Lượt xem: 621

Sóc Trăng sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, công tác Đông y và Hội Đông y luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo cụ thể hóa 5 quan điểm, 3 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp được nêu trong Chỉ thị, Kết luận của Trung ương; đồng thời, ban hành Thông tri số 18-TT/TU, ngày 9/9/2008 thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư và triển khai đến các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và địa phương để thực hiện.

 


Khám bệnh bằng y dược học cổ truyền tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Hưng Nghĩa Tự.

 

    Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dự án, quyết định hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; ban hành quyết định giao dự toán ngân sách, biên chế cho ngành Y tế và Hội Đông y hàng năm, bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động; đồng thời, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, địa phương phối hợp với ngành Y tế, Hội Đông y các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã ban hành.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri số 18-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác Đông y và hoạt động của Hội Đông y có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền Y học cổ truyền của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc phát triển nền Đông y; mạng lưới Y học cổ truyền từng bước được củng cố, kiện toàn; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên được thực hiện thường xuyên; công tác tổ chức Hội Đông y các cấp được quan tâm, củng cố thường xuyên; số lượng cán bộ ngành Đông y ngày càng tăng, trình độ chuyên môn được nâng cao; công tác quản lý nhà nước về Đông y được tăng cường. Hội Đông y phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phưong, đơn vị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra theo từng nhiệm kỳ.

Đội ngũ cán bộ Y dược cổ truyền được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tận tâm với nghề. Công tác khám, chữa bệnh Y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế và các cấp Hội Đông y có sự chuyển biến tích cực, thu hút ngày càng nhiều người dân đến khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Các vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn được chăm sóc và duy trì tốt. Các phương pháp khám, chữa bệnh bằng Đông y, kết hợp với Tây y và phương pháp không dùng thuốc ngày càng được phát huy, đưa hoạt động khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tiếp tục phát triển.

Việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, 2020-2025 đạt kết quả tích cực; công tác Y dược cổ truyền tại tuyến xã được duy trì và phát triển; từng bước xã hội hóa Y dược cổ truyền thông qua công tác truyền thông, hướng dẫn người dân áp dụng các phương pháp Y dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh. Mạng lưới y tế tư nhân Y dược cổ truyền hoạt động ổn định, chấp hành đúng các quy định của Nhà nước. Sự phối hợp giữa ngành Y tế và Hội Đông y ngày càng được quan tâm, giữ gìn được bản sắc truyền thống của nền Đông y Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Hệ thống tổ chức Đông y từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác Đông y tăng về số lượng và chất lượng, toàn tỉnh có 41 bác sỹ, 202 y sỹ chuyên khoa Đông y. Các cơ sở khám, chữa bệnh có khoa Đông y được quan tâm đầu tư, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Bệnh viện đa khoa tỉnh và 11 bệnh viện tuyến huyện đều có khoa, tổ Đông y, có cán bộ được đào tạo chuyên khoa Y học cổ truyền; các trạm y tế xã đều có cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn về công tác Đông y. Công tác Đông y, Hội Đông y của tỉnh luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời Hội Đông y tỉnh là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nên việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động Đông y ngày càng được nhân rộng; công tác tư vấn, phản biện trên cơ sở giá trị tri thức Y học cổ truyền và Y học hiện đại luôn được chú trọng. Từ đó hệ thống tổ chức về Đông y từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác Đông y tăng về số lượng và chất lượng; thiết bị y tế ngày càng được tăng cường, áp dụng nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật trong điều trị; nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh Y học cổ truyền ngày càng tăng và được thanh toán bảo hiểm y tế.

Tỉnh tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung, các đề án của Chính phủ, Đề án Sóc Trăng 150 và chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra - thi đua khen thưởng đã gắn liền với công tác phát triển Hội Đông y một cách toàn diện. Hội lấy y thuật, y đức và việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước làm thước đo cho sự phấn đấu, rèn luyện cho mỗi cán bộ hội viên; kiểm tra các cơ sở điều trị bằng Y học cổ truyền về chấp hành Luật khám chữa bệnh, quy chế chuyên môn, cách bảo quản và sử dụng dược liệu,... Qua kiểm tra, các cấp hội trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy chế và điều lệ hội; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Công tác nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y của tỉnh ngày càng được quan tâm; công tác vận động các cơ sở có điều kiện, các điểm chùa duy trì và đẩy mạnh việc xây dựng vườn thuốc nam phục vụ trong điều trị miễn phí cho người bệnh được tăng cường. Hiện nay, toàn tỉnh có 169 vườn thuốc, với diện tích trên 70.000m2. Đặc biệt, 109 Trạm Y tế các xã, thị trấn và Trung tâm Y tế tuyến huyện duy trì trồng, chăm sóc vườn thuốc nam tối thiểu 40 cây thuốc theo quy định của Bộ Y tế; trong đó, hệ thống Hội Đông y các cấp có 50 vườn thuốc, với diện tích trên 68.000m2 và 200 chủng loại cây dược liệu. Ngoài ra, các cấp hội còn sưu tầm thêm nhiều loại thảo dược mọc thiên nhiên; mỗi năm thu hái trên hằng trăm tấn. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho người dân hiểu biết, sử dụng một số cây thuốc, bài thuốc quý, phương pháp chữa bệnh thường gặp tại cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn dược liệu quý, những bài thuốc cổ truyền, phương pháp chữa bệnh hay bằng Đông y.

Công tác nghiên cứu khoa học trong Đông y luôn được tỉnh quan tâm đúng mức; một số đề tài nghiên cứu khoa học đã được đưa vào thực tiễn để điều trị như: Đề tài “Phương pháp điều trị bệnh thủy thủng” của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Đề tài “Sưu tầm các bài thuốc Y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để bảo tồn và sử dụng trong điều trị bệnh” do Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế thực hiện và Đề tài “Đánh giá hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ bằng thể châm cải tiến kết hợp tái học hỏi vận động” do Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Công tác xã hội hóa Y dược cổ truyền cũng được quan tâm đẩy mạnh. Sở Y tế tạo điều kiện cho các lương y, lương dược hành nghề theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, xây dựng cơ cấu ngạch, số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về Y, dược học cổ truyền hợp lý, đúng theo quy định; khuyến khích các lương y truyền đạt lại các bài thuốc hay, các kinh nghiệm dân gian trong khám chữa bệnh để góp phần cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hội Đông Y tỉnh vận động các hội viên thu hái thuốc nam phục vụ cho các phòng chẩn trị Y dược cổ truyền điều trị miễn phí cho bệnh nhân, góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển nền Đông y tỉnh nhà nói riêng và nền Đông y Việt Nam nói chung.

Trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, Hội Đông y các cấp trong tỉnh giữ vai trò nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong phát triển nền Đông y tại địa phương; thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Hội Đông y; quan tâm phát triển hội viên; tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về chuyên môn, tay nghề; ưu tiên tiếp nhận bác sỹ, y sỹ và điều dưỡng được đào tạo về Y học cổ truyền; triển khai thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BYT, ngày 05/01/2016 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc Y học cổ truyền, kê đơn thuốc Y học cổ truyền kết hợp với thuốc tân dược trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hằng năm, Hội Đông y tỉnh phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyên môn cho các hội viên về kiến thức bệnh học và trao đổi các bài thuốc tâm đắc; trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân; chú trọng công tác sưu tầm và kế thừa Đông dược; phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng vườn thuốc nam, sưu tầm cây thuốc quý; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh kết quả đạt được của Hội Đông y trên lĩnh vực Đông dược, công tác Đông y châm cứu cũng là thế mạnh của tỉnh. Tính đến nay, tỉnh là đơn vị thứ 34/63 tỉnh thành trong cả nước có thành lập Hội Châm cứu trực thuộc Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam. Hoạt động của Hội luôn gắn kết với ngành Y tế, nhất là trong Khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện công; kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị về Y học cổ truyền ở một số bệnh như: Tý chứng, trúng phong kinh lạc, yêu tích hư,… và áp dụng nhiều phương pháp không dùng thuốc như: Trường châm, thể châm, thủy châm, túc châm, nhỉ châm,… Kết quả, qua đánh giá 3 giai đoạn cho thấy, số lượt bệnh nhân áp dụng phương pháp không dùng thuốc trên 12 triệu lượt bệnh nhân được điều trị, bình quân mỗi giai đoạn tăng từ 1 đến 1,5 triệu lượt bệnh nhân, giảm kinh phí trong điều trị và giảm tốn kém rất nhiều cho bệnh nhân.

Nhìn chung, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, tổ chức các cấp Hội Đông y tại Sóc Trăng ngày được kiện toàn, phát triển hội viên đều qua các năm, hoạt động nề nếp và đã có những đóng góp quan trọng và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà, nhất là công tác khắc phục những di chứng hậu COVID-19 trong những năm gần đây.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 129
  • Hôm nay: 7612
  • Trong tuần: 89,152
  • Tất cả: 11,533,708