩnh”, Mùa hè năm 1946, Bác đến thăm chiến sĩ bộ đội làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Sơn Động, Bắc Giang.
[2] & [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.434 và 435.