Lượt xem: 470

Sóc Trăng tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và đạt được những thành tựu khá toàn diện. Theo đó, kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nông nghiệp tiếp tục phát triển; diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới và kết cấu hạ tầng nông thôn về giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, xã hội,... được đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, vị thế của người nông dân được nâng lên, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

 


Phát triển một số khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh Minh Họa

 

    Một trong những kết quả nổi bật sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là Sóc Trăng đã tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn giai, đoạn 2022-2025, định hướng năm 2030; Quyết định số 2124/QĐ-UBND, ngày 24/8/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025,...

    Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, mang lại hiệu quả cao; xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình hợp tác xã kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 227 hợp tác xã (tăng 4 hợp tác xã so cuối năm 2022); trong đó, có 217 hợp tác xã đang hoạt động, 10 hợp tác xã ngừng hoạt động. Theo đó, có tổng số 31.969 thành viên, với tổng vốn điều lệ của hợp tác xã là 150,4 tỷ đồng; có 1.241 tổ hợp tác với 29.592 thành viên, trong đó có 1.219 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

    Trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây - con phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Qua đó, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là 2.047,1ha; chuyển đổi sang cây hằng năm 1.393,3ha; chuyển đổi sang cây lâu năm 574,7ha; chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa 79,1ha. Các loại cây hằng năm chuyển đổi đạt hiệu quả như sen, bắp, đậu nành, dưa hấu, ớt, bầu, khổ qua, bí đao bung,...; cây lâu năm có tiềm năng xuất khẩu và phù hợp với điều kiện tự nhiên như dừa, chuối, vú sữa, sầu riêng, chanh,… góp phần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung hướng đến sản xuất bền vững.

    Diện tích gieo trồng lúa của tỉnh đạt 330.381ha, đạt sản lượng trên 2 triệu tấn (tăng 0,55% so cùng kỳ); trong đó, tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,2%. Tiếp tục duy trì và phát triển một số khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP và vùng chuyên canh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, kháng sâu bệnh với diện tích là 19.129ha (lúa 7.752ha; hành tím và rau màu 3.196ha; cây ăn trái 8.181ha). Đồng thời, quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, bảo đảm diện tích đất lúa để duy trì an ninh lương thực.

    Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi quy mô trang trại theo Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 16/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh hiện nay là 397.234 con, đạt 109% kế hoạch; có 718 hộ/814 nhà nuôi chim yến với số lượng khoảng 281.086 con và sản lượng yến khai thác 6.800kg. Chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo; xây dựng kế hoạch giám sát và kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên cơ sở đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh hiện có 50 trang trại nuôi heo; ngoài ra, còn có 15 hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể chăn nuôi; 1 cơ sở giết mổ được chứng nhận HACCP, 2 cơ sở giết mổ được chứng nhận an toàn thực phẩm.

    Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh thả nuôi gần 64.048ha, đạt 87% so với kế hoạch và bằng 91% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đạt 284.706 tấn. Toàn tỉnh có 57 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP,... với diện tích 2.148ha (52 đơn vị sản xuất tôm, 5 đơn vị sản xuất cá). Các cấp ủy, chính quyền vận động người dân tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác tiềm năng nguồn lợi cá đồng ở vùng trũng (các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm); phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt vùng ven sông Hậu và tại vùng lúa nước ngọt; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá.

    Các cơ quan chuyên môn phối hợp lực lượng Biên phòng, các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU khi các chủ tàu và thuyền trưởng khi đến làm giấy rời, cập cảng; thông báo trên Đài Truyền thanh huyện Trần Đề, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề theo Thông báo số 01/TB-IUU, ngày 12/01/2022 về việc đề nghị các chủ tàu nhanh chóng khắc phục tình trạng tàu các mất kết nối với máy giám sát hành trình nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền; kiên quyết không để xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.

    Trên lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái được thực hiện nghiêm. Đến cuối tháng 8/2023, tỉnh triển khai trồng rừng trên địa bàn với diện tích 107ha; trong đó, rừng trồng lại sau khai thác 82,7ha, chăm sóc 659,90ha, bảo vệ 1.936,7ha. Quản lý và bảo vệ tốt gần 10.246 ha diện tích rừng hiện có, góp phần bảo đảm tỷ lệ độ che phủ rừng cuối năm 2023 đạt 2,6%. Nhân rộng các mô hình sinh kế dưới tán rừng vừa bảo vệ rừng, kết hợp nuôi thủy sản nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời xử lý các tình huống không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tính đến tháng 9/2023 đã triển khai trồng cây xanh phân tán được 1.392.000 cây.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 96
  • Hôm nay: 10204
  • Trong tuần: 95,504
  • Tất cả: 11,562,560