Lượt xem: 1001

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đồng hành cùng chặng đường 30 năm đổi mới nông thôn Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng đã trải qua 30 năm tái lập tỉnh, trong đó có đến 11 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đồng hành cùng tỉnh. Thông qua chương trình đã làm đổi thay sâu sắc diện mạo của 80 xã vùng nông thôn Sóc Trăng. Để hiểu rõ hơn về những kết quả của chặng đường dài mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại, cộng tác viên Trang thông tin điện tử tổng hợp Đảng bộ tỉnh trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng về vấn đề này.

 


Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Thuận Hưng

 

    * Thưa đồng chí, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chương trình), đồng chí có đánh giá như thế nào về kết quả mà chương trình này mang lại?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trong chặng đường 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh, chương trình đã đồng hành được 11 năm. Chương trình đã triển khai sâu rộng trên địa bàn 80 xã, chưa kể 2 năm thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới tại 11 xã, phường, giai đoạn 2009 - 2010 theo kết luận của Bộ Chính trị. Chương trình luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây là chương trình ý Đảng – lòng dân nên luôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Tôi cho rằng, đây chính là kết quả quan trọng nhất, quyết định sự thành công của chương trình. Chặng đường qua với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, chương trình đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng thời khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí khát vọng của mỗi người dân nông thôn trong việc chung tay xây dựng quê hương. Qua thống kê có trên 1.700 tỷ đồng và hàng trăm ngàn mét vuông đất người dân nông thôn tự nguyện hiến để xây dựng các công trình, dự án. Đến nay, chương trình đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào lập thành tích chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Cụ thể là đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đều trên 15 tiêu chí. Có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

    * Chương trình đã song hành cùng chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, góp phần trong thay đổi diện mạo và đời sống nhân dân các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta như thế nào, thưa đồng chí?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn nói riêng và sự phát triển của tỉnh nhà nói chung, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, đảo. Nếu như giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 33 xã đặc biệt khó khăn, thì đến nay, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ toàn tỉnh chỉ còn 17 xã. Điển hình như xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung là xã đảo; xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên là xã có trên 70% đồng bào Khmer; xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm là xã an toàn khu hoặc các xã bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn khác đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chương trình nông thôn mới đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo nông thôn, tình hình sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện cả về kết nối đô thị và phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa, đi lại của người dân. Hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, đặc biệt là cảnh quan môi trường đã được nâng cao chất lượng. Nhiều người dân xa quê trở về đều đánh giá cao sự phát triển và thay đổi của nông thôn ngày nay. Quan trọng nhất là đời sống của nhân dân nông thôn đã có bước phát triển. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với trước khi triển khai chương trình, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

    * Được biết năm 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ của tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu lộ trình phấn đấu như thế nào thưa đồng chí?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, ngành cũng đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết Chuyên đề số 09 về xây dựng nông thôn mới và xem đây là kim chỉ Nam để tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình nông thôn mới. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Sở cũng đã xây dựng lộ trình để thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết. Riêng năm 2022, phấn đấu có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

    * Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Sang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 4645
  • Trong tuần: 89,945
  • Tất cả: 11,557,001